Cần tạo thuận lợi cho khối tư nhân trong lĩnh vực năng lượng sạch

Trong hai ngày hội thảo về giải pháp năng lượng sạch tại các đô thị, các chuyên gia từ các tổ chức và lĩnh vực khác nhau đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học và thực hành tốt nhất liên quan đến việc phát triển và triển khai năng lượng phân tán, tiên tiến.

Dự án An ninh Năng lượng Đô thị Việt Nam do USAID tài trợ, vừa tổ chức Hội thảo Quốc gia kéo dài hai ngày về “Giải pháp Năng lượng sạch tại các đô thị - Hướng tới phát thải ròng bằng không của Việt Nam” tại Nha Trang, với sự tham dự của hơn 120 đại biểu là đại diện từ các cơ quan Chính phủ, đại diện Sở Công Thương từ 20 thành phố trực thuộc trung ương và thành phố lớn, các dự án năng lượng do USAID tài trợ, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp khối tư nhân, các nhà đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng, các trường đại học, viện nghiên cứu và hiệp hội.

Chú thích ảnh
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam.

"USAID, với hỗ trợ từ các đối tác phát triển khác, sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực đạt được mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050,” bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam, phát biểu tại sự kiện.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, bà Ann Marie Yastishock cũng cho biết: “Tăng cường triển khai các giải pháp năng lượng sạch và những tiến bộ trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đem đến những cơ hội lớn để xây dựng một ngành năng lượng bền vững và đáng tin cậy, giúp đảm bảo tăng trưởng xanh và thúc đẩy sự bền vững về môi trường.”

Mục tiêu chính của Hội thảo quốc gia lần này là nhằm nâng cao nhận thức về các bài học và kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến; nâng cao nhận thức về các quy định và khuôn khổ pháp lý hiện hành và sắp ban hành liên quan đến việc phát triển và triển khai các giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến; thúc đẩy đối thoại chính sách giữa các bên liên quan của khu vực tư nhân và các nhà hoạch định chính sách liên quan đến năng lượng tiên tiến, phân tán; thúc đẩy và củng cố mạng lưới hiện có của các bên liên quan hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tiên tiến, phân tán.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, cho biết: Chúng ta đang nói chuyện về một chủ đề rất thách thức - phát thải ròng bằng không (gọi tắt là Net Zero) - đòi hỏi nỗ lực lớn từ trung ương tới địa phương.

Nói về thách thức hiện nay liên quan chính sách và khung pháp lý cho năng lượng sạch của Việt Nam, ông Hà Đăng Sơn cho rằng: Có hai luật liên quan là: Luật Điện lực (2018) và Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (ban hành 2010, có hiệu lực 2011).

Trong hệ thống văn bản pháp luật này, có một số nghị định, thông tư liên quan có tác động trực tiếp đến việc triển khai đầu tư cho các dự án về năng lượng sạch, bao gồm cả năng lượng tái tạo cũng như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Nghị định 17/2020/NĐ-CP, Nghị định 137/2013/NĐ-CP… Kèm theo đó là các Thông tư 21, Thông tư 57 của Bộ Công thương…

Chú thích ảnh
Dự án điện gió Đông Hải 1 - huyện Đông Hải - Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN phát

Nghị định số 134/2013/NĐ-CP tác động cả hai lĩnh vực đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo cũng như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Phía Bộ Công Thương, đặc biệt Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, đã rất nỗ lực trong việc xây dựng một loạt các văn bản chính sách hướng dẫn cho các ngành năng lượng trọng điểm sử dụng năng lượng.

Ngoài quy định dán nhãn năng lượng, thực hiện mức tiêu hao năng lượng tối thiểu, có 6 ngành công nghiệp được hướng dẫn cụ thể về quy định sử dụng mức năng lượng cho phép: rượu bia nước giải khát, thép, nhựa, giấy, thủy sản, mía đường.

Nghị định 21/2011/NĐ-CP với Thông tư 25 của Bộ Công Thương trong quá trình triển khai, tác động ngoài quy định của Luật, có một vài luật khác: Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng tác động lớn tới các dự án đầu tư…

Chú thích ảnh
Một nhà máy điện mặt trời ở Bình Thuận được triển khai với hỗ trợ kỹ thuật từ USAID. Ảnh: Nguyễn Thạc Phương/USAID.

Trong một hội nghị toàn quốc liên quan sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cách đây khoảng 2 năm, các địa phương đã chia sẻ, do không có chính sách cụ thể nên hệ thống mạng lưới về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả rất khó khăn trong hoạt động.

“Thời gian vừa qua có sự bùng nổ về đầu tư năng lượng tái tạo. Tuy nhiên lại phát sinh thách thức lớn với cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các địa phương, do sức hút của các chính sách, năng lượng truyền tải hệ thống điện của VN chưa đáp ứng được với sự bùng nổ đầu tư về nguồn điện gió, điện mặt trời… Chính phủ có động thái tạm dừng lại để điều chỉnh căn cứ, đưa ra những giải pháp cân đối nhu cầu điện năng và năng lực chuyển tải hấp thụ nguồn điện tái tạo.

Hy vọng chúng ta sớm có những cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển đầu tư năng lượng tái tạo thời gian tới” – Hà Đăng Sơn bày tỏ.

PV
Việt Nam là nước có tốc độ chuyển đổi sang năng lượng sạch cao trên thế giới
Việt Nam là nước có tốc độ chuyển đổi sang năng lượng sạch cao trên thế giới

Tạp chí The Economist của Anh nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong khu vực trong việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi sang năng lượng sạch. Trong 4 năm tính đến năm 2021, tỉ trọng điện lượng mặt trời tại Việt Nam đã tăng từ mức thực tế gần như bằng 0 lên gần 11%. Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới, mà tỉ trọng này còn cao hơn so với các nền kinh tế lớn như Pháp hay Nhật Bản. Đến năm ngoái Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN