Cụ thể về an toàn cho nguồn điện, lưới điện, cơ sở công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu thực hiện kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị; hệ thống chống sét và tiếp đất; kho chứa và hệ thống vận chuyển nhiên liệu; hệ thống thải, chứa tro xỉ; hệ thống bơm làm mát trước mùa mưa lũ đảm bảo vận hành an toàn và đảm bảo môi trường.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần khắc phục kịp thời các khiếm khuyết trên lưới điện thuộc phạm vi quản lý trước mùa mưa lũ hàng năm; tăng cường các giải pháp nhằm vận hành an toàn các đường dây 220 kV, 500 kV, đặc biệt là đường dây 500 kV Bắc - Nam.
Bộ trưởng cũng đề nghị tổng kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện (đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, các cột điện ở triền dốc, bờ sông, ...), đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong mùa mưa lũ…Trên cơ sở đó, xây dựng phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng, phương án dự phòng nhiên liệu đảm bảo cho sản xuất khi có thiên tai xảy ra.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ việc vận hành hồ chứa thủy điện cần tăng cường cảnh báo trước khi vận hành xả lũ, phát điện đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ du.
Mặt khác, đơn vị phụ trách phải kiểm tra, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết của đập, thiết bị vận hành đập trước mùa mưa lũ hàng năm. Lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, tính toán xả lũ phục vụ vận hành hồ chứa thủy điện an toàn, hiệu quả.
Các đơn vị cần xây dựng các phương án đảm bảo an toàn công trình, an toàn cho vùng hạ du và biện pháp ứng phó khi xả lũ khẩn cấp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các chủ đập, hồ chứa nước có liên quan thực hiện vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; đặc biệt là khi vận hành xả lũ.
Đặc biệt, các đơn vị chủ động đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương trong điều hành xả lũ hồ chứa theo quy trình liên hồ/đơn hồ.
Liên quan đến việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, bình ổn giá trong mùa mưa bão, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao nhiệm vụ cho Vụ Thị trường trong nước hướng dẫn, yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có báo cáo và xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai. Trên cơ sở báo cáo của địa phương gửi, Vụ Thị trường trong nước đã tổng hợp báo cáo và kế hoạch của các tỉnh về việc dự trữ hàng hóa thiết yếu mùa bão lũ.
Trước, trong và sau thiên tai, Vụ Thị trường trong nước bám sát diễn biến thiên tai tại các tỉnh, kịp thời thông tin đến các thành viên Văn phòng thường trực, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương về tình hình thiệt hại, tác động đến hoạt động lưu thông các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, nhanh chóng đôn đốc các cơ sở thuộc phạm vi quản lý chuẩn bị công tác ứng phó thiên tai.
Đồng thời, Vụ phải thường trực lên phương án trực tiếp điều tiết các mặt hàng thiết yếu giữa các địa phương khu vực bị ảnh hưởng thiên tai, đảm bảo phục vụ nhu cầu cơ bản của người dân trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước tích cực tham gia các đoàn kiểm tra về phòng chống thiên tai do Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương chủ trì.
Trong quá trình kiểm tra, đại diện của Vụ đã đóng góp ý kiến thiết thực giúp các địa phương, doanh nghiệp xây dựng phương án ứng phó thiên tai, đáp ứng đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Hàng năm, Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị ngành công thương trên địa bàn lập kế hoạch dự trữ, phương án cung cấp hàng hóa, vật tư thiết yếu đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời cho mọi nhu cầu sử dụng, đặc biệt các vùng bị chia cắt do thiên tai.
Nhìn chung, trong nhiều năm qua, lượng hàng hóa luôn dự trữ đủ, sẵn sàng cung cấp khi có nhu cầu. Song song với công tác dự trữ, Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước tăng cường quản lý thị trường, không để tăng giá, khan hiếm hàng hóa trong các đợt thiên tai; lập phương án sẵn sàng cung cấp hàng hóa dự trữ khi cần, đặc biệt chú trọng khu vực dễ bị chia cắt do lũ, sạt lở đất...
Ngoài ra, việc phòng chống thiên tai thường xuyên được Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện, đã từng bước chuyển từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình. Việc phối hợp thực hiện giữa các Bộ, ngành và các địa phương đã có những chuyển biến mạnh mẽ.
Qua đó đã đạt được những kết quả tích cực và thực hiện phương án ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cũng như nâng cao khả năng phối hợp, hỗ trợ của các lực lượng và chính quyền các cấp nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo phát triển bền vững.