Dịch COVID-19: Cần lắm những 'giọt hồng yêu thương'

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến các ngân hàng máu, trung tâm truyền máu tại Thành phố Hồ Chí Minh đang dần rơi vào tình trạng “báo động đỏ”, nguy cơ nguồn máu dự trữ đang dần cạn kiệt mỗi ngày. Hơn lúc nào hết, thời điểm này cần lắm những “giọt máu nghĩa tình” cứu người trong đại dịch.

Chú thích ảnh
Đoàn viên thanh lực lượng vũ trang thành phố hiến máu tình nguyện trong tháng Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh 2020. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN

Điểm hiến máu “vắng” người trong mùa dịch

Giữa mùa dịch COVID-19, Trung tâm Hiến máu nhân đạo Thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ 106 Thiên Phước, quận Tân Bình), cửa vẫn mở nhưng số lượng tình nguyện viên đến hiến máu không nhiều. Trong khi đó, lịch tiếp nhận máu lưu động của Trung tâm gần như đã hủy bỏ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bác sĩ Trần Thị Như Tố, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước đây, mỗi tuần, Trung tâm tiếp nhận từ 3.000-3.500 túi máu nhưng hiện nay cao lắm cũng chỉ được 350 túi/tuần. Đặc biệt, từ ngày 1/4 đến nay, số lượng máu tiếp nhận đã thấp đến mức “kỷ lục” khi có những ngày chưa đếm đủ 50 người hiến máu tình nguyện.

Điểm tiếp nhận máu tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh (118 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5) chỉ lác đác người đến hiến máu. Theo đó, có ngày, các bác sĩ đếm được khoảng 50 người nhưng cũng có ngày chỉ vỏn vẹn 10 người đến hiến máu. Số lượng máu tiếp nhận mỗi ngày giảm khiến cho Ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng “báo động đỏ”.

Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng máu của Bệnh viện vẫn đảm bảo cấp phát máu theo yêu cầu sử dụng của các bệnh viện trên địa bàn (khoảng 600 túi máu/ngày). Tuy nhiên, số lượng máu tiếp nhận thêm đang giảm đi từng ngày. Trong tháng 3, lượng máu tiếp nhận được chỉ đạt 50% lượng máu phát ra. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, máu tiếp nhận chỉ đạt 10% lượng máu phát ra. Trong khi đó, hầu hết các lịch hiến máu lưu động trong tháng 4/2020 đã được đăng ký từ trước đều đã gửi thông báo ngừng tổ chức do dịch bệnh. Kho dự trữ máu của Thành phố đang giảm dần và dự kiến trong vòng 7 ngày nữa (đến 14/4/2020) sẽ giảm đến ngưỡng báo động.

Tương tự, tại Trung tâm Truyền máu - Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh-nơi cung cấp máu cho các bệnh viện thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ đang có nguy cơ cạn kiệt nguồn máu dự trữ. “Chưa bao giờ, nguồn máu dự trữ trong kho có số lượng máu ít và số máu tiếp nhận được lại “nhỏ giọt” như thế này”, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Hoàng Oanh, Giám đốc Trung tâm Truyền máu - Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Theo bác sĩ Oanh, hiện kho máu dự trữ của Bệnh viện có khoảng 3.200 đơn vị máu. Việc cấp phát cho các bệnh viện trong khu vực Đông Nam Bộ vẫn thực hiện đều đặn mỗi ngày nhưng lượng máu thu về lại rất ít. “Tâm lý e ngại dịch bệnh cùng với các quy định hạn chế nơi đông người khiến việc tiếp nhận máu trở nên khó khăn. Cứ đà này, chúng tôi chỉ đủ máu sử dụng đến khoảng giữa tháng 4. Sau ngày 15/4, số lượng người hiến máu tình nguyện nếu vẫn giảm, tình trạng thực sự nguy cấp”, Bác sĩ Lê Hoàng Oanh cho hay.

Khan hiếm máu dự trữ, Ngân hàng máu và Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy đã chủ động tham mưu cho Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường vận động nhân viên y tế, gia đình thân nhân bệnh nhân tích cực tham gia hiến máu. Sở Y tế khuyến cáo các bệnh viện chỉ sử dụng máu khi thật cần thiết, ưu tiên cho các trường hợp cấp cứu đe dọa tính mạng, cho người già, trẻ sơ sinh, người mắc các bệnh lý tim, phổi…

Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại

Khan hiếm máu dự trữ khiến cho một số bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua rơi vào tình trạng thiếu máu, nhất là những nhóm máu hiếm. Huỳnh Hiếu-một thành viên Câu lạc bộ Hành trình đỏ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, bạn và các thành viên khác liên tục phải kêu gọi người dân hiến máu tình nguyện trên mạng xã hội. Điển hình mới đây, Huỳnh Hiếu phải kêu gọi cộng đồng mạng hiến máu cứu giúp bé Vũ Hải Đăng, một bệnh nhi ung thư máu bẩm sinh đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. “Rất may sau khi thông tin được đưa lên mạng xã hội, ngay ngày hôm sau đã có 10 người tình nguyện đến hiến máu nên bé Đăng đã đủ máu để phẫu thuật”, Hiếu vui mừng cho biết.

Tương tự, chị Đỗ Ngọc Diệp (ngụ tại Quận 10), một thành viên trong Câu lạc bộ máu hiếm kể, mới đây, chị đã phải nửa đêm tức tốc chạy vào Bệnh viện Từ Dũ hiến máu cứu một sản phụ thuộc nhóm B (Rh-) vì không còn máu dự trữ. Những tình huống hiến máu cứu người khẩn cấp như thế này là điều không còn xa lạ đối với các thành viên trong Câu lạc bộ máu hiếm.

Dù không nguy cấp nhưng sau nghe thông tin nguồn máu dự trữ đang khan hiếm do dịch bệnh, anh Vũ Thế Minh (35 tuổi, ngụ tại Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) lại thôi thúc ý định hiến máu cứu người. Sáng 4/4, thức dậy sớm, anh Minh tìm đến điểm hiến máu lưu động trên địa bàn Quận 12 đã được thông báo từ trước để hiến máu cứu người. Thế nhưng khi đến nơi, anh khá hụt hẫng vì buổi hiến máu đã bị hủy do dịch COVID-19. Không nản lòng, anh chạy xe máy lên thẳng Trung tâm Hiến máu nhân đạo Thành phố ở 106 Thiên Phước, quận Tân Bình để được hiến máu tình nguyện.

Cũng lặn lội đến tận Trung tâm Hiến máu nhân đạo Thành phố để được hiến máu, anh Tô Xuân Đức (56 tuổi, ngụ tại Quận 8) cho hay, đây là lần hiến máu nhân đạo thứ 67 của mình. Không chỉ đi một mình, anh Đức kêu gọi bạn bè, hàng xóm xung quanh nhà cùng hiến máu tình nguyện.

Trước tình trạng thiếu máu dự trữ trên diện rộng, nhiều đơn vị tại Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục kêu gọi cán bộ, nhân viên hiến máu cứu người. Đơn cử, trong thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn đã tổ chức nhiều đợt hiến máu nhân đạo, vận động chính nhân viên y tế, thân nhân người bệnh tham gia hiến máu nhân đạo.

Mới đây, ngày 1/4, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Quận 11 đã tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện với sự tham gia của gần 110 nhân viên y tế bệnh viện. “Khi nghe tin Bệnh viện tổ chức hiến máu, tôi đã tranh thủ đến sớm, nhờ đồng nghiệp ca trước trực hộ trong khoảng 1 tiếng để hiến máu. Hiến máu xong, tôi lại trở về chăm sóc bệnh nhân”, chị Huỳnh Thị Mộng Linh, điều dưỡng Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Quận 11 cho hay.

Cũng như chị Linh, hơn 110 nhân viên y tế khác của Bệnh viện Quận 11 đã tham gia hiến máu nhân đạo. Sau hiến máu, các bác sĩ, điều dưỡng trở về khoa tiếp tục công việc chăm sóc và điều trị người bệnh. "Hiện đang mùa dịch COVID-19, tôi biết lượng máu hiến dự trữ tại một số bệnh viện đang thiếu hụt nghiêm trọng, tôi hy vọng túi máu nhỏ của mình sẽ bù đắp phần nào sự thiếu hụt đó”, bác sĩ Võ Trọng Nghĩa chia sẻ.

Trước tình trạng thiếu máu nghiêm trọng do dịch COVID-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước tham gia hiến máu tính nguyện. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng làm vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn.

Một lần nữa, thông điệp “Một người hiến máu, cứu 3 người bệnh”, “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” lại được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Hơn lúc nào hết, ngay lúc này, cần lắm sự chung tay của cộng đồng, cần lắm những “giọt hồng yêu thương” để cứu người trong đại dịch.

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ Ngân hàng máu sống tại Trường Sa
Nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ Ngân hàng máu sống tại Trường Sa

Dự án Ngân hàng máu sống do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thành lập tại Quần đảo Trường Sa đang phát huy hiệu quả, thiết thực, giúp dự trữ nguồn máu sống phục vụ cán, bộ, chiến sỹ, ngư dân khi gặp nạn trên biển, đảo quê hương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN