Tôi muốn làm thơ tặng vợ tôi lắm. Từ khi thành vợ chồng và đã có một mặt con với nhau, đến một câu thơ tặng nàng tôi cũng chưa làm được. Ái ngại thật! Mà ái ngại là phải, bởi vì bên nhà tôi có một “lão” tuổi tác sàn sàn tôi, hắn cũng ti toe biết chút ít thơ phú. Thi thoảng lão vênh mặt nịnh vợ một câu đại loại “Ta về ta tắm ao ta…” mà tôi biết tỏng tòng tong là lão thuổng được từ câu ca dao từ thời tám hoánh, biến thể đi, thêm râu ria vào. Thế mà vợ hắn vẫn cười tít, ra chiều sướng lắm, hả hê lắm. Đã thế, vợ lão cứ một “ông nhà thơ nhà tôi”, hai “ông nhà thơ nhà tôi”, cứ như chồng ả là nhà thơ độc nhất vô nhị trên đời!
Thế nên tôi chắc mẩm ai mà lấy chồng biết làm thơ hẳn là vô cùng hạnh phúc, vô cùng tự hào! Nhiều phen tôi đem cái suy nghĩ này tâm sự với lão. Lão chằm chằm nhìn tôi như nhìn người rớt từ cung trăng xuống rồi ngửa mặt lên trời cả cười mà rằng:
- Chú mày ơi! Tạnh cái ước mơ viễn tưởng của cậu đi thôi! Thơ phú tặng nhau nó chỉ có giá khi cái tình đang còn dang dở. Hôn thú rồi, chồng mang về cân thịt, không chừng nàng còn quý bằng cả ngàn câu thơ ấy chứ (!)
- Tiêu cực! Đại tiêu cực! - Tôi hùng hồn tuyên bố - Thơ là thơ mà thịt là thịt, hai vấn đề rất khác nhau. Cái cách nghĩ đó của cậu không thể chấp nhận được!
Có lẽ lúc đó bộ mặt tôi coi hao hao giống loài gà chọi nên lão cứ tròn xoe mắt ra mà nhìn. Chừng như biết cần phải làm gì, lão xoa dịu:
- Thì tớ nói ví dụ thế! Chứ cái ước muốn làm thơ của cậu thì tớ nhiệt liệt hoan nghênh. Nhưng mà làm thơ khó đấy! Ví như “cái anh” lục bát chẳng hạn. Cậu có biết thế nào là thơ lục bát không? Là ta nói theo lối của Tàu, chứ đơn giản chỉ là câu trên sáu chữ, câu dưới tám chữ. Cái chữ thứ sáu của câu trên, tức câu “mở ” phải vần với chữ số sáu của câu dưới tám chữ. Cái “vần” ấy là cái “sợi thơ” đấy! Mà cái “sợi thơ” thì nó ở trong hồn mình. Nó như sợi dây đàn ấy. Cảm xúc tựa như ngón tay chạm vào dây đàn làm nó bật thành tiếng. Thế là thành thơ (!) Cậu muốn làm thơ tặng vợ thì cái hồn cậu phải thực sự xúc động “như cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, có vậy “sợi thơ” mới rung lên được. - Rồi hăng hái, lão cổ vũ - Nếu cậu đã có “sợi thơ” thì bắt đầu đi, dũng cảm lên! Gẩy đàn đi là thành thơ thôi!
Nghe lão nói mà sướng, mấy ngày sau, đêm đêm tôi chong đèn tìm “sợi thơ”, tìm “thi hứng”… đặng đẻ ra thơ mà tặng vợ. Đèn chong mãi, tôi vẫn không tìm được sợi thơ nào, thi hứng chẳng thấy đâu. Nếu bổ củi với thời gian ấy, tôi đã cho đi tong cả đống!
Thời gian thật vô tình. Tôi chưa làm được câu thơ nào thì ngày 8/3 đã tới. Sáng mồng 8 tháng 3, tôi dậy sớm, hớn hở phóng xe qua chợ Giang Đình mua một bó hoa hồng thật tươi, mua thêm con cá chép, cân thịt mông sấn. Vừa cho xe chạy túc tắc về, tôi vừa huýt sáo mồm khúc “Ta về ta tắm ao ta…” lão nhà thơ láng giềng vẫn thường ngâm, rất chi rộn ràng. Tới nhà, vợ và con gái đi dự mít tinh ngày Phụ nữ bên nhà văn hóa xóm chưa về, tôi vui vẻ cắm hoa vào lọ, xắn tay áo lên chiên cá, kho thịt, định bụng sẽ làm cho vợ một cú bất ngờ. Chưa có thơ tặng nàng thì hẵng cứ nấu nướng cái đã. Lúc về thấy “cơm ngon, canh ngọt hả hê… chồng chờ” chắc nàng sung sướng lắm. Nấu nướng xong, ngó vào gương để chỉnh đốn lại trang phục, tôi mới giật thót mình. Bộ quần áo mới mặc lúc sáng giờ đã ướt đẫm mồ hôi, lớt phớt những vết nhọ nồi đen nhẻm. Sợ nàng đi họp về lại tranh lấy giặt như mọi khi, mà bữa nay là ngày 8/3, tôi vội cởi quần áo, đổ xà phòng vào vừa giặt, vừa vò vô cùng hăng hái. Đang giặt rất say mê, bỗng nghe tiếng phanh xe “kít” gấp ngay sau lưng. Tôi quay lại thì ra hai mẹ con nàng đã về. Nàng lật đật chạy lại giằng lấy áo quần trong tay tôi, cất giọng rất chi giận hờn:
- Trời ạ, đã bảo với anh rồi, về nhà thì cứ để quần áo đó cho em. Nhà có vợ, có con, tại mần răng anh không để cho vợ con có cái quyền chăm sóc cho anh?
Tôi giữ chặt bộ quần áo ròng ròng nước, trắng xóa bọt xà phòng trong tay mình, phân bua:
- Em ơi, mọi hôm khác, bữa nay khác. Em biết bữa nay là ngày gì không?
Vợ tôi vẫn kiên quyết không chịu buông tay. Nàng cười lỏn lẻn:
- Em biết rồi! Hôm nay mồng tám, tháng ba…
“Thơ đấy”, vẳng trong tai tôi lời lão nhà thơ hàng xóm. Lão thường bảo tôi rằng là làm thơ khó lắm, khó nhất là tìm cho được câu mở đầu. “Hôm nay mồng tám tháng ba”, “câu mở ” đó còn gì! Cứ như lời dạy của lão, đó là câu “lục”, chỉ còn câu “bát” nữa thôi. Mang máng trong đầu tôi cái câu gì đó những lúc cao hứng, anh em vẫn đọc với nhau chơi. Đích thị là “sợi thơ” đây rồi! Chỉ cần mình gẩy lên, gẩy lên! Tự dưng như có ánh chớp lóe trong đầu, tôi buột miệng đọc cái “câu lục” ấy và tiếp luôn “câu bát” mà giọng thì rất véo von:
“ Hôm nay mồng tám tháng ba
Tui giặt hộ bà cái áo… của tui!”
Vợ tôi ngớ ra, tay rời khỏi bộ áo quần đẫm nước. Bọt xà phòng tung tóe như pháo hoa. Nàng đắm đuối nhìn tôi như “cái thuở ban đầu…” mà hai má nàng đỏ rựng. Rồi hai mẹ con nàng cùng cười như nắc nẻ và tay thì vỗ, ôi chao là tưng bừng!
Nguyễn Xuân Diệu