Công nghệ xử lý nước tại Việt Nam - Bài 1: Thu hút các nguồn lực để phát triển

Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong quản lý cấp thoát nước nhưng thực tế vẫn còn không ít thách thức.

Việc cổ phần hóa các công ty cấp nước và thoát nước đang diễn ra hiệu quả. Việc thực hiện Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải cũng như các quy định mới về hợp tác công tư (PPP) đã mở đường cho đầu tư trực tiếp và gián tiếp nhiều hơn cho ngành nước. Tuy vậy, thực tế vẫn còn nhiều thách thức về tiết kiệm năng lượng, diện tích đất, vốn, xử lý chất thải thứ cấp, môi trường xung quanh nhà máy, những đột biến về lưu lượng và chất lượng nguồn nước... Chính vì vậy thời gian tới, ngành nước cần tìm ra những giải pháp cụ thể, ứng dụng công nghệ tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm quốc tế... để phát triển.

Chú thích ảnh
Đồng Nai hiện có 30 khu công nghiệp hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Hiện năng lực của nhiều doanh nghiệp ngành nước Việt Nam có thể sánh ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời, Nghị định 80/2014/NĐ-CP đã được thực thi rất hiệu quả ở nhiều tỉnh, được hỗ trợ bởi các quy định và sắp xếp của địa phương; quá trình cổ phần hóa đang đẩy mạnh... đây là những cơ hội để thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển ngành nước.

Những năm gần đây, các văn bản quy phạm pháp luật về thoát nước và xử lý nước thải ngày càng hoàn thiện trong đó có Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước; Luật Đầu tư, đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn thi hành; điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước, thoát nước; các Chương trình về chống thất thoát nước sạch, Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn; Chương trình quốc gia về tăng trưởng xanh; kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền  vững... các quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng các công trình cấp, thoát nước; quy chuẩn kiểm soát chất lượng sạch; quy chuẩn kỹ thuật về xả thải nước thải...; các tiêu chuẩn hướng dẫn thiết kế cấp nước, thoát nước trong và ngoài công trình...

Cùng với đó, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến 2030 (Mục tiêu số 6/17- SDG6: đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người), Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam đang tiến hành triển khai hành động để thực hiện mục tiêu này.

Mặt khác, tốc độ đô thị hóa nhanh, sự phát triển kinh tế- xã hội, phát triển công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng, nhu cầu đầu tư mới, cải tạo mở rộng các công trình cấp, thoát nước cũng như quản lý sử dụng nước ngày càng tăng. Đồng thời, nhu cầu ngày càng cao về tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao đổi mới công nghệ mới  trong xử lý nước sạch, nước biển, nước lợ, nước bị nhiễm mặn; công nghệ trong xử lý nước thải sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Các nước hiện cũng mong muốn được giới thiệu, chuyển giao công nghệ mới trong quản lý nước (như Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý nước; giám sát bảo vệ nguồn nước, quản lý hoạt động của hệ thống, quản lý tài sản, quản lý và chăm sóc khách hàng, quản lý cơ sở dữ liệu); quản lý thoát nước bền vững...cho Việt Nam.

Vẫn còn nhiều trở ngại

Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (IESE) cho biết: Ô nhiễm nước đang gia tăng trên cả nước, chất lượng nước mặt, nước ngầm suy giảm (nhiễm muối, asen, thuốc trừ sâu) với tốc độ đáng báo động ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng triệu người dân. Cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính còn rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp, thiếu những hướng dẫn cụ thể về chính sách thu hút nguồn lực đầu tư khối tư nhân.

Hơn nữa, do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu đầu tư lớn song ngân sách lại hạn hẹp; đồng thời, giá nước chưa tính đủ các chi phí mới phát sinh, giá dịch vụ thoát nước triển khai chậm, chưa đồng bộ, hầu hết địa phương vẫn thu bằng 10% giá nước sạch. Mặt khác, năng lực quản lý ở các cấp độ còn nhiều hạn chế, nhận thức cộng đồng còn nhiều bất cập cả trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tháng 12/2018, cả nước đã có 820 đô thị, chiếm 37 % dân số. Tổng công suất cấp nước đô thị khoảng 9 triệu m3/ngày; dân số đô thị được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung chiếm 86%; lượng nước sử dụng trung bình khoảng 110l/ người/ngày. Hiện, 46 nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động, tổng công suất đạt 950.000 m3/ngày; xử lý 14% lượng nước thải đô thị phát sinh; 90 % lượng nước thải được thu gom từ hệ thống thoát nước chung, 90% số hộ có bể tự hoại, nhưng chỉ có 4% lượng phân bùn được thu gom đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do hiện nay mới chỉ áp dụng phương pháp phổ biển để xử lý bùn cặn phát sinh tại các nhà máy xử lý nước thải là đổ thải ra bãi lấp, việc thu hồi, tái chế nguồn tài nguyên từ bùn thải thường không phải là nội dung quan trọng của các dự án xử lý nước thải, chưa có quy hoạch, mô hình cơ chế quản lý phân bùn hiệu quả, thiếu sự quan tâm về phân bố nguồn lực thích đáng cho hoạt động này.

Mạng lưới đường ống cũ và mới (chiếm 30 % trên tổng số 25.00 km đường ống đã lắp đặt trên 30 năm chưa được sửa chữa, thay thế). Nhiều đường ống xuống cấp, chất lượng đường ống không đồng đều; lưu lượng và áp lực nước ở phần lớn đô thị không đảm bảo 24 giờ trong ngày; mô hình bể chứa- két nước còn rất phổ biến, một số đô thị còn phải bơm nước theo giờ. Tỷ lệ đầu nối vào hệ thống thoát nước ở nhiều nơi còn thấp mới chỉ hơn có 70% hộ gia đình thực hiện.

Hệ thống thoát nước đô thị phần lớn chắp vá và không đồng bộ, nhiều tuyến cống cũ nát, xuống cấp, không đáp ứng khả năng tiêu thoát, gây úng ngập, rò rỉ, nước thải thấm vào đất, nguồn nước... nên giá trị  lượng các chất thải hữu cơ (BOD) trong nước thải chảy vào các nhà máy xử lý nước thải trong các hệ thống thoát nước cũng rất thấp. Tải trọng hữu cơ và tỉ lệ  Cácbon và ni tơ (C/N) trong nước thải đầu vào thấp hơn nhiều so với thiết kế, gây khó khăn trong việc vận hành đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) đầu ra. Nguyên nhân do hệ thống cấp nước được quản lý thủ công, thiếu các hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, thiết bị điều khiển từ xa... Chất lượng nước mới chỉ kiểm soát được chỉ tiêu nhóm A; một số nơi chỉ kiểm soát nhóm B, C (do không theo QCVN.01.2009/BYT) do kinh phí, năng lực kém.

Bên cạnh đó, đầu tư cho lĩnh vực này mới đạt khoảng 200 triệu USD/năm, trong đó hơn 80% là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), 20% là nguồn ngân sách nhà nước. Giá dịch vụ tư nhân và xử lý nước thải quá thấp, chưa đủ để bù đắp chi phí nâng cấp hệ thống, đổi mới công nghệ, đầu tư cho công nghệ an toàn, giảm nước không doanh thu, không thu hút các công ty tư nhân.  Các công ty tư nhân chỉ quan tâm đến dự án tư nhân và xử lý nước thải kiểu hình thức xây dựng chuyển giao (BT) chứ không phải hình thức đầu tư theo hợp đồng xây dựng, kinh doanh và chuyển giao (BOT).

Bài 2: Các xu hướng mới trong công nghệ đảm bảo an toàn và hiệu quả

Diệu Thúy (TTXVN)
Đầu tư 10.000 tỷ đồng xây dựng 100 nhà máy xử lý nước thải thân thiện với môi trường
Đầu tư 10.000 tỷ đồng xây dựng 100 nhà máy xử lý nước thải thân thiện với môi trường

Ngày 26/1 tại thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Công ty cổ phần xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh đã khánh thành nhà máy xử lý nước thải Sóng Thần 2 với công suất từ 10.000 - 18.000 m3/ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN