Giải bài toán ùn tắc giao thông ở Hà Nội

Ùn tắc giao thông (UTGT) luôn là vấn đề làm “đau đầu” các cơ quan chuyên ngành ở Hà Nội. Tình trạng này tiếp tục được dự báo diễn biến phức tạp trong năm 2011, nhất là vào giờ cao điểm, các dịp lễ hội, sự kiện lớn. Vì vậy, bài toán giảm UTGT đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể ngay từ đầu năm.

Luẩn quẩn, rối bời

Thống kê của Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội cho biết, thành phố hiện vẫn tồn tại khoảng 100 “điểm đen” thường xuyên xảy ra ùn tắc hoặc có nguy cơ UTGT. Với mật độ dân số và phương tiện giao thông cá nhân không ngừng tăng như hiện nay, mà không cải tạo đường sá kịp thời, thì người dân Hà Nội sẽ còn thường xuyên đối mặt với UTGT, đặc biệt là vào những ngày lễ, Tết, sự kiện lớn, mưa lũ.

Hầm đường bộ Kim Liên thuộc nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt, công trình được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản, đã phát huy tác dụng tốt trong việc giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Danh Lam - TTXVN


Riêng 9 quận nội thành Hà Nội hiện nay, diện tích dành cho giao thông chỉ chiếm 6,8%, trong khi nhu cầu cần tới hơn 20%, với tỷ lệ gia tăng phương tiện bùng phát như hiện nay thì không ùn tắc mới là lạ.


Dù Hà Nội hiện đã được mở rộng gấp ba về diện tích, nhưng tỷ lệ diện tích dành cho giao thông vẫn quá hạn chế, trong khi mỗi năm Hà Nội lại xây dựng mới hàng triệu mét vuông nhà, hàng chục khu đô thị ồ ạt mọc lên.

Sở GTVT Hà Nội cho biết: Năm 2010, Hà Nội đã xảy ra hơn 100 vụ UTGT kéo dài trên 1 tiếng, còn hơn 30 phút thì không đếm xuể. Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ùn tắc, theo các cơ quan chuyên ngành giao thông thủ đô phân tích đều là do quỹ đất dành cho giao thông đô thị quá thấp; quy hoạch giao thông đô thị, tổ chức giao thông bất hợp lý; phương tiện cá nhân phát triển tùy tiện; ý thức người tham gia giao thông chưa cao; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đảm bảo; quản lý đường bộ phân tán...

Trong đó, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài là hạ tầng giao thông đô thị không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hà Nội đến nay chưa có tuyến đường vành đai nào được hoàn chỉnh theo quy hoạch, các nút giao thông hầu hết là đồng mức, hầu hết các tuyến đường có mặt cắt hẹp (80% có mặt cắt dưới 11 m), hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ chưa nhiều.

Bên cạnh đó, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, khoảng 10-15%/năm, với trên 300.000 ô tô, gần 4 triệu xe máy, khoảng 1 triệu xe đạp hiện có. Lưu lượng phương tiện giao thông vượt quá khả năng thông hành của đường và các nút giao cắt.


Thêm vào đó, vận tải hành khách công cộng - phương tiện chính để giảm tải giao thông, chủ yếu mới là xe buýt, nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu. Ngoài ra, ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế và chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Hà Nội hiện có quá nhiều tuyến đường có lòng đường hẹp, không tương xứng với cấp hạng mà nó đảm nhiệm theo quy hoạch thủ đô, như đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng, Minh Khai - Trường Chinh, Kim Mã - Cầu Giấy - Xuân Thủy, Bạch Mai - Trương Định… Riêng tuyến đường Minh Khai - Trường Chinh - Ngã Tư Sở rộng trung bình chưa đến 30 m, lại đảm nhận là vành đai II, tuyến dẫn lên cầu Vĩnh Tuy.

Vì thế, tình trạng UTGT thường xuyên diễn ra và ngày càng nghiêm trọng. Rõ ràng, việc quy hoạch đô thị không gắn kết đồng bộ với hệ thống đường giao thông là nguyên nhân tất yếu gây UTGT nghiêm trọng, nhất là ở khu vực các cửa ngõ của Thủ đô.

Các giải pháp mạnh

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành GTVT năm 2011 được tổ chức gần đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an và các địa phương thực hiện các giải pháp mạnh, phù hợp, nhằm hạn chế tai nạn và UTGT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2011.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông là hạ tầng giao thông đô thị không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Ảnh: Lê Phú


Theo đó, các cơ quan chuyên ngành giao thông của Hà Nội sẽ tập trung xây dựng chiến lược ngắn hạn và dài hạn cho công tác tuyên truyền; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông; chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách tại các bến xe khách liên tỉnh, các vi phạm của phương tiện dừng đỗ sai quy định gây cản trở giao thông; xử lý nghiêm các xe chở vật liệu rời, cồng kềnh, không đảm bảo vệ sinh môi trường; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông để nhanh chóng đưa vào khai thác và phát hiện nhanh, sửa chữa kịp thời các tuyến đường bị hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt. Trong đó, chú trọng giải pháp tổ chức, phân luồng và xử lý vi phạm giao thông.

Ngay sau dịp Tết Nguyên đán Tân Mão, thành phố đã chỉ đạo ngành GTVT Thủ đô phối hợp với ngành Công an tập trung xử lý nghiêm việc lấn chiếm mặt đường, vỉa hè để trả lại sự thông thoáng cho người tham gia lưu thông trên đường và xử lý nghiêm các phương tiện tham gia giao thông phạm luật.


Tại các điểm đen thường xuyên xảy ra UTGT, các lực lượng công an, thanh tra GTVT, lực lượng tự quản trực hướng dẫn điều hành giao thông thành phố cũng tổ chức phân luồng giao thông từ xa, hạn chế phương tiện quá cảnh đi vào nội thành khi hình thành đường vành đai 3; mở rộng cục bộ các nút, tổ chức lại các hướng rẽ phải không qua đèn điều khiển tín hiệu giao thông; di chuyển từng bước các cơ quan, cơ sở sản xuất, một số bệnh viện ra ngoài khu vực trung tâm thành phố.

Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cũng đã phân công 12 đội cảnh sát giao thông chốt trực 24 giờ trong ngày, tập trung xử lý nghiêm những trường hợp ô tô quay đầu xe không đúng quy định, dừng đỗ trái phép gây UTGT và các lỗi xe khách chạy không đúng tuyến, xe chở hàng cồng kềnh, người điều khiển phương tiện uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu và không đội mũ bảo hiểm…


Lực lượng công an 29 quận, huyện cũng sẽ cùng phối hợp với 12 đội cảnh sát giao thông để việc xử phạt vi phạm đạt hiệu quả cao. Từ năm nay, việc xử phạt sẽ được tiến hành thường xuyên, liên tục trong cả năm, riêng với những vi phạm mới phát sinh, Phòng CSGT Hà Nội sẽ mở đợt cao điểm xử phạt riêng.

Người dân Thủ đô, ai cũng từng là nạn nhân của tình trạng UTGT. Cảnh tắc đường sẽ còn trầm trọng hơn nếu như toàn xã hội không chung tay thực hiện những giải pháp quyết liệt.

Giải pháp khả thi, làm quyết liệt
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: Để giải quyết tận gốc tình trạng UTGT cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể, có tính khả thi và phải làm quyết liệt. Theo đó, trong quy hoạch đô thị, thành phố phải dành quỹ đất thỏa đáng cho cơ sở hạ tầng giao thông từ 15-20%. Trên cơ sở đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, phát triển hệ thống xe buýt, tàu điện ngầm, cầu vượt, đường sá... theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, Chính phủ cần cho di chuyển các trường đại học, bệnh viện, trụ sở các cơ quan hành chính, các doanh nghiệp ra khỏi địa bàn Thủ đô càng nhanh càng tốt. Đó là những giải pháp lâu dài. Còn trước mắt, Hà Nội cần kiện toàn ngay các cầu vượt cho người đi bộ ở các nút giao thông tập trung; đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường vành đai I, II, III, phân luồng hợp lý cho lượng ô tô, xe tải nặng chạy qua Hà Nội.

Thiếu quy hoạch tổng thể, đồng bộ
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Hiện tại, hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội đang thiếu một quy hoạch tổng thể và đồng bộ, năng lực lập quy hoạch và quản lý quy hoạch chuyên ngành còn yếu, thiếu sự kết nối, gắn kết giữa quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển đô thị với các quy hoạch chuyên ngành giao thông đô thị, nên gây khó khăn cho việc phát triển hệ thống vận tải liên phương thức, đa phương thức. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải chưa gắn với quy hoạch sử dụng đất, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong phát triển đô thị nhiều năm qua. Nhiều tuyến đường xây dựng chưa xong thì hai bên đường nhà đã mọc lên, ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ đường bộ và gây mất an toàn giao thông. Lại có những khu đô thị mới đưa vào sử dụng nhưng lại không có đường giao thông tiếp cận, nhiều tuyến đường được xây dựng từng đoạn nhưng không đồng bộ và không kết nối với mạng lưới đường hiện có, dẫn đến không phát huy hiệu quả, lãng phí vốn đầu tư.

Giao thông công cộng quá hạn chế
GS.TSKH Lâm Quang Cường (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết: Nhiều năm nay, Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều dự án xây dựng hạ tầng lớn, nhưng triển khai quá chậm, khiến nảy sinh nhiều bức xúc không giải quyết được ngay như tắc đường, đào bới, ô nhiễm... Trong khi đó, hiện trạng của giao thông Hà Nội vốn đã yếu kém về hạ tầng, ý thức của người dân tham gia giao thông chưa cao. Giao thông công cộng ở Hà Nội lại quá hạn chế, mới đảm bảo dưới 20% nhu cầu đi lại, còn lại trên 80% là do phương tiện cá nhân và người đi bộ thực hiện. Khó khăn hơn, mật độ phương tiện giao thông đăng ký mới lại tăng chóng mặt mỗi ngày, chưa kể đến lượng phương tiện từ các nơi đổ về. Nếu không hạn chế được tỷ lệ này thì giải quyết bài toán UTGT còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyễn Tiến

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN