Cân nhắc việc kinh doanh hải sản trên Vịnh Hạ Long

Mặc dù tỉnh Quảng Ninh thực hiện xong đề án di dời hơn 300 hộ dân ở các làng chài trên Vịnh Hạ Long lên bờ định cư ổn định hồi tháng 6/2014 , tuy nhiên, đến nay trên Vịnh vẫn còn tới 62 nhà bè có dân sinh sống, đang nuôi trồng thủy sản với các hoạt động cho khách du lịch tham quan, mua bán hải sản tự phát.

Kinh doanh tự phát

Theo Ban quản lý Vịnh Hạ Long, 62 nhà bè kể trên tập trung tại khu vực Cửa Vạn (18 nhà bè), khu vực Hoa Cương (30 nhà bè), khu vực Vông Viêng (14 nhà bè). Trong số đó có 6 trường hợp ở khu vực Cửa Vạn, dù đã được tỉnh cấp nhà tái định cư ở phường Hà Phong nhưng vẫn quay lại vịnh sinh sống. Số còn nhà bè còn lại đều thuộc diện không được bố trí tái định cư do đã có nhà trên đất liền, hoặc người từ địa phương khác đến sinh sống.

Nhà bè của ngư dân trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: baoquangninh.com.vn


Từ ngày 9/1, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các hoạt động nuôi trồng và kinh doanh thủy sản trên Vịnh Hạ Long. Ông Nguyễn Trung Thành, cán bộ quản lý thị trường, thành viên đoàn kiểm tra cho hay: Các hoạt động kinh doanh, mua bán hải sản tại các bè nuôi trên Vịnh Hạ Long khá lộn xộn. Hầu hết các hộ không có giấy phép kinh doanh, hoặc số ít có giấy phép kinh doanh nhưng lại kinh doanh sai địa điểm cấp phép.

Tại vùng biển Hoa Cương, có nhiều nhà bè mới xuất hiện, chủ yếu là bè từ khu vực vụng Ba Hang chuyển về "tạm trú" cách đây chừng 2 - 3 tháng. Tại đây, nhiều tàu du lịch vẫn tổ chức đưa, đón khách lên các nhà bè trồng thủy sản để tham quan, mua bán hải sản, cho dù đã có quy định cấm các hành vi này từ năm 2013, bởi các nhà bè không nằm trong danh mục là điểm đưa đón khách tham quan.

Trước đây, xuất hiện tình trạng một số bè nuôi thủy sản trên Vịnh Hạ Long có hành vi "chặt chém", cân thiếu hàng hải sản cho khách du lịch, gây nhiều bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của du lịch Hạ Long. Vì vậy, cuối năm 2013, Quảng Ninh ban hành quy chế tạm thời cấm các tàu du lịch tổ chức đưa khách tham quan, mua hải sản ở những bè nuôi trên vịnh, bởi đây không phải là các điểm đón, trả khách.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, lực lượng quản quản lý thị trường khó có thể xử lý các bè nuôi về quy chế niêm yết giá. Theo quy chế thì các tàu du lịch không được đưa đón khách lên các nhà bè, do vậy các nhà bè cũng không thể kinh doanh bán lẻ cho khách du lịch nên không nhất thiết phải treo bảng niêm yết giá.

Còn ngược lại, nếu treo bảng niêm yết giá thì đồng nghĩa với việc họ thừa nhận có tổ chức đón khách du lịch lên bè. Như vậy, các tàu du lịch đã vi phạm quy chế của tỉnh. Việc này chỉ có thể xử lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải với lỗi đón, trả khách không đúng nơi quy định, chứ không thể xử lý được chủ các bè nuôi. Trong đợt kiểm tra liên ngành vừa qua, lực lượng chức năng đã xử phạt 17 trường hợp chủ tàu du lịch tổ chức đưa khách lên bè tham quan với lỗi đón, trả khách không đúng điểm theo quy định.

Cần sớm có quy chế quản lý

Thiếu quy hoạch, quy chế quản lý đối với lĩnh vực nuôi trồng và kinh doanh thủy sản trên Vịnh Hạ Long là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tự phát như hiện nay.

Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết: Hoạt động kinh doanh hải sản tại khu vực Ba Hang, Hoa Cương hiện nay là tự phát, không có sự quản lý của Nhà nước, vi phạm quy định về môi trường kinh doanh du lịch. Trong khi đó, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng này đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long: Nhiều hộ dân đang sinh sống trên Vịnh Hạ Long hiện nay có nguyện vọng tiếp tục nghề nuôi trồng thủy sản. Thêm vào đó, khách du lịch có nhu cầu tham quan bè nuôi và mua bán hải sản trên Vịnh Hạ Long rất lớn. Hoạt động này có thể trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Vịnh Hạ Long, góp phần tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là ngư dân của các làng chài cũ. Chính vì vậy, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét đồng ý chủ trương thành lập điểm kinh doanh hải sản trên Vịnh Hạ Long.

Chị Lê Thị Luyến, hộ nuôi trồng hải sản trên Vịnh Hạ Long từ những năm 2000, vừa mới chuyển bè nuôi từ vụng Ba Hang về vụng Hoa Cương mong chính quyền địa phương sớm có quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản ổn định, lâu dài và cấp giấy phép nuôi trồng cho các hộ. Chị Luyến cam đoan sẽ chấp hành mọi nghĩa vụ như đóng thuế, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như các chính sách về hoạt động kinh doanh. Chị Luyến cho hay, nếu cứ nuôi thủy sản như hiện nay mà không được phép bán cho khách du lịch thì là một thiệt thòi lớn đối với người nuôi thủy sản.

Bà Yin Yu Hong, khách du lịch đến từ Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết: Ngoài cảnh đẹp Vịnh Hạ Long, bà rất thích thú khi được thăm các bè nuôi trồng thủy sản, giao tiếp với người bản địa, được trực tiếp mua đồ hải sản tươi sống. Vị khách nước ngoài này cho rằng, đây là một cách thức tìm hiểu thêm về nét văn hóa bản địa.


Văn Đức (TTXVN)

Lấn biển xây biệt thự ở vịnh Hạ Long, nên chăng?
Lấn biển xây biệt thự ở vịnh Hạ Long, nên chăng?

Tập đoàn Tuần Châu vừa đề nghị với UBND tỉnh Quảng Ninh về phương án điều chỉnh quy hoạch khu du lịch - giải trí quốc tế Tuần Châu (thành phố Hạ Long), với ý tưởng lấn thêm khoảng 400 ha mặt nước ở phía Tây của đảo Tuần Châu, phục vụ cho việc xây dựng 3 khu biệt thự lấn biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN