Lệnh dưới khó cưỡng

Chuyện bắt đầu từ những bà vợ khó tính đến kinh người. Bạn có thể không nghe lời một bà vợ kêu ca không biết mệt mỏi cả ngày, lại nắm phần lớn kinh tế trong gia đình. Quả thực Thọ đang phải chịu một cổ một chòng cứng mà khó cưỡng vô cùng. Không nghe lời cô ấy thì biết mặt. Sẽ nhảy tanh tách lên, vu cho là Thọ ngược đãi, chẳng biết chăm lo cho gia đình. Với vợ, anh chỉ cần nói sao thì ngoan ngoãn gật đầu đã là chăm lo cho gia đình và biết thương vợ rồi. Vì thế anh mới có thời gian mà cống hiến cho sự nghiệp của mình, vốn đã được “lên dây cót” từ lâu, đó là ngồi yên vị một chỗ, nghiên cứu, viết ra sách này sách nọ. Nhà nước không in thì bỏ tiền túi ra in, rồi ấn vào thư viện, tặng bạn bè, lấy cái danh. Sợ vợ là bệnh của các học giả thì phải. Chả thế mà cái xóm Gầm Cầu này giờ có tên là Xóm sợ vợ, tụ tập phần nhiều các học giả lớn, những công chức to.

Thọ là một nhà nghiên cứu có tiếng về văn hóa, văn học, sở hữu một bà vợ có tiền và hai con đang đi du học. Giờ anh sống bằng tiền của vợ, in sách bằng tiền vợ. Tiền lương, cô nhà cho anh thoải mái để uống rượu, tụ tập bạn bè, miễn là đừng dùng tiền đó đi bao gái. Cô đã cảnh cáo là nếu bắt gặp sẽ cắt tai. Sở dĩ gọi bằng cô vì phu nhân của anh vẫn được coi là còn rất đằm thắm mặn mà. Để chiều lòng vợ, và mình được yên thân ngồi đọc, nghiên cứu, đi lai rai với bạn bè thì anh chỉ còn cách là chịu đựng những bực dọc vợ trút ra, an ủi cô khi thương trường bấn loạn nhiều thua lỗ lọc lừa, đồng thời răm rắp những kế hoạch mà cô vạch ra. Đến cái chuyện này nữa, là vứt con chuột sang nhà bên cạnh, tồi tệ đến mức mất liêm sỉ anh cũng phải nghe.

Minh họa: Trần Thắng.


Chuyện thế này: Vợ Thọ và cô Ngân nhà bên cạnh là hai đối thủ trên thị trường kinh doanh áo dài truyền thống. Hai công ty còn nằm gần nhau trên một tuyến phố cổ Hà thành. Con gà tức nhau tiếng gáy. Năm ngoái cô Ngân được tặng danh hiệu “Doanh nghiệp điển hình”, báo chí đến phỏng vấn, viết bài, chụp ảnh nườm nượp. Yến vợ Thọ tỏ ra tức tối, làm một sêri quảng cáo trên hàng loạt các báo lớn, tạp chí có tiếng, chi phí hơn trăm triệu đồng. Vừa rồi, chồng Ngân lại được một cái giải thưởng gì đó về đề tài phát triển con người, lại được thăng học vị Giáo sư. Yến bảo Thọ “Em thấy anh có năng lực mà không thấy lên giáo sư gì cả. Hay là anh không biết luồn cúi?”. Thọ hơi gắt “Em này, cứ làm như bọn anh luồn cúi là thành giáo sư!”. Yến liếc xéo “Vậy thì chỉ là do năng lực anh kém thôi. Em không chịu đựng được cảnh năng lực chồng em kém hơn năng lực chồng người. Lão kia lên giáo sư, con vợ hắn vênh lắm, cứ như đeo thuốc súng, em nhìn thấy mà muốn bổ vào mặt. Phải làm gì đó cho bõ tức”. Nhân tiện có con chuột nào đó thất cơ lỡ vận, chết đâu không chết, chui vào khe cửa nhà Thọ mà “yên đời”, vợ anh nhìn thấy. Ban đầu là chân tay bủn rủn, chun mũi, nhăn nhó mặt, kinh khiếp. Từ đó nảy nòi ra một kế hoạch trút giận. Sẽ ném chú chuột này sang nhà hàng xóm. Giáo sư à? Vênh mặt à? Sẽ được ngửi mùi chuột chết! Cô nàng nguyền rủa “Các người chỉ là lũ chuột chết!”.

Thọ bị vợ lôi ra cửa:

- Con chuột chết này sẽ cho vợ chồng mình cảm giác thú vị là làm cho gia đình nó ngửi mùi thối tha. Đến tối, anh hãy lựa mà ném vào chậu hoa ngay cửa ra vào nhà nó, ắt hẳn tha hồ thấy mùi, mà khó biết bắt nguồn từ đâu.

Lời hạ lệnh của vợ rắn đanh và cực kỳ dứt khoát. Anh hiểu là lời nói của mình rất khó làm cô rút lại. Nhưng vẫn cố gắng vớt vát:

- Làm thế có được không mình? Chúng ta là những người đàng hoàng, có văn hóa…

Quả nhiên cơn tam bành nhè nhẹ nổ ra. Cô vợ nghiến răng nghiến lợi nói anh hèn nhát. Muốn người khác nhục mà không chịu hành động. Chẳng phải rất nhiều người được gọi là có văn hóa đã táng tận lương tâm để kiếm lợi đấy thôi. “Anh không làm thì ai làm? Tôi rất điên nhà nó, không chịu được, hãy giúp tôi rửa hận!”. Ở cơ quan, anh đã chán ngấy chuyện cấp trên làm sai trút trách nhiệm cho cấp dưới, còn những danh hiệu, bằng khen thì cứ mạnh bạo nhận. Anh chưa thấy người nào có tư chất “lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ” bao giờ. Những thối tha, rác rưởi, con người ta vẫn thải ra, rồi đổ ụp đấy không chịu nhận, cứ đưa đẩy này nọ. Mà hương thơm trái ngọt bằng mồ hôi nước mắt người khác lại nhơ nhẩn nhận. Vậy biết làm sao. Anh không thể làm vợ giận, cô nàng sẽ nghĩ ra ngàn vạn câu chuyện ý nói là anh bênh vực kẻ thù, rồi sẽ đay nghiến, xỉa xói, trách móc. Buộc phải nhận lời, miễn cưỡng cười với vợ để cô nàng vui.

Chả cần đợi đến tối, Thọ đã có thể ném vèo chú chuột đã được bọc gọn trong giấy báo. Lúc này, chỉ cần bỏ ra, lót tay và cầm đuôi vung. Ngày trước, anh còn tham gia chiến đấu trong chiến trường miền Nam, từng ném lựu đạn bách phát bách trúng. Giờ chỉ nhẹ một cái, chú chuột đã chui vào nách lá của cây trinh nữ, chờ nay mai thối rữa là bốc mùi. Ắt hẳn vợ anh sẽ hả hê khi ngôi nhà kia bị mùi chuột chết tạt vào khăm khẳm, đến bữa ăn cũng phải nhăn mũi, dù có đóng cửa lại, thì chả lẽ không có lúc mở ra.

Công hiệu đã xảy đến vào hai ngày sau. Đó là hiện tượng gia đình bên cạnh cứ phải chun mũi khi ra vào cửa. Khách đến cũng phải che bàn tay vào mũi khi đứng đợi gia chủ mở cổng sắt. Lúc khách nổ máy biến mất từ lâu, bên này Thọ còn thấy Giáo sư Ngõa ở nhà bên kia lom khom tìm nguyên nhân mà chưa thấy. Có lẽ tại cặp mắt cận được trang bị đôi đít chai dày cộp đã cản tầm nhìn của ông. Ông già hơn vợ gần hai mươi tuổi, nhưng rất mực sợ vợ. Nhìn cái dáng lưng gù, chân bước mà đầu cứ vươn phía trước là khổ ải lắm, chẳng sung sướng gì. Bởi thế mà dù đã học hàm học vị đẫy đà mà về nhà lệnh vợ ông cũng khó dám cưỡng. Đi đông đi tây học trò vạn vạn, về nhà vợ vẫn “dạy” cho như thường.

Tin đến tai Yến vợ Thọ, một nỗi mừng rơn ngấm ngầm trong lòng. Thế là hả, cơ thể nóng bừng đôi chút “nguội” đi. Yến bảo Thọ: “Anh vất vả thế mà mới tiến sĩ, phải bằng cách nào đó lên giáo sư cho vợ chồng nó bớt vênh. Em là em tức lộn ruột”. Ôi trời ơi, Thọ ra chỗ khác thở dài. Trên con đường tiến thân của chồng, những người vợ luôn đẩy chồng mình dấn bước.

*
* *

Tất nhiên gia đình này cũng không chịu bó tay ngồi yên. Bằng sự nhạy cảm của những người có học, óc quan sát của dân buôn. Gia đình Ngân chẳng bó tay ngồi yên. Họ thừa biết kẻ nào đã gây ra chuyện này, kẻ đó còn đang mừng lên mặt nữa. Cứ thấy ả vợ gã chồng ra ra vào vào, vừa mừng rỡ vừa chờ đợi là biết ngay. Rất thường đứng vu vơ ngoài cổng, ngó sang bên này cười thầm, như thể muốn thấy bên này đang nhấm nháp sự đau đớn. Chồng Ngân là Giáo sư Ngõa có tiếng tăm lừng lẫy. Tuy nhiên, Ngân chẳng cần phải dùng đến học thức của chồng để đối phó trong trường hợp này. Phải lấy tiểu nhân đo lòng hạ nhân mới khớp. “Cứ ném cho nó rác rưởi, ô uế là lần sau nó khiếp ngay”. Ngân nghĩ, kiểu gì cũng trả thù, không thì đầu mình sẽ điên lên mất. Thế là Ngân sai ông chồng già nua và nặng nề chữ nghĩa của mình phải đi tìm xỉ than. Đầu phố đầy nhà đốt than tổ ong, họ đánh đống một góc chờ xe rác đến mang đi. Cứ khuân một ít về, nghiền nhỏ rồi đợi đêm đến, gia đình Thọ không ngờ đến thì “tương” vào. Giáo sư Ngõa không thể không nghe, động vào “tổ kiến lửa” là y rằng có chuyện, vợ ông lại vùng vằng ôm chăn ra hè ngủ ngay tức khắc. Mà Giáo sư thì ai lại để vợ ra nông nỗi ấy. Cô nàng còn cho ta tiền, là thần tài thần lộc của ta…

Mọi chuyện diễn ra thật nhanh chóng. Quả nhiên sáng hôm sau, cửa nhà Thọ đầy xỉ than tổ ong. Yến tức lộn ruột, vu vơ chửi nhưng đầy ám chỉ và vô cùng xỉa xói. Chị ta cũng cố tình không để quá to tiếng, ảnh hưởng đến Khu phố văn hóa mà năm nào chốn này cũng được nhận. Lại còn danh hiệu gia đình văn hóa nữa chứ. Tổ trưởng tổ dân phố biết, ông ta sẽ tước đoạt ngay tức khắc. Vợ chồng Ngõa - Ngân cũng điên tiết, nhưng chả lẽ không khảo mà xưng. Kệ nó, nhà mình không đun than, chẳng bắt được tận tay thì biết làm gì. Ngân trấn an giáo sư như vậy, và bắt đầu nghĩ cách để đề phòng nhà kia trả thù.

*
* *

Đêm hôm ấy, hai ông chồng đôi bên nhận nhiệm vụ vợ giao phó là tìm xỉ than để tung vào cửa nhà kia. Kỳ thực, cả hai đều không muốn làm. Tình hàng xóm quan trọng biết nhường nào. Người ta bảo bán anh em xa mua láng giềng gần. Giữ được tình hữu hảo giữa con người với con người thật là khó. Nếu không vì hai bà vợ ương bướng, biết đâu…

Nhưng hai người đàn ông trong gia đình vẫn phải làm. Họ đi tìm than, về nhà cho vào bao tải nghiền nát. Chuẩn bị chờ cơ hội thì “tấn công”. Thật may là hai nhà đều không ai nuôi chó cả. Nếu có chú chó thì mọi chuyện lại khác. Quãng quá mười hai giờ, hai ông chồng bắt đầu “hành sự”. Lạ lùng thay, không hẹn mà gặp. Hai ông chồng mặc áo ba lỗ, quần đùi, rón rén từng bước, đẩy được cửa sắt nhà mình ra, hướng mặt vào nhà kia thì chạm mặt nhau. Trên tay mỗi người là bọc tải đựng xỉ than. Họ đứng chết sững trong nhiều giây, rồi không ai bảo ai, đều rút lui cả. Người nào cũng hồng hộc thở, bung ra cả tai, lấm lem bung bét.

*
* *
Tất nhiên, đêm đó cả hai “anh hùng” đều bị vợ trách quở vì… hèn. Sao đã bưng đi lại bưng về? Bởi vì hai bà vợ hung dữ ấy đều không ngủ, ngồi xúi chồng và đợi chồng xong việc trở về. Hai ông chồng đều nói mình đã gặp đối thủ cũng muốn làm chuyện tương tự. Rồi chuyện xô xát nho nhỏ trong mỗi nhà lại diễn ra. Hai ông chồng đều thấy nỗi nhục hiển hiện. Nhưng hai bao tải xỉ than đó vẫn không được chuyển đi để tống khứ khi có kẻng rác gọi, mà họ để một góc, khi nào vợ cần đến thì họ đem ra.

Rồi những ngày sau đó, hai ông chồng vẫn đi giáp mặt nhau, nhìn nhau. Có chút gì đó ngường ngượng. Tự họ thấy mình là những người có học, những trí thức. Thế mà đều vì vợ, vì lệnh của cấp dưới, thành ra những kẻ thật... hèn!

 Nguyễn Văn Học
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN