Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ba Rày:

Cẩm Sơn - miền quê anh hùng vươn lên làm giàu

Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là miền quê có truyền thống cách mạng hào hùng, từng được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nông dân tham gia làm đường giao thông nông thôn ở ấp 2, xã Cẩm Sơn.

Nơi đây, con sông Ba Rày chảy qua địa bàn đem nguồn nước mát tưới tiêu cho những vườn cây ăn trái. Cũng trên con sông lịch sử này, ngày 15/9/1967, quân dân ta đã làm nên Chiến thắng Ba Rày lừng lẫy, bẻ gãy chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” nham hiểm của kẻ thù. 50 năm trôi qua sau ngày Chiến thắng Ba Rày, quân dân Cẩm Sơn anh hùng đang tiếp tục tăng tốc xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, trở thành điểm sáng về kinh tế - xã hội phía nam Quốc lộ 1 của tỉnh Tiền Giang.

Phát huy tiềm năng kinh tế vườn chuyên canh

Xã Cẩm Sơn có 4 ấp với tổng diện tích đất canh tác khoảng 1.200 ha. Thời còn chiến tranh, do là vùng căn cứ kháng chiến của ta nên đa phần đất đai đều bị bỏ hoang hóa, bom đạn kẻ thù tàn phá hết sức nặng nề. Từ khi hòa bình lập lại, đất nước được thống nhất, địa phương tập trung phát huy tiềm năng đất đai, lao động, mở mang trồng trọt, tạo nguồn nông sản hàng hóa tham gia thị trường, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.

Đặc biệt, sản xuất phát triển mạnh mẽ, nông nghiệp – nông dân – nông thôn thay đổi nhanh chóng từ sau năm 2000, khi tỉnh tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hoàn thiện mạng lưới đê bao ngăn lũ Đông và Tây sông Ba Rày nhằm tạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hình thành vùng trồng cây ăn quả đặc sản chuyên canh, mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn Nguyễn Văn Út, thuận lợi của địa phương là đất đai màu mỡ, nông dân vùng căn cứ kháng chiến cũ cần cù, chịu thương chịu khó lao động sản xuất vừa nhạy bén tiếp thu ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật thâm canh, giành những vụ mùa bội thu. Cây trồng mà xã tập trung phát triển thành vườn chuyên canh là sầu riêng chất lượng cao, các giống: Ri 6, Mong Thong được thị trường ưa chuộng, giá bán có lúc lên cao kỷ lục: 100.000 đồng/kg.

Để tạo động lực cho phong trào sản xuất – kinh doanh giỏi trong nông dân, Đảng ủy và UBND xã Cẩm Sơn cùng các ngành, đoàn thể coi trọng công tác tuyên truyền, khuyến nông, xây dựng và nhân rộng những điển hình làm ăn hiệu quả từ vườn sầu riêng chuyên canh nhằm tạo sức lan tỏa trong bà con.

Ông Nguyễn Văn Đây, cư ngụ tại ấp 3, xã Cẩm Sơn có 8.000 m2 đất canh tác chủ yếu trồng lúa ba vụ, thu nhập bấp bênh. Hưởng ứng chủ trương Nhà nước, năm 2005, ông cải tạo trồng chuyên canh sầu riêng Ri6 và Mong Thong. Vụ đầu tiên thu hoạch vào năm 2009, gia đình ông đạt sản lượng khoảng 10 tấn, bán giá trung bình 30.000 đồng/kg, thu 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng. Mức thu nhập này cao gấp nhiều lần so với lúc trồng lúa thâm canh năng suất cao trước đây.

Hiện nay, sầu riêng đã lớn, trung bình mỗi năm, ông Đây đạt sản lượng 15 tấn quả, bán giá trung bình 40.000 đồng/kg, mỗi năm thu 600 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng không dưới 300 triệu đồng. Nhờ vườn sầu riêng chuyên canh mà ông Nguyễn Văn Đây từ chỗ nghèo khó đã trở thành triệu phú nông thôn.

Tương tự, ông Huỳnh Văn Kem, cư ngụ tại ấp 4, xã Cẩm Sơn có 7.000 m2 đất trồng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao. Là nông dân ham học hỏi, nhạy bén tiếp thu những kiến thức khoa học mới để thâm canh đạt hiệu quả, ông Kem đi sâu vào các giải pháp xử lý để sầu riêng cho thu hoạch rải vụ bán giá cao, khắc phục tình trạng “trúng mùa, mất giá” đang làm điêu đứng nhiều nông hộ khi vào mùa thu hoạch rộ các loại nông sản hàng hóa.

Thông thường, vào tháng 4 hoặc tháng 5 ông Kem tiến hành xử lý để vườn sầu riêng cho thu hoạch vào tháng 11 hoặc tháng 12 bán được giá cao. Kết hợp xử lý rải vụ với đầu tư thâm canh để đạt năng suất, sản lượng cao là bí quyết thành công của ông Huỳnh Văn Kem. Trong vụ sầu riêng vừa qua, ông Kem đạt sản lượng 20 tấn quả, bán với giá bình quân 70.000 đồng/kg, thu 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Út cho biết, hiện nay, từ những hạt nhân thành công với vườn cây ăn quả đặc sản như: ông Nguyễn Văn Đây, Huỳnh Văn Kem…toàn xã đã định hình được vùng trồng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao khoảng 700 ha, sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 20.000 tấn quả. Diện tích còn lại, nông dân đang tích cực chuyển đổi sang trồng chuyên canh sầu riêng trong thời gian tới. Nhờ kinh tế vườn, thu nhập bình quân đầu người đã nâng lên 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,7%.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Nông dân xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) chăm sóc mít Thái siêu sớm chuyên canh, góp phần tăng thêm thu nhập, giảm nghèo nông thôn.

Tiềm năng đất đai, lao động được phát huy, nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao phát triển đã giúp nông nghiệp, nông thôn đổi mới và nông dân làm giàu nhanh, bền vững. Đây cũng là động lực giúp mọi tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới trên quê hương Chiến thắng Ba Rày. Nổi bật là phong trào hiến đất làm đường theo tiêu chí nông thôn mới mà những cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, đảng viên… nêu gương đi đầu.

Cựu chiến binh, đảng viên Nguyễn Ái Thanh, cư ngụ tại ấp 1, xã Cẩm Sơn hiến 120 m2 để thi công đường Nam rạch Tham Rôn (ấp 1). Theo gương ông, gần 60 hộ dân sống ven con đường Nam Tham Rôn đều hưởng ứng hiến đất với tổng diện tích khoảng 6.800 m2. Đường Nam Tham Rôn do vậy thi công thuận tiện và hoàn thành vào cuối năm qua tạo thuận lợi cho việc đi lại, học hành, giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa của người dân.

Nói về việc làm của mình, ông Nguyễn Ái Thanh bày tỏ đó là trách nhiệm, là việc làm cụ thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Vũ, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Cẩm Sơn cho biết, năm 2017, địa phương đầu tư trên 6,2 tỷ đồng thi công 6 công trình giao thông nông thôn: Đường Bà Tùng, đường Rạch Chùa, đường Ông Khậm, đường Nam Bà Nghệ, đường Bắc Tham Rôn, đường Cua Đồng có tổng chiều dài gần 7.400 m. 100% hộ dân sống dọc theo các tuyến công trình đi qua đều tự nguyện hiến đất làm đường.

Thời gian qua, xác định được hướng đi đúng cũng như những công việc trọng tâm cần thực hiện với sự hưởng ứng, chung sức chung lòng của mọi tầng lớp nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Cẩm Sơn đã tiến triển nhanh. Đến đầu tháng 9/2017, xã đã đạt được 16/19 tiêu chí về nông thôn mới.

Thiết thực lập thành tích kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ba Rày (15/9/1967 – 15/9/2017), Cẩm Sơn đang phát động thi đua trong toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành và nhân dân chung sức chung lòng phấn đấu đến cuối năm nay hoàn thành 6 tiêu chí còn lại và ra mắt xã nông thôn mới, trước thời hạn 3 năm so với lộ trình. Với sự đồng thuận chung, chắc chắn rằng mục tiêu trên sẽ sớm đạt được – ông Nguyễn Văn Út khẳng định.

Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Góp sức xây dựng nông thôn mới trên quê hương cách mạng Cẩm Sơn
Góp sức xây dựng nông thôn mới trên quê hương cách mạng Cẩm Sơn

Xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN