Chị

- Trời ơi! Em mà là đàn ông thì em chết vì chị mất!


Nghe cô em chồng thốt lên như vậy, chị đủng đỉnh:


- Thế em vẫn là em, thì em sẽ như thế nào với chị?


Cô em chồng thoáng ửng đỏ mặt, véo vào vai chị:


- Lửa thui mồm chị đi! Chị thù dai vừa thôi nhé!


Hai chị em phá lên cười. Lâu lắm rồi, chị mới được cười to trong căn nhà của mình. Phải rồi! Từ ngày anh đi rồi đi xa hẳn, hình như anh đã mang theo tiếng cười của chị. Và rồi ôm chặt nó trên một miền đất xa lạ. Thoáng chốc mà đã ba mươi năm. Gần nửa cuộc đời chịu nhiều cay đắng, khổ đau để giờ có quãng thời gian nghỉ ngơi suy ngẫm. Trước mắt chị hiện tại, quá khứ đan xen lẫn lộn.

 

Minh họa: Trần Thắng.


... Trên đồng đỗ tương của hợp tác xã Duyên Hải, một đám trẻ lúi húi bới đám thân cây đỗ nhặt những mầm giá mập mạp vừa nảy sau cơn mưa. Thằng Khầu cậy lớn xác đá tung chiếc rổ trên tay cô bé yếu đuối hàng xóm. Cô bé nức nở. Bỗng “huỵch”! Một thằng bé từ đâu nhảy vào đấm Khầu rồi hai đứa hùng hục vật nhau. Khầu bị đối thủ đè nghiến xuống dưới. Sau mỗi nhịp tát vào mặt là một câu:”Chừa bắt nạt con gái chưa! Chừa chưa!”. Cô bé khi nãy dũng cảm chạy đến giữ tay kẻ thắng trận: “Anh đừng đánh! Em không khóc nữa đâu!”....


... Suối Lục Cẩu vào mùa lũ, nước đục ngầu. Một cô bé không qua được đứng khóc trên bờ. Một cậu bé đen nhẻm dắt trâu về đến đấy thương tình cho bé qua nhờ. Ngồi sau lưng cậu bé cao thượng, cô bé chăm chăm nhìn vào vành tai to tròn của cậu, tại đó có một chiếc bớt