Theo Quyết định, UBND tỉnh An Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với đoạn sạt lở bờ Bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên với chiều dài 300m, tính từ trung tâm vị trí sạt lở lên thượng nguồn 60m hướng về phường Bình Khánh và về hạ nguồn 240m qua Văn phòng Ấp Bình Hòa.
Thống kê của UBND tỉnh An Giang: Từ năm 2010 đến tháng 6/2023, trên địa bàn thành phố Long Xuyên xảy ra 66 vụ sạt lở, rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch. Trong đó, tại xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên xảy ra 2 vụ sạt lở đất bờ Bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên, với tổng chiều dài 85m, khiến 8 hộ dân phải di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở và nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến dân cư sinh sống tập trung bên trong đường tiếp giáp khu vực sạt lở.
Đặc biệt, khoảng 7 giờ, ngày 12/6/2023, xảy ra sạt lở bờ Bắc kênh Rạch Giá Long Xuyên thuộc khu vực tổ 15, ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh. Khảo sát thực tế cho thấy, đoạn sạt lở dài khoảng 45m, ăn sâu vào mép đường nhựa (đường Võ Văn Hoài), phía bên trong đường tiếp giáp nhà dân có hiện tượng rạn nứt rất nguy hiểm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến 8 hộ dân, với 33 nhân khẩu. Đến khoảng 21 giờ ngày 12/6/2023, sạt lở ăn vào 1/2 mặt đường giao thông liên xã Mỹ Khánh (đường Võ Văn Hoài) và nguy cơ ảnh hưởng đến 110 hộ dân trong khu vực cảnh báo sạt lở của Sở Tài nguyên và Môi trường.
UBND tỉnh An Giang giao UBND thành phố Long Xuyên thực hiện và chỉ đạo các phòng, ban, ngành chuyên môn có trách nhiệm huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp di dời các hộ dân tại vị trí sạt lở đến nơi an toàn, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định; phối hợp với các đơn vị quản lý để di dời hệ thống nước, điện... ra khỏi khu vực cảnh báo sạt lở.
Đồng thời, UBND tỉnh An Giang yêu cầu thành phố Long Xuyên bố trí đường dân sinh phục vụ việc đi lại của người dân qua khu vực sạt lở; thực hiện cảnh báo, bảo vệ khu vực sạt lở theo quy định; huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn, tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn.
Song song đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu thành phố Long Xuyên thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; huy động mọi nguồn lực bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai để xử lý bước đầu hạn chế sạt lở.