Cần thiết xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ?

Bộ Công an vừa báo cáo Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (BĐTTATGTĐB), tách bạch với Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008, nhằm xác định rõ cơ quan chủ trì, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ quản lý về ATGT. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn ý kiến trái chiều.

Cần thiết xây dựng luật

Bộ Công an cũng đề xuất trình Quốc hội đưa dự án Luật BĐTTATGTĐB vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV. Bộ Công an nêu rõ hiện nay hệ thống pháp luật về GTĐB đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, thiếu tính ổn định, không tập trung, thống nhất, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện...

Chú thích ảnh
Công tác quản lý biển báo, người và phương tiện tham gia giao thông... đều có trong Luật GTĐB.

Trung bình mỗi năm, tai nạn giao thông (TNGT) cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó nhiều người trong độ tuổi lao động. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự tính, TNGT tại Việt Nam gây thiệt hại 2,5% GDP/năm, tương đương mỗi ngày thiệt hại 300 - 500 tỷ đồng, nhưng ý thức, kỹ năng của người tham gia giao thông vẫn hạn chế, nhiều người coi thường pháp luật, vi phạm TTATGT vẫn diễn ra phổ biến, TNGT, ùn tắc giao thông và chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp...

Bên cạnh đó, những nỗ lực của lực lượng chức năng và các cấp chính quyền trong kiềm chế và làm giảm TNGT chưa bền vững. Việc kiềm chế ùn tắc giao thông chủ yếu vẫn dựa trên sức người, chưa có giải pháp đồng bộ để khắc phục, làm giảm.

Do đó, Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật BĐTTATGTĐB tách khỏi Luật GTĐB 2008, với 7 nhóm nội dung đưa vào xây dựng Luật BĐTTATGTĐB gồm: Quy định cụ thể về hệ thống báo hiệu đường bộ; tốc độ và khoảng cách giữa các xe; quy định về đi đường bộ; thống nhất việc quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quy định cụ thể về tổ chức, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; quy định về giám sát việc thi hành pháp luật và trách nhiệm pháp lý; vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về TTATGT.

Bộ Công an cho rằng, Luật GTĐB năm 2008 chỉ phù hợp với lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ, chưa có điều chỉnh chuyên sâu về TTATGTĐB. Trong khi đó, quản lý Nhà nước về TTATGT đang bị phân tán, chồng chéo, không có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính trong công tác BĐTTATGT. Đặc biệt, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan giao thông vận tải với cơ quan cảnh sát giao thông chưa rõ ràng, rành mạch.

Vì vậy, trong quá trình tuần tra, kiểm soát đã xuất hiện tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm về TTATGT, không ngành nào chịu trách nhiệm chính. Hầu hết các nước trên thế giới lực lượng cảnh sát giao thông đều đảm nhiệm việc đăng ký, quản lý phương tiện giao thông, kiểm tra kỹ thuật ATGT.

Theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật BĐTTATGTĐB có điểm mới nổi bật là sẽ luật hóa đầy đủ và có hệ thống các quy định về TTATGT; ưu tiên ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ hiện đại trong quản lý, giám sát, xử lý vi phạm TTATGTĐB, hạn chế hành vi vi phạm của người tham gia giao thông; xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp để bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ quản lý.

Luật BĐTTATGTĐB được ban hành sẽ đủ mạnh để kiểm soát tình hình, tác động đến công tác quản lý Nhà nước tốt hơn; đảm bảo hành lang pháp lý cho các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ hiệu lực, hiệu quả hơn; góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hình thành văn hóa giao thông văn minh, tiệm cận với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Trước khi trình Chính phủ, Quốc hội, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BĐTTATGTĐB đã được các bộ, ban, ngành, địa phương tham gia đóng góp ý kiến và Bộ Công an đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật này, để đảm bảo tốt hơn tình hình an ninh trật tự trong tình hình mới.

Có đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ?

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, việc chia tách Luật GTĐB 2008 thành hai luật khác nhau như đề xuất của Bộ Công an sẽ gây chồng chéo, tạo bộ máy cồng kềnh trong quản lý.

Chú thích ảnh
Lực lượng CSGT với vai trò xử phạt người tham gia giao thông vi phạm Luật GTĐB.

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), việc tách chức năng quản lý Nhà nước làm hai phần riêng biệt sẽ không tạo được sự thống nhất trong quá trình triển khai các giải pháp BĐTTATGTĐB, dẫn đến chồng chéo và tạo ra bộ máy cồng kềnh để thực thi pháp luật.

Thực tế, việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông từ trước đến nay đều gắn liền với việc tổ chức giao thông, hệ thống biển báo, người và phương tiện tham gia giao thông, hoạt động vận tải...

Trong khi đó, theo đề xuất của Bộ Công an, việc xây dựng riêng Luật BĐTTATGTĐB với 3 nội dung: Quy tắc giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, sẽ phá vỡ tính thống nhất, đồng bộ của Luật GTĐB 2008 và không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; đồng thời, gây chồng chéo, khó khăn trong quá trình thực thi, không đủ điều kiện để giải quyết tổng thể các vấn đề liên quan đến TTATGT, làm tăng đầu mối quản lý.

Từ đó, Bộ GTVT cho rằng, các chính sách này không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về GTĐB, trùng lặp với đề nghị xây dựng Luật GTĐB sửa đổi.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, nếu xây dựng luật riêng về BBTTATGTĐB, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ phải ôm đồm quá nhiều thứ. Nhiều quyền và trách nhiệm sẽ mâu thuẫn với năng lực quản lý hiện nay của nhiều lực lượng khác, dễ dẫn đến quá tải.

Chưa hết, theo ý kiến các chuyên gia giao thông, hiện nay, việc tổ chức giao thông, hệ thống biển báo từ đầu tư xây dựng đến duy tu, bảo trì đường... các đơn vị quản lý đường bộ thuộc Bộ GTVT đang đảm nhiệm, nếu chuyển sang ngành Công an cũng sẽ dẫn đến chồng chéo…

Bài, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức
Nhìn lại hơn 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ - Bài cuối: Cần một khung pháp lý đủ mạnh
Nhìn lại hơn 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ - Bài cuối: Cần một khung pháp lý đủ mạnh

Những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thời gian qua có nguyên nhân căn bản là do quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với tình hình giao thông hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN