Đưa Luật bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc sống - Để người tiêu dùng thoát khỏi thế yếu

Từ ngày 1/7, Luật Bảo vệ người tiêu dùng chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, để luật này thực sự bảo vệ được người tiêu dùng thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tại cuộc giao lưu trực tuyến "Đưa Luật bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc sống" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Bộ Công Thương, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức hôm qua (22/7) tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đã ở mức đáng báo động.

55% người tiêu dùng không biết quyền của mình

"Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta không phải đến bây giờ pháp luật mới điều chỉnh. Từ năm 1992, Hiến pháp đã đề cập đến vấn đề này. Ngoài ra, các luật dân sự, hình sự, thương mại, cạnh tranh và gần đây là luật an toàn thực phẩm… đều có nội dung liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng. Năm 1999, có văn bản chuyên về bảo vệ người tiêu dùng là Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do UBTVQH ban hành. Tới nay, công tác bảo vệ người tiêu dùng đã đạt tiến bộ nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại diễn ra khá phổ biến. Người tiêu dùng thường xuyên gặp phải các vấn nạn hàng giả, hàng kém phẩm chất, các hành vi gian lận trong cân đong, đo lường, giá cả, ghi nhãn, quảng cáo…", ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.

Quyền lợi người tiêu dùng sẽ được bảo vệ hiệu quả hơn khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng đi vào cuộc sống. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN


Người tiêu dùng đã có những động thái đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình nhưng thành công thì ít mà thất bại thì nhiều. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên nhân là do trước đây, cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa hoàn thiện, người sản xuất, kinh doanh nhiều khi lại cố tình có hành vi gian lận xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đáng báo động là chính người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm và hiểu biết về quyền lợi của mình.

"Trong một khảo sát mới đây của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, có tới 55% người tiêu dùng được hỏi không biết mình có quyền gì. Tình trạng cũng khá phổ biến là người tiêu dùng chưa quan tâm những điều tối thiểu khi mua hàng như kiểm tra, xem xét hàng hóa trước khi nhận hàng, nên có tình trạng khi mua về mới phát hiện hàng quá hạn... Người tiêu dùng cũng không chú ý trong việc lấy hóa đơn, chứng từ, bảo hành khi mua và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, nên khi sự cố xảy ra, không có cơ sở để giải quyết", ông Hùng cho hay.

Tăng cường sức mạnh cho người tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng ra đời và được thực thi từ 1/7/2011 thể hiện ý chí của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một quyền cơ bản, thiết yếu của con người. Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam rất vui mừng đón nhận văn bản pháp lý cao nhất này để có thể bảo vệ người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo ông Hùng, để mỗi văn bản luật đi vào cuộc sống vẫn còn một quá trình dài và đòi hỏi nỗ lực từ rất nhiều phía, trong đó có các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, bản thân người tiêu dùng và của toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, cần phải tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra, giám sát các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cũng đề nghị nâng cao vai trò tích cực của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam... Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng phải thi hành đúng luật, đảm bảo lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Hiện nay, ở nước ta, những vụ khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ quá ít so với các vi phạm. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng kém chất lượng sẽ vẫn có cơ hội tồn tại và quyền của người tiêu dùng rất khó thực thi. Bởi thế, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nếu quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, người tiêu dùng có quyền khiếu nại trực tiếp đến nhà cung cấp, các cơ quan chức năng hoặc đến các tổ chức hội người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã đơn giản hóa nhiều quy trình khiếu kiện, chẳng hạn như việc cho phép áp dụng thủ tục khiếu kiện đơn giản hơn. Điều 42 Luật Bảo vệ người tiêu dùng còn quy định miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi của người tiêu dùng trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định này căn cứ vào thực tiễn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho thấy, trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng không thể chứng minh được thiệt hại đối với bản thân một cách cụ thể. Như trường hợp xăng có chất aceton, mặc dù người tiêu dùng biết xe máy bị ảnh hưởng nhưng không thể chứng minh được hàm lượng aceton trong xăng. Tương tự, trong vụ nước tương nhiễm chất 3-MPCD, người tiêu dùng không đủ năng lực và điều kiện để chứng minh việc biết hàm lượng các chất độc hại trong đó. Tuy nhiên, để có thể khởi kiện, người tiêu dùng vẫn phải chứng minh các vấn đề về hành vi vi phạm, thiệt hại xảy ra, quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại..., tránh trường hợp lạm dụng quyền của người tiêu dùng để khởi kiện tràn lan, vô căn cứ.

Theo các chuyên gia của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Luật bảo vệ người tiêu dùng đã có rất nhiều điểm mới được sửa đổi theo hướng phù hợp với thực tiễn và giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn. Nhưng bản thân người tiêu dùng cũng phải thay đổi, phải tăng cường sự hiểu biết và thói quen sử dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi của mình. "Người tiêu dùng Việt Nam thường có suy nghĩ là chỉ khi nào "cạn tình" mới ra tòa và rất ngại thủ tục khó khăn, rườm rà. Do đó, khi luật đã có sự điều chỉnh thì nhận thức, tập quán của người dân trong việc sử dụng luật pháp cũng phải được nâng lên”, ông Hùng khuyến nghị.

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN