Thức tỉnh

Từ quãng canh ba trở về sáng, Tĩnh Tuệ thao thức. Anh ta bị ám ảnh bởi những câu nói của nhà sư: “Nhìn ánh mắt của con, ta biết lòng con đang bấn loạn… Tu hành mà gặp ác mộng là cái tâm chưa sáng…”.

1.

Theo thói quen, sau khi điểm tâm buổi sáng, nhà sư Ngọc Minh chắp hai tay ra sau lưng, thư thả dạo gót trong vườn cây sau chùa Ngọc Ấn. Đó là khu vườn có nhiều loại cây ăn quả, như: cam, quýt, bưởi, mận… Cây nào tán lá cũng sum suê và trĩu quả. Nhà sư thích ngắm nhìn những quả chín mọng treo lủng lẳng trên cành và nghe chim hót véo von. Từ lâu, khu vườn đã là thế giới lý tưởng của các loài chim. Chẳng ai chọc phá, chúng làm tổ ngay trên những bụi cam, bụi quýt lá ken dày.

Chúng hót ríu ra, ríu rít suốt ngày. Vui tai nhất là vào buổi sáng, nghe như bản hợp xướng trầm bổng, thanh tao. Nhà sư cảm nghĩ giữa thiên nhiên và con người như có mối giao hòa từ thuở khai thiên lập địa, khiến cho ông luôn thư thái tinh thần. Ông vừa bước ra khỏi vườn đã gặp chú sãi mặc áo nâu sồng, đầu nhẵn bóng, giọng nói trong như ngọc:

- Bạch thầy, có khách.

- Quen hay lạ con?

- Bạch thầy lạ.

- Con thưa lại với ni cô Thanh Vân rằng, thầy bảo ni cô quét lá trong vườn, còn con pha trà cho thầy tiếp khách.

- Dạ, con làm ngay đây ạ!

Minh họa: Trần Thắng.



Nhà sư Ngọc Minh đích thân ra tận thiền môn. Người xin gặp nhà sư là một thanh niên tuổi đôi mươi, dáng vẻ tiều tụy, nhưng đôi mắt sáng quắc. Nhà sư chắp hai tay, đầu hơi cúi về phía trước. Đôi mắt ông nhìn vào khoảng không vô định, giọng nói trầm lắng:

- A Di Đà Phật! Thí chủ muốn gặp lão nạp có chuyện chi dạy bảo?

Gã thanh niên nét mặt thộn ra quê kệch:

- Thưa thầy, con xin thầy thương tình cho con nương nhờ cửa Phật!

- A Di Đà Phật! Thí chủ vì lẽ gì muốn quy y?

- Thưa thầy, con gặp chuyện đau buồn nên tìm chốn Phật đường nương bóng từ bi cho lòng thanh thản.

- Thí chủ nên biết rằng cửa Phật bao giờ cũng rộng mở đối với những ai có lòng thành nguyện theo đức Phật về cõi niết bàn. Nhưng không phải ai cũng có duyên với Phật. Có những người vì quá khổ đau, bế tắc trong cuộc sống mà đến với Phật, nhưng nợ trần chưa dứt.

- Không! Con không phải như họ. Xin thầy hãy thu nhận con.

- Ta nói là nói vậy thôi chứ không có ý ngăn cản lòng giác ngộ của con.

2.

Mảnh trăng thượng tuần treo lơ lửng trên cao tỏa sáng màu bàng bạc như muôn dải lụa vàng bao trùm vạn vật. Cách chùa Ngọc Ấn khoảng hai trăm mét về phía Tây, trên khoảnh đất trống có ba bóng đen chụm đầu vào nhau thì thầm:

- Thế nào? Mày đã nhìn thấy tượng Phật ngồi giữa chưa?

- Rồi! Pho tượng này nhỏ so với những pho tượng xung quanh, nhưng đường nét độc đáo lắm! Màu đen trũi.

- Ô hay, tượng Phật bằng đồng đen mà lại. Giá trị còn hơn vàng ròng đấy mày ạ!

Gã đồng bọn đệm vào:

- Chậc, giờ tụi bay tính sao?

Người lớn tuổi nhất trong nhóm khịt khịt mũi:

- Thì mày cứ tiếp tục tỏ ra ngoan đạo, gây lòng tin với nhà sư. Tuyệt đối không để lộ hành tung. Khi nào hành sự, tao sẽ báo trước để mày mở cửa chùa nghe không? Tao sẽ dựng hiện trường giả bằng cách dỡ ngói sau khi mày mở cửa để đánh lừa…

- Rõ! Nhưng làm như vậy người ta vẫn nghi ngờ vì sự xuất hiện của tôi.

- Mày yên trí đi, bọn tao sẽ có cách, thằng ngốc nhát gan ạ!

Ba bóng đen tách rời nhau, mỗi người biến nhanh về mỗi ngã như những bóng ma trong đêm vắng.

Việc đầu tiên, nhà sư Ngọc Minh “xuống tóc“ cho thanh niên nọ và đặt pháp danh là Tĩnh Tuệ. Sau những giờ nghe thầy giảng kinh, Tĩnh Tuệ tham gia phơi nhang cùng với các ni cô. Tĩnh Tuệ thường đứng hàng giờ ngắm những bó nhang màu xám mốc hoặc vàng rực, đầu phình ra xoe tròn, phần chân nhang nhuộm phẩm đỏ tươi, đều tăm tắp trông thích mắt vô cùng.

Ban đêm, nhà sư Ngọc Minh đốt nhang ở đền thờ chính. Ông sai Tĩnh Tuệ thắp nhang tượng ông Thiện, ông Ác, ông Tiêu. Nhìn mặt ông Thiện hiền lành còn khá, đến ông Ác hình dáng cổ quái, răng nanh con vút. Nhất là ông Tiêu mặt mày dữ tợn, hai con mắt tròn vo như mắt cú mèo, lưỡi dài khoẵm, đỏ như than lửa, khắp người giắt cờ ngũ sắc, tay cầm búa trấn giữ cửa chính. Mỗi lần nhìn đến ông Tiêu, Tĩnh Tuệ lại rùng mình, sởn tóc gáy.

Một hôm khoảng canh tư, nhà sư Ngọc Minh dậy đánh trống cầm canh, nhà sư phát hiện tượng Phật Thích Ca không cánh mà bay. Vị trụ trì toát mồ hôi, đánh thức cả chùa dậy:

- Này, các con! Không xong rồi! Đêm hôm có kẻ trộm vào chùa lấy cắp tượng Phật. Các con nhớ lại xem buổi tối trước khi đi ngủ, các con có đóng chặt cửa chùa không?

Các sãi mặt người nào người ấy nhớn nhác, mắt không chớp, họ đồng thanh đáp:

- Bạch thầy! Chúng con đóng cửa cẩn thận trước khi đi ngủ cơ mà!

Nhà sư Ngọc Minh vẻ mặt bồn chồn, những thớ thịt giãn ra, vầng trán nhẵn bóng lấm tấm mồ hôi:

- Lạ thật! Ta trụ trì ngôi chùa này ngót năm mươi năm, chưa bao giờ xảy ra chuyện tày đình như vầy.

Bỗng có tiếng kêu thất thanh:

- Thầy ơi! Xem kìa! Lỗ hổng trên mái ngói!

Không hẹn, mọi người cùng ồ lên, trố mắt nhìn lên mái nhà. Mái ngói âm dương ở chính điện bị kẻ gian tháo dỡ một khoảng lớn cỡ một người chui lọt.

3.

Buổi sáng. Tĩnh Tuệ đang châm nước sôi vào phích, chợt nghe có tiếng người nói lao xao ở phòng khách:

- Thưa sư cụ! Xin phép sư cụ cho chúng tôi khám nghiệm hiện trường.

- A Di Đà Phật! Mời các vị cứ tự nhiên cho.

Hai cảnh sát điều tra bắt tay vào việc. Một người trao đổi với nhà sư:

- À, sư cụ! Gần đây có những ai thường đến đốt nhang ở chùa? Hay có kẻ lạ mặt nào lảng vảng không?

- Mọi người đến vãn chùa đông lắm, tôi không thể nhớ hết. Vả lại, tôi ít khi ra khỏi chùa nên chẳng biết có ai rình rập.

- Sư cụ cố nhớ lại xem.

- Nhà sư bỗng à lên một tiếng:

- Đúng rồi! Cách đây hơn một tháng có một thanh niên đến xin quy y, nhưng tánh tình cậu ta hiền lành và siêng năng lắm, không thể nào nhúng tay vào chuyện này.

Tĩnh Tuệ theo dõi từ đầu đến cuối cuộc trao đổi giữa nhà sư với nhà chức trách, lòng anh ta rối bời, nóng lòng muốn bỏ trốn tức khắc, nhưng nhớ lại lời đe dọa của gã đầu gấu: “Mày phải tiếp tục ở lại chùa vài tháng nữa để họ khỏi nghi ngờ. Số tiền bán tượng, tao sẽ chia sòng phẳng cho mày. Nếu mày không nghe lời, tao sẽ xử mày theo luật giang hồ. Hãy liệu hồn đó!”.

Suốt ngày hôm ấy, Tĩnh Tuệ như người mất hồn, ăn uống lẻm nhẻm. Lúc anh ta tha thẩn ngoài vườn, lòng trĩu nặng nỗi lo sợ thì nhà sư Ngọc Minh đến gần:
- Ta biết con có điều gì bất an trong dạ. Con có thể nói điều ấy cho ta biết được chăng?

Tĩnh Tuệ không dám nhìn thẳng vào mặt nhà sư. Anh ta cúi mặt nhìn xuống đất, giọng ấp úng:

- Bạch thầy, không có chi ạ!

Nhà sư không chịu buông tha:

- Con đừng giấu thầy. Nhìn ánh mắt của con, ta biết ngay là con đang có điều bấn loạn trong lòng. Thôi được, nếu con cảm thấy khó nói thì ta cũng không ép. Nhưng đã là người tu hành thì phải luôn luôn giữ lòng mình trong sáng, thanh thản.

- Bạch thầy! Con còn vướng nợ trần…

- Con hãy vào Phật đường đọc kinh sẽ thấy lòng thư thả.

Suốt đêm Tĩnh Tuệ mộng mị. Nhiều lần anh ta bật dậy thảng thốt. Hễ chợp mắt là anh ta thấy ông Ác, ông Tiêu hiện lên cầm búa xông đến chém sả vào đầu đau kinh khủng. Cả hai gầm lên: “Hỡi tên trộm đội lốt thầy tu kia! Ông đày ngươi xuống chín tầng địa ngục, băm vằm cái xác thối tha của ngươi.

Tĩnh Tuệ lòng đầy hoảng loạn:

- Ôi! Xin các ngài tha mạng, tôi lỡ dại!

Ngay khi ấy Đức Phật Thích Ca hiện lên, nhân từ. Ngài xua tay một cái, tức thì ông Ác, ông Tiêu biến mất. Thức giấc, Tĩnh Tuệ nhìn kỹ chẳng phải Đức Phật Thích Ca, mà là nhà sư Ngọc Minh; ông đập vai của Tuệ Tĩnh, nhẹ nhàng:

- Này, con nằm chiêm bao thấy gì mà la toáng lên vậy?

Tuệ Tĩnh lúng túng đáp:

- Dạ, con vừa trải qua cơn ác mộng!

- Nhà sư điềm đạm:

- Kẻ tu hành mà còn thấy ác mộng là cái tâm chưa sáng đấy con ạ!

Từ quãng canh ba trở về sáng, Tĩnh Tuệ thao thức. Anh ta bị ám ảnh bởi những câu nói của nhà sư: “Nhìn ánh mắt của con, ta biết lòng con đang bấn loạn… Tu hành mà gặp ác mộng là cái tâm chưa sáng…”. Tĩnh Tuệ có cảm giác đôi mắt của nhà sư lúc nào cũng nhìn mình như thấy tận tim đen của anh ta. Thật lạ lùng! Đôi mắt của nhà sư thật nghiêm khắc, nhưng cũng đầy bao dung.

Trời chưa sáng rõ, Tĩnh Tuệ đã choàng dậy đi làm vệ sinh cá nhân, xong đâu đấy anh ta mới vào thư phòng của nhà sư Ngọc Minh. Nhà sư đang đọc sách dưới ánh đèn, ông ngẩng đầu lên, ngạc nhiên:

- Ủa! Con dậy làm chi sớm thế? Mất ngủ à?

- Con có chuyện hệ trọng xin bạch cùng thầy. Xin thầy hãy tha tội cho con! – Tĩnh Tuệ phủ phục bên giường, khóc nấc lên.

Nhà sư nhìn kẻ dưới bằng cái nhìn từ bi:

- Ta đã biết con muốn nói với ta điều gì rồi! A Di Đà Phật! Ta chờ sự sám hối của con!
Trần Quốc Cưỡng
Lân xóm núi
Lân xóm núi

Năm rồi, xóm được kéo điện. Lần đầu tiên, “ánh sáng văn minh” bừng lên giữa đêm đen xóm núi. Gia đình ông Kim, “đại gia” nhất xóm, ráng bỏ tiền tích cóp xuống phố rinh về dàn máy hát cùng chiếc ti vi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN