LTS: Anh Đào Đức Huệ hiện là Giám đốc Trung tâm Tin học - TTXVN, là con liệt sĩ Đào Đức Quỳnh, hy sinh ở chiến trường B năm 1970. Anh Huệ là một trong hai người con liệt sĩ của TTXVN đã tham gia cuộc hành trình về Quảng Trị- chiến trường xưa của Hội Cựu chiến binh TTXVN (tháng 4/2012), một chuyến đi thực sự đã giúp họ thấu hiểu hơn về một thời đạn bom, một thời cha ông mình ra trận... và cũng thấu hiểu hơn sự phát huy những phẩm chất "Anh bộ đội Cụ Hồ" của người cựu chiến binh hôm nay.
Sau khi tham gia cuộc hành trình trở về, những cảm xúc tới nay vẫn trào dâng trong trái tim người con của liệt sĩ này. Và trong Đại hội Hội CCB TTXVN vừa qua, anh Đào Đức Huệ đã đại diện các thế hệ con em, phát biểu cảm tưởng về "Cảm xúc một chuyến đi...", những cảm xúc đã khiến cả hội trường phải rưng rưng nước mắt...
Tin tức xin được giới thiệu những dòng tâm sự này.
Đoàn cựu chiến binh TTXVN thắp hương viếng các liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị (tháng 4/1012). Ảnh: Đình Trân |
Khi anh Nguyễn Văn Giai (Trưởng phòng bảo vệ của TTXVN, Ủy viên BCH Hội Cựu chiến binh TTXVN) "hé lộ" ý tưởng tổ chức chuyến đi trở lại chiến trường xưa của các cựu chiến binh TTXVN, ngay lập tức tôi đề nghị xin được đi cùng. “Ờ đúng rồi, chú nên đi”- anh Giai nói với tôi một cách nghiêm túc. Chỉ mấy hôm sau tôi nhận được công văn chính thức mời tham dự chuyến đi, do Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (ở thời điểm tháng 4/2012- PV), Chánh Văn phòng Nguyễn Thế Quỳnh ký. Công văn nêu rõ: Đoàn trở lại chiến trường xưa có 25 người, gồm 23 cựu chiến binh và 2 khách mời con liệt sĩ là tôi và Phạm Quang Ngãi - Trưởng phòng tin Phoni của Ban Tin thế giới.
Thế là đúng 6 giờ ngày 19/4, đầy đủ 25 người chúng tôi có mặt tại sảnh 79 - Lý Thường Kiệt (Hà Nội), với tâm trạng háo hức và hồ hởi. Một lễ tiễn giản dị, đơn sơ nhưng đầy cảm xúc đã diễn ra với tấm băng rôn chữ vàng nền đỏ treo dọc suốt chiều dài chiếc xe 30 chỗ ghi “Đoàn cựu chiến binh TTXVN trở lại chiến trường xưa”; rồi những bó hoa tươi thắm của Công đoàn, Đoàn Thanh niên; cùng cái bắt tay siết chặt và những nụ cười tươi rói của Chánh Văn phòng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; và lời nhắn gửi chân tình giản dị của Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi: “Rất mong và chúc các anh một chuyến đi thật ý nghĩa". Tất cả như sự gửi gắm tình cảm của cả cơ quan TTXVN, qua chúng tôi, tới những năm tháng hào hùng và những miền khói lửa chiến tranh không thể nào quên của dân tộc.
Không nói ra, nhưng tôi chắc Ngãi cũng như tôi, rằng chúng tôi không phải là khách mời, chúng tôi trở lại chiến trường xưa thay cho bố, cho ba mình...
Chúng tôi đến Ngã Ba Đồng Lộc lúc 15 giờ, đúng lúc cái nắng chói chang đầu mùa đang gay gắt nhất. Quà viếng mà chúng tôi mang vào mộ của 10 chị thanh niên xung phong đang nằm bất tử nơi đây là nón lá trắng muốt, là giày dép, là gương lược và những chùm bồ kết đen óng. Mỗi phần quà được sắp xếp ngay ngắn và đặt lên phần mộ của từng chị, bên cạnh những khóm cúc trắng tinh. Thời gian tưởng niệm kéo dài hơn thường lệ với không chỉ có những cựu chiến binh TTXVN. Rất nhiều du khách cũng bỏ mũ đứng vào hàng, lặng lẽ cúi đầu. Và khi giọng Hà Tĩnh da diết của cô hướng dẫn viên kể về những giờ phút bi hùng tìm kiếm chị Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc, tôi nhìn thấy giọt nước mắt trong veo ứa trên khóe mắt của một người cựu binh còn trẻ trong đoàn. Khuôn mặt anh chìm đắm trong lời kể, mặc cho giọt nước mắt kia khẽ hòa với những giọt mồ hôi, lăn nhẹ trên gò má sạm nắng rồi rơi xuống nấm mồ đá trắng cũng đã nóng ran lên vì nắng... Tôi gai người, khẽ run lên. Như có sự mách bảo, tôi hạ tay, nín thở thu vào ống kính chiếc máy quay du lịch nhỏ hình ảnh chùm bồ kết đen óng bình dị bên khóm cúc trắng tinh khôi. Một hình ảnh linh thiêng và lãng mạn ở Ngã Ba Đồng Lộc...
Trưa hôm sau chúng tôi đến thành cổ Quảng Trị. Cảm giác đầu tiên khi bước vào Thành cổ là nơi đây giống như một công viên nhỏ, nếu như không có Đài tưởng niệm và mùi khói hương ngào ngạt vấn vương. “Bị bom pháo nó xóa sạch rồi còn đâu, chỗ này trước là tòa nhà, chỗ kia kìa trước là cái cống, trọn trung đội chui vào đó, mà pháo nó quất đến cống cũng chẳng còn. Còn phía kia là tới bờ Thạch Hãn, bơi qua sông vào Thành cổ theo đường ấy đấy, mà mấy người qua được sông đâu, nằm lại dưới ấy nhiều lắm”, giọng kể trầm trầm của Bùi Mạnh Hùng, người lính Thành cổ 40 năm trước kéo chúng tôi về lại với chiến trường xưa, một chiến trường ác liệt và khốc liệt vào loại nhất nhì lịch sử chiến tranh thế giới. Người lính già tóc bạc đó lặng lẽ đứng vào hàng thứ hai, liên tục lấy khăn lau nước mắt khi làm lễ dâng hương tưởng niệm trước ngọn lửa bất diệt Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị.
Khi giọng cô hướng dẫn viên lạc đi khi nói tới sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh mất mát dường như vô hạn trong 81 ngày đêm chiếm giữ Thành cổ; tôi thấy anh nấc lên, vẫn lặng lẽ, những kìm nén và đau đớn. Sau phút giây tưởng niệm ấy, tôi thấy anh đứng sững trước bia tưởng niệm, ôm lấy bia và khóc, khóc thảm thiết, nức nở. Tôi gai người khi nghe tiếng khóc đó, khi nhìn thấy gương mặt đã vương nét già nua của anh chan hòa nước mắt. “Bạn ông ấy đã chết ở đây nhiều lắm”, tiếng ai đó thì thầm khiến tay tôi run lên không giữ nổi cái máy quay nhỏ nhoi. Im lặng! Chúng tôi những muốn tới ôm lấy đôi vai còn đang run lên từng đợt của anh để chia sẻ, nhưng lại không ai nỡ làm thế. Bởi chúng tôi biết anh đang chuyện trò, hòa cùng với các bạn anh, đông đúc lắm, đang quẩn quanh khắp Thành cổ. Chúng tôi không được và không thể xâm phạm tới những phút giây riêng tư thiêng liêng ấy của họ - những người lính chiến.
