Cụ thể, có 588 cây đô thị (trồng từ 1 đến hơn 20 năm) gồm nhiều chủng loại như bàng, bằng lăng, ban hoàng hậu, ban tím, xà cừ...; trong đó có 462 cây bóng mát đủ điều kiện, tiêu chuẩn trồng lại trên các tuyến phố sẽ được dịch chuyển về vườn ươm để chăm sóc và sẽ thực hiện trồng lại sau khi hoàn thành thi công. 126 cây bóng mát không đủ điều kiện trồng lại trên các tuyến phố được chuyển về trồng cố định tại dải phân cách phía bờ phải sông Tô Lịch (thuộc đường Kim Giang, huyện Thanh Trì) nhằm tăng mật độ cây xanh, tạo không gian xanh cho khu vực.
Đối với cây bụi, khóm, mảng có 379 cây như: ngâu, ngũ gia bì, ngâu, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu chuyển vào chậu chăm sóc đặt xung quanh hàng rào công trình phía mặt đường Láng để tạo bức tường xanh che chắn công trình, đáp ứng cảnh quan, mỹ quan đô thị trong quá trình thi công.
132 cây cọ, trúc đào dịch chuyển về trồng cố định tại dải đất phía bờ phải sông Tô Lịch thuộc đường Kim Giang. Số còn lại được dịch chuyển về trồng cố định tại dải phân cách phố Hào Nam - Hoàng Cầu - Yên Lãng nhằm tạo cảnh quan.
Theo giấy phép chặt hạ, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, bao gồm họn đơn vị có đủ năng lực thực hiện dịch chuyển toàn bộ số cây trên, chăm sóc sống tối thiểu 2 năm và bàn giao lại cho Nhà nước quản lý.
Trước đó, để làm tuyến đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy), Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp phép cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố, đánh chuyển 110 cây; trong đó, có 34 cây sưa có đường kính thân từ 14-30cm. Tuy nhiên, trong quá trình đánh chuyển đã có 7 cây sưa bị chết. Dư luận Thủ đô đang yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân số cây sưa trên bị chết.