Thủy điện khiến cát ít về
Đặc trưng nổi bật nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Kênh, rạch, sông không chỉ làm nhiệm vụ tưới tiêu, thoát lũ cho nông nghiệp mà còn là hệ thống giao thông thủy đặc biệt quan trọng đối với mọi hoạt động kinh tế, xã hội của vùng. Hệ thống kênh, rạch của Đồng bằng sông Cửu Long phát triển vài nghìn năm nhờ sự bồi đắp phù sa của sông Mê Kông, trong khi những con sông chính như sông Tiền, sông Hậu vẫn đang trong thời kỳ biến đổi lòng dẫn. Hiện các quốc gia phía thượng nguồn ồ ạt xây dựng thủy điện, hồ chứa trên dòng chính sông Mê Kông, khiến lượng bùn cát đổ về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng suy giảm, gây sạt lở nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến sinh kế cho hàng triệu người dân.
Ông Đinh Công Sản, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) cho rằng: Từ năm 2000 đến nay, Trung Quốc, Lào liên tục xây dựng các đập thủy điện, hồ chứa trên dòng chính sông Mê Kông, khiến lượng bùn cát, phù sa ít trôi về tới Đồng bằng sông Cửu Long, làm hạn chế bồi lắng dòng sông, gây sạt lở nghiêm trọng trên diện rộng.
"Khi bùn cát, phù sa ít trôi về đến, cộng với tình trạng khai thác cát quá mức trên khu vực sông Tiền, sông Hậu đi qua nhiều tỉnh, thành trong vùng sẽ khiến quá trình bờ sông sụp, lún gây sạt lở nghiêm trọng diễn ra nhanh hơn", ông Đinh Công Sản cảnh báo.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về Đồng bằng sông Cửu Long cũng cảnh báo: Khi 11 đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông được xây dựng, lượng bùn cát trôi về tới Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ít đi rất nhiều, nếu không có giải pháp khai thác cát sông hiệu quả sẽ khiến lòng sông sâu thêm và tốc độ sạt lở sẽ gia tăng. Hiện lòng sông Tiền, sông Hậu đã sâu hơn 1,3m so với 10 năm trước, nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng. Không chỉ bờ sông, mà bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long cũng bị sạt lở, nhất là đoạn 250 km từ Tiền Giang qua Sóc Trăng.
Hiện trên dòng chính nguồn sông Mê Kông, có tất cả 7 nhà máy thủy điện và hồ chứa đang hoạt động. Đáng chú ý là Nhà máy Xiaowan (Trung Quốc) có thể tích hồ chứa 14,56 tỷ m3 hoạt động năm 2012; Nhà máy Nouzhadu (Trung Quốc) có thể tích hồ chứa 23,7 tỷ m3 hoạt động năm 2016 và Nhà máy thủy điện Xayabury (Lào) xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông có thể tích hồ chứa 1,3 tỷ m3 đi vào hoạt động năm 2019.
Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: Song song với thời gian các hồ chứa trên dòng chính sông Mê Kông đang hoạt động, thì lưu lượng bùn cát đo được tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) ở biên giới Việt Nam - Campuchia sụt giảm từ 66,54 triệu tấn/năm vào năm 2008 xuống còn 44,12 triệu tấn/năm vào năm 2017, tức chỉ còn 66,33% so với năm 2008, trong khi lượng nước đổ về Đồng bằng sông Cửu Long không thay đổi với trung bình 412 km3/năm. Khoảng thời gian từ năm 2010-2018, khi các đập thủy điện ở thượng nguồn tăng thể tích hồ chứa, lượng phù sa đo được ở thượng nguồn Tân Châu và Châu Đốc, tỉnh An Giang cũng giảm mạnh, gây gia tăng số điểm sạt lở ở khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
35% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chìm
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng: Các nước trên dòng chính sông Mê Kông chạy đua phát triển các hồ chứa thủy điện và thủy lợi ở thượng nguồn, một phần lớn bùn cát bị giữ lại trong lòng hồ và gây mất cân bằng cho khu vực hạ lưu sông Mê Kông, khiến sạt lở bờ sông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra nhanh hơn. Các chuyên gia cảnh báo: Lớp cát dưới đáy sông như phần xương sống của cơ thể, cát là yếu tố quan trọng thiết kế địa hình đáy sông, điều tiết dòng chảy. Vận tốc dòng chảy và độ xoáy dòng chảy, nếu không có lớp cát thì hai bên bờ sông sẽ gây ra sạt lở khủng khiếp.
Hiện lượng cát đổ về Đồng bằng sông Cửu Long không đủ, cộng với tình trạng khai thác cát trái phép gia tăng khiến số điểm sạt lở ở khu vực bắt đầu gia tăng từ năm 2012 với 177 điểm tăng lên 681 điểm trong năm 2018. Ngoài sạt lở bờ sông, bờ biển của các tỉnh ven biển trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với tình trạng xói lở nghiêm trọng. Từ năm 2005, đường bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu chuyển từ bồi lấn sang sạt lở, thụt lùi với tốc độ xói lở lên đến gần 678 ha/năm trong khi tốc độ bồi chỉ gần 406 ha/năm, hiện trong vùng có hơn 1/2 chiều dài bờ biển đang bị sạt lở.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Quỳnh, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng: Hoạt động khai thác cát trong những năm gần đây ở các sông tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra rất mạnh mẽ, khiến thay đổi chế độ thủy văn dòng chảy tại các phân lưu, hợp lưu. Trong những năm gần đây lưu lượng nước từ sông Tiền đổ sang sông Hậu qua sông Vàm Nao có xu thế gia tăng đã làm hạ thấp đáy sông từ -17m tại trước hợp lưu xuống còn -44m tại sau hợp lưu, khiến gia tăng mất cân bằng bùn cát, tác động nghiêm trọng đến tính ổn định bờ sông và gây nên nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng.
"Tại Đồng bằng sông Cửu Long tình trạng xây dựng các tuyến đường giao thông có cao trình vượt lũ năm 2000 và đê bao vượt lũ chính vụ diễn ra trên diện rộng, từ đó làm giảm lượng nước lũ chảy vào nội đồng, làm tăng tốc độ dòng chảy và lưu lượng lũ vào hai dòng chính gây xói lở bờ sông", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Quỳnh cho biết.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, hiện tượng suy giảm bùn cát sẽ khiến mức độ bồi lắng ở Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm mạnh. Tiến sĩ Huỳnh Công Hoài, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2017 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm 57% lượng bùn cát từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về và mức bồi lắng cũng giảm đến 26,2% cho toàn khu vực. Do thiếu hụt bùn cát, khiến dòng chảy sông Tiền, sông Hậu di chuyển nhanh, thay đổi chế độ thủy lực nên tác động đến tất cả các điểm trong hệ thống sông, dẫn đến sạt lở gia tăng khắp các tỉnh thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
"Yếu tố quan trọng gây ra hiện tượng sạt lở khắp các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long là do thiếu hụt bùn cát hay nói cách khác là do việc ồ ạt xây dựng các hồ chứa, thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đã bức tử, khiến cát và phù sa không ồ ạt đổ về Đồng bằng sông Cửu Long như trước", Tiến sĩ Huỳnh Công Hoài lý giải tình trạng sạt lở liên tục diễn ra tại Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua.
Giáo sư George Mathias Kondolf đến từ Đại học California, Berkeley (Mỹ) cho rằng: Hiện độ cao trung bình so với mực nước biển của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn khoảng 82 cm, nếu không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng khai thác cát sông và nước ngầm quá mức thì trong tương lai không xa 35% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị chìm trong nước biển, làm đảo lộn cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người dân đồng bằng.
Bài cuối: Cấp bách chống sạt lở