Nghĩa trang Trường Sơn khác rất nhiều so với lần đầu tiên tôi tới cách đây hơn chục năm trước. Mặt trời vẫn đổ nắng dữ dội xuống những triền đồi phủ dầy những ngôi mộ trắng. Sau khi làm lễ dâng hương tưởng niệm tại Nhà tưởng niệm và Đài tưởng niệm của nghĩa trang, các thành viên trong đoàn tỏa đi các khu mộ. Ngãi nói khẽ với tôi: "Em đi với anh nhé".
Hai anh em tôi tìm đến khu mộ tỉnh Hà Tây, nơi có phần mộ của bố tôi. Nghĩa trang thay đổi đến độ tôi không còn xác định được hướng đi ngày trước. Đang lúng túng thì một cô bé khoảng 10 tuổi xuất hiện hỏi với giọng lơ lớ của người dân tộc: “Các chú tìm mộ ở khu nào?”. “Chú tìm khu Hà Tây”. “Bây giờ là Hà Nội rồi, Hà Nội 2. Chú đi theo cháu đằng này, cháu chỉ cho”. Tôi và Ngãi đi theo cô bé, kèm một chút cảnh giác với thói vòi vĩnh đòi tiền thường thấy ở các nghĩa trang. Cô bé dẫn chúng tôi tới khu mộ Hà Tây, giúp chúng tôi tìm mộ và khi chúng tôi tìm thấy mộ thì lặng lẽ ra đứng tít đằng xa. Chúng tôi thắp hương cho bố, cho các đồng đội của bố xung quanh. Hai bó hương không thấm gì so với khu mộ rộng lớn nhường ấy. Thấy chúng tôi đứng lên bần thần ngó quanh, cô bé xách túi hương chạy lại. Ngãi mừng rỡ: “Đây rồi, bán cho chú mấy bó hương nào”. “Đây, cháu biếu chú, chú thắp hương cho liệt sĩ đi, cháu không lấy tiền của chú đâu”. Chúng tôi thoáng sững người ngạc nhiên, và rồi tự xấu hổ với những ý nghĩ "đùng đục" ban đầu của mình, trước tấm lòng trong trẻo và bình dị của cô bé.
Thắp hết số hương, khi quay lại tôi thấy Ngãi đang chắp tay đứng lặng trước mộ bố tôi. Khuôn mặt cháy nắng và vương nhẹ những nét khắc khổ của Ngãi đăm chiêu khắc khoải, đôi mắt đã ngấn nước lưng tròng đau đáu nhìn vào tấm bia mộ của bố tôi. Ngãi thì thầm: “Bác ơi, bác sống khôn thác thiêng, bác phù hộ cho cháu cũng tìm được ba cháu như anh Huệ tìm được bác, bác nhé!”. Lòng tôi se lại, không thể không trào nước mắt. Người đàn ông ngoại tứ tuần gân guốc xù xì ấy đứng nhỏ nhoi, lặng lẽ giữa bạt ngàn những ngôi mộ trắng, dưới cái nắng như đổ lửa, đang thì thầm những lời vang dội thỉnh cầu cho một ước ao cháy bỏng, khắc khoải, đau đáu. Khi đã nguôi ngoai, Ngãi khẽ khàng: "Thắp hương cho bác mà em tủi thân quá anh ạ!". Tôi chỉ khẽ gật đầu, vỗ nhẹ lưng Ngãi. Tôi cũng đã từng khát khao đau đớn tột cùng như Ngãi, đã từng sống với những xúc cảm như Ngãi, nên chúng tôi hiểu nhau mà không cần ngôn ngữ. Những cảm xúc thẳm sâu ấy là của riêng Ngãi, của riêng tôi, nhưng nó cũng giống cảm xúc của hàng vạn, hàng triệu thân nhân của hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ trắng kia. Vì thế, có buồn và tủi, nhưng chúng tôi không thấy mình đơn độc.
Nghĩa trang Hải Trường (Quảng Trị) cũng là nơi đầy ắp nghĩa tình, cảm xúc và tâm linh. Bắt đầu từ câu chuyện tâm tình của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Ngô Hòa về một vị lãnh đạo cao cấp được người bạn chiến đấu báo mộng giữa ban ngày, ngay trên ô tô, mà tìm được bạn mình đang nằm ở đúng nghĩa trang đó, khu đó, cột đó... Chúng tôi lặng người khi thấy phần lớn các liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây quê ở Thái Bình, Hà Tây, Hà Nội, sinh năm 1954, mất năm 1972... nghĩa là họ hy sinh khi mới 17 - 18 tuổi. Chắc đây là những tân binh đang trên đường vào tiền tuyến.
Một quyết định được đưa ra rất nhanh với sự đồng thuận tuyệt đối: Nghĩa trang Hải Trường có quy mô cấp xã, nên ít được mọi người viếng thăm, hương khói như các nghĩa trang quốc gia, vì thế chúng ta sẽ thắp hương cho tất cả hơn 1.200 ngôi mộ ở đây, không để sót ngôi mộ nào. Thế là 25 con người tỏa khắp mọi nơi của khu nghĩa trang rộng lớn, thành kính cắm từng nén nhang, nâng niu và đầy đủ cho tất cả các liệt sĩ đang yên nghỉ. Với cái máy quay nhỏ, tôi lặng lẽ ghi lại hình ảnh những chiếc mũ tai bèo thấp thoáng, nhấp nhô giữa những hàng mộ trắng. Thỉnh thoảng có người đứng lên vặn lưng vì mỏi, dụi mắt vì khói nhang, có người hớt hải quay trở lại hàng vì hình như anh bỏ sót một ngôi mộ... Một cảm giác ấm áp, an lành, thư thái khi nhìn thấy những cảnh ấy, khi cảm thấy được nghĩa tình đồng đội của các cựu binh thiêng liêng và sâu nặng biết nhường nào.
Cũng đã có kế hoạch là chúng tôi sẽ thay mặt cơ quan trao tặng căn nhà tình nghĩa cho một gia đình ở Quảng Trị. Nhưng vì quá cập rập và điều kiện thời gian không cho phép, nên chúng tôi chưa làm được công việc rất đáng phải làm đó. Còn một điều nuối tiếc và trăn trở nữa, như lời trưởng đoàn Nguyễn Văn Giai bộc bạch với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, là chúng tôi chưa tìm đến thắp hương được cho bất kỳ liệt sĩ nào của TTXVN. Chiến trường Quảng Trị là một trong những nơi mà nhà báo - chiến sĩ của TTXVN ngã xuống nhiều nhất. Thôi thì nghĩa nặng tình thâm, chúng tôi khấn lạy vong linh các anh các chị, cầu mong các anh các chị thảnh thơi an nghỉ trên mảnh đất đau thương nhưng bất khuất này.
Với độ tuổi của các cựu binh thì đây là một chuyến đi dài về độ đường và dày đặc các hoạt động ngoài trời dưới cái nắng nóng hầm hập đầu mùa. Nhưng không ai trong chúng tôi ốm hay cảm thấy mệt mỏi. Ngược lại rất vui, "vui tới bến". Chòng ghẹo, trêu đùa nhau thoải mái mà không sợ bị mắng, bị tự ái. Không có gắt gỏng, cau có, chỉ có miệng cười và tiếng cười sảng khoái. Và tiếng hát nữa. Không nhớ lời mà chúng tôi vẫn hát được, hát say sưa, hát từ rất sâu trong lồng ngực. Sự đón tiếp trọng thị, đầm ấm, chân tình và sự đánh giá cao hoạt động nghĩa tình này của các cựu binh nói riêng và của TTXVN nói chung, của lãnh đạo các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cũng làm chúng tôi thực sự phấn chấn, thực sự tự hào.
Còn với nghĩa tình đồng đội, với những bi hùng đau thương mất mát trong chiến tranh, chúng tôi thật sự đã chạm được tới đỉnh của xúc cảm, cả tâm linh lẫn thực tại. Đời người không dễ có được cảm xúc như thế, và không nhiều người may mắn có được những cảm xúc như thế.
Đầu tháng 5/2012
Đào Đức Huệ