Hiện nay, số lượng cũng như chất lượng đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk ngày càng suy giảm nghiêm trọng, cảnh báo nguy cơ “xoá sổ” đàn voi nhà trong vài năm tới. Đắk Lắk là xứ sở của đàn voi nhà, voi rừng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, năm 1980, tỉnh Đắk Lắk có đàn voi nhà trên 502 con, năm 1990 giảm xuống còn 298 con, đến năm 2.000 tiếp tục giảm xuống còn 96 con nhưng nay cũng chỉ còn 50 con. Qua khảo sát của các cơ quan chức năng, số lượng đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk ngày càng “lão hoá”.
Cụ thể, cả tỉnh hiện nay chỉ có 3 con voi dưới 15 tuổi, còn lại là đàn voi “trung niên, lão thành”. Qua theo dõi, hơn 5 năm nay, tỷ lệ sinh của đàn voi nhà hầu như bằng không; nguyên nhân, theo các nhà chuyên môn là do môi trường cho voi đực, voi cái gặp gỡ giao phối còn nhiều hạn chế nên không tăng được số lượng đàn voi nhà.
Mặt khác, theo các nhà nghiên cứu, ở môi trường tự nhiên, một con voi trưởng thành, mỗi ngày cần khoảng 3 tạ cỏ, hàng trăm lít nước trở lên và có thói quen ăn, uống lai rai liên tục từ 70 đến 80% thời gian trong ngày.
Thế nhưng, hiện nay, đàn voi nhà ở Đắk Lắk không những bị vắt kiệt sức lao động để làm kinh tế phục vụ cho khai thác kinh doanh du lịch mà khẩu phần ăn từ lượng đến cả chất đều thiếu, ốm đau bệnh tật không được chăm sóc kịp thời. Tại Khu du lịch Buôn Đôn, một ngày, mỗi con voi làm việc từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ.
Cứ mỗi giờ, khách du lịch cưỡi voi trả cho ban quản lý 400.000 đồng, sau mỗi tuor đưa khách đi lội sông, suối, tham quan rừng, phần thưởng trả công lại cho voi chỉ là 1 hoặc 2 cây mía!. Do khai thác sức voi quá mức nên sức khoẻ đàn voi nhà ngày càng suy giảm, bệnh tật, cộng với việc bị sắn bắn trộm để lấy ngà, lông đuôi nên cá thể voi bị chết mỗi năm một tăng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2011 này, tỉnh đã có 2 con voi nhà bị chết và năm 2010 có 4 con voi nhà bị bệnh, bị bắn chết.
Tỉnh Đắk Lắk đã có Dự án Bảo tồn voi giai đoạn 2010-2015, với tổng nguồn vốn đầu tư 61 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là quản lý bền vững quần thể đàn voi hoang dã, phát triển đàn voi nhà. Dự án cũng có kế hoạch xây dựng một trung tâm bảo tồn voi, gồm một bệnh viện chăm sóc sức khoẻ, cơ sở nghiên cứu khả năng sinh sản của voi, bảo tồn, ổn định vùng cư trú đàn voi rừng...
Tuy nhiên, hiện nay, Dự án này cũng chỉ mới nằm trên bàn giấy, chưa được triền khai ra thực địa, trong khi đó số lượng voi lên “lão”, bị chết ngày càng tăng. Theo tính toán của các nhà bảo tồn voi, với tốc độ voi bị chết như các năm vừa qua thì chỉ trong vài năm nữa đàn voi nhà Đắk Lắk sẽ bị “xoá sổ”.
Quang Huy