Trên tuyến đường thủy nội địa Hội An - Cù Lao Chàm có 4 phao báo hiệu đường thủy nội địa được bố trí tại khu vực cửa biển Cửa Đại để hướng dẫn các phương tiện ra vào nhưng đã bị sóng biển đánh đứt xích và trôi ra biển.
Liên tiếp trong 3 ngày, từ 3-5/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có những đợt mưa to đến rất to trên diện rộng, các hồ chứa thủy điện đồng loạt xả nước nên đã gây ngập lụt nặng trên diện rộng ở vùng hạ du và sạt lở nghiêm trọng ở vùng miền núi, giao thông trên nhiều tuyến huyết mạch bị ngưng trệ.
Đặc biệt do mực nước các con sông lớn trong tỉnh như Vu Gia, Thu Bồn, sông Trường Giang… đều vượt báo động 3 và chảy xiết, khiến hàng loạt các biển báo, phao luồng, phao báo hiệu đường thủy nội địa bị nước lũ cuốn trôi.
Tại khu vực Trạm Quản lý đường thủy nội địa Trường Giang II, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, nước lũ cuốn trôi mất 4 phao báo hiệu tại khu vực bến đò Tam Hòa, nhà làm việc của trạm này cũng bị hư hỏng nặng.
Mưa lũ còn khiến hơn 20 cột biển báo hiệu, phao báo hiệu trên sông Trường Giang, sông Tam Kỳ, sông Vu Gia, Sông Thu Bồn bị ngã đổ xuống sông. Giao thông bằng đường thủy nội địa của người dân ở những khu vực này trong những ngày tới chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to đến rất to, do vậy tình hình sạt lở đất miền núi, ngập lụt vùng đồng bằng diễn biến phức tạp.
Ông Lê Văn Sinh, Gíam đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam cho biết: Mưa lớn khiến tuyến Quốc lộ 40B nối từ trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam đến các huyện miền núi Bắc Trà My, Nam Trà My và Tây Nguyên bị sạt lở nặng, ngầm sông Trường, ngầm Nước Oa trên Quốc lộ 40B, nước lũ khiến tràn bị ngập sâu hơn 1 mét, giao thông trên tuyến quốc lộ này bị ách tắc ở nhiều nơi và kéo dài từ chiều ngày 4/11 đến trưa nay 5/11.
Cũng trên Quốc lộ 40B, đoạn từ Km 74 - Km 85, hàng chục điểm bị sạt lở ở cả hai phía taluy dương và taluy âm với khối lượng trên 5000m3 đất đá. Đơn vị chức năng đã cắm biển cảnh báo để người dân trong khu vực cảnh giác, đề phòng nguy cơ sạt lở núi.
Mưa lớn cũng khiến các tuyến Quốc lộ 14D, 14E bị sạt lở hàng chục điểm với khối lượng đất đá lên đến hàng nghìn mét khối. Tại các tuyến tỉnh lộ như ĐT 609, ĐT610, ĐT610B, ĐT611, ĐT614… nhiều đoạn bị ngập cục bộ từ 1-1,2 mét, nhiều cây cối bị đỗ ngã, khiến giao thông trên những tuyến đường này gặp không ít khó khăn, nhất là đường về các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ngành Giao thông vận tải Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị quản lý bảo trì quốc lộ, tỉnh lộ, đường thủy nội địa tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ, tăng cường công tác kiểm tra đường bộ, đường thủy nội địa, thực hiện san ủi lượng đất đá sạt lở tại các vị trí gây tắc đường, dựng thêm rào chắn và canh gác tại các vị trí sạt lở taluy âm, ngầm tràn bị ngập nước, khẩn trương dọn dẹp cây cối ngã đổ, phối hợp với các lực lượng chức năng để cảnh báo phân luồng giao thông, đảm bảo thông xe trong thời gian sớm nhất.