Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng
Sau khi uống một chai rượu trắng không rõ nguồn gốc, ngày hôm sau ông L. P. G (59 tuổi, TP Hồ Chí Minh) cảm thấy mệt, không ăn uống được. Đến chiều, ông G. nôn ra dịch vàng bất tỉnh và được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia định. Tại đây, các bác sĩ cho biết ông G. bị ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) với nồng độ methanol trong máu cao gấp 20 lần ngưỡng gây ngộ độc.
Bác sĩ Võ Thúy Vân, khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, ông G. nhập viện trong tình trạng rối loạn tri giác, toan chuyển hóa nặng, tụt huyết áp, suy hô hấp phải thở máy, không đáp ứng điều trị nội khoa bình thường. Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành lọc máu liên tục, chạy thận, điều trị nội khoa tích cực theo phác đồ.
“Sau 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch. Tuy nhiên, hai mắt của ông G không nhìn thấy được và tay chân rất yếu. Đây là một di chứng của ngộ độc methanol, trong tình huống xấu nhất bệnh nhân có thể mù vĩnh viễn”, bác sĩ Võ Thúy Vân nói.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2022, tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng xảy ra một vụ ngộ độc rượu khiến 6 người phải đi cấp cứu trong tình trạng nặng, trong đó có 2 người tử vong. Tương tự, trong tháng 11/2022, tại tỉnh Kiên Giang cũng xảy ra một vụ ngộ độc rượu tập thể khiến 14 người nhập viện, trong đó có 3 người tử vong. Tại TP Hồ Chí Minh, trong tháng 8/2022 liên tiếp xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu khiến 13 người nguy kịch, trong đó có 2 người tử vong.
TS. BS Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, tình trạng ngộ độc vì sử dụng rượu có chứa cồn công nghiệp ngày càng nhiều. Các triệu chứng ngộ độc rượu thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, hầu hết bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch sau một ngày uống. Nếu không được nhập viện điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Có những trường hợp nặng, dù may mắn được cứu sống nhưng có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác. Chi phí điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc rượu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng rượu mà nguyên nhân do sản phẩm rượu có pha tạp chất có methanol. Khi methanol vào cơ thể người, ban đầu gây say giống rượu bình thường, nhưng sau khi uống từ 1 đến 2 ngày, methanol trong cơ thể chuyển hóa thành axit formic rất độc. Máu bị nhiễm axit khiến bệnh nhân thở nhanh và sâu giống như khó thở; tổn thương mắt gây nhìn mờ, nặng hơn có thể gây mù, thậm chí phù não, hôn mê, hoại tử não và tử vong.
Rượu kém chất lượng len lỏi bàn nhậu
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý, Ban An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, từ sau dịch COVID-19 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận một số trường hợp ngộ độc rượu do methanol, trong đó đã có những trường hợp tử vong. Điều này cho thấy, rượu kém chất lượng đang len lỏi trên thị trường ngày càng gia tăng. Càng gần lễ Tết, nguy cơ ngộ độc rượu cũng tăng cao do tiệc tùng nhiều.
Trên thực tế, buôn bán, sản xuất rượu là một ngành kinh doanh có điều kiện nên từ khâu sản xuất, phân phối đến bán buôn, bán lẻ đều yêu cầu kiểm soát chặt chẽ và có giấy phép. Riêng bán lẻ rượu là khâu gần nhất với người tiêu dùng nhưng cũng là khâu khó kiểm soát nhất do rượu tại Việt Nam được buôn bán tràn lan khá phổ biến. Theo thống kê của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2022 đến hết tháng 7/2022, đơn vị này đã kiểm tra 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia và chưa phát hiện trường hợp vi phạm.
“Trong suốt năm, chúng tôi cũng có những chuyên đề tập trung vào công tác thanh kiểm tra sản xuất kinh doanh rượu, bia nhưng cũng phải thừa nhận rằng, rất khó phát hiện các trường hợp sai phạm. Bởi đoàn thanh tra không thể nào tịch thu và xử phạt khi sự việc chưa xảy ra và thường chạy theo xử lý vụ việc. Chẳng hạn khi đi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện bên trong cửa hàng có một can cồn công nghiệp, khi được hỏi thì chủ cửa hàng này sẽ không khai đó là rượu mà chỉ khai là cồn dùng để sát khuẩn nên cơ quan chức năng không thể xử lý được; hoặc khi kiểm tra họ mang giấu cồn công nghiệp ở một nơi nào khác”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.
Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, bên cạnh công tác thanh kiểm tra, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm còn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm, cảnh báo nguy cơ và hậu quả của việc sử dụng rượu tự pha chế không rõ nguồn gốc, có thể dẫn đến ngộ độc rượu.
Theo các bác sĩ, rượu nào cũng có hại đối với sức khỏe, ngay cả những loại rượu đạt chất lượng sản xuất theo quy định nếu uống quá nhiều. Qua đó, các bác sĩ khuyến cáo, cách tốt nhất để ngừa ngộ độc rượu là không uống rượu hoặc hạn chế uống rượu; kiểm soát bản thân và người uống cùng, nên từ chối dứt khoát khi bị ép uống rượu. Ngoài ra, có thể ngăn ngừa ngộ độc rượu bằng tránh chơi trò thách đố uống rượu; uống nước sau mỗi lần uống rượu; không được uống rượu khi đang điều trị thuốc kê toa; không uống rượu khi chưa biết nguồn gốc xuất xứ và thành phần.
Nhằm phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã triển khai công tác bảo đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, tập trung kiểm tra những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đặc biệt Ban Quản lý An toàn Thực phẩm sẽ tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão như thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.