Theo đó, tại các khu ga, trụ sở làm việc của các đơn vị đường sắt, các cung cầu, cung đường, trạm chắn, dải đất dọc hai bên đường sắt… các đơn vị căn cứ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để xây dựng phương án và trồng một loài hoa mang đặc trưng vùng miền, với phương châm “Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến”, giúp du khách dễ nhận diện vùng miền theo cây trồng.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR, đường sắt Việt Nam có mạng lưới 3.143 km, đi qua 34 tỉnh, thành phố trên cả nước, với 297 khu ga, đa số các khu ga ở trung tâm dân cư. Đường sắt có nhiều cung đường được bình chọn là cung đường đẹp nhất thế giới, có nhiều nhà ga là di tích lịch sử, văn hóa.
Với phong trào này, VNR kỳ vọng về lâu dài, hình thành con đường hoa dài nhất Việt Nam, trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với các địa phương, đến với Việt Nam. Đồng thời, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân, xây dựng môi trường sống trong lành, hệ sinh thái bền vững.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh vai trò quan trọng của vận tải đường sắt đối với phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình. Tỉnh xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, do đó, vận tải có vai trò quan trọng góp phần phát triển du lịch, đặc biệt là vận tải đường sắt bởi có hành trình thuận tiện, hành khách chỉ ngủ một giấc trên tàu từ Hà Nội là đến Quảng Bình.
Hơn nữa, đường sắt có nhiều sản phẩm dịch vụ trên tàu, phục vụ hành khách chu đáo. Thời gian qua, đường sắt và các đơn vị du lịch lữ hành đã phối hợp chặt chẽ xây dựng sản phẩm du lịch trọn gói, đoàn tàu charter (thuê bao) phục vụ khách đoàn tập thể... đến Quảng Bình, mang lại hiệu quả cao. Đoàn tàu gắn với ký ức, kỷ niệm của nhiều người, do đó, nên gắn đường sắt, đoàn tàu, nhà ga với hoạt động văn hóa. Không gian nhà ga phải là không gian văn hóa, tạo ấn tượng đẹp cho du khách khi đến với Quảng Bình, cũng như khi chia tay Quảng Bình.