Cảnh báo, trong thời gian trên, lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ xảy ra tại một số nơi thuộc các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Sơn La. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao tại các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), Mường Tè (tỉnh Lai Châu)
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trung bình tại các huyện: Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La), Mường Lay (tỉnh Điện Biên). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 1.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, mưa lớn và dông sẽ còn kéo dài đến khoảng ngày 8/8 ở các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía Bắc. Trước tình hình trên, người dân ở các khu vực nguy hiểm trên cần có phương án di dời người, tài sản đến khu vực an toàn, tránh ra đường khi có mưa lớn hoặc gần khu vực lũ, sạt lở và ngập úng, thường xuyên theo dõi những bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn tại các khu vực để chủ động ứng phó, phòng tránh.
Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân gây sạt, trượt ở Việt Nam, chủ yếu là do các hiện tượng thời tiết bất thường, trong đó có mưa lớn kéo dài xảy ra ngày càng nhiều, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa… Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác như: các khu vực có địa hình phân cắt mạnh, bề mặt địa hình dốc; lớp vỏ phong hóa dày, nhanh ngấm nước, dễ bị nước mưa làm cho bão hòa, giảm độ ổn định sườn dốc; rừng tự nhiên, rừng phòng hộ còn rất ít khiến lớp phủ thực vật mỏng; mưa kéo dài hoặc mưa cục bộ với cường độ lớn trong mùa mưa bão...
Trong 3 giờ qua (từ 16 giờ đến 18 giờ ngày 4/8), trên khu vực các tỉnh Điện Biên và Lai Châu đã xuất hiện một số điểm mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa đo được tại Sín Chải (Điện Biên) là 51.6 mm, Hua Bum (Lai Châu) là 38.3mm, Tà Tổng (Lai Châu) là 30.2mm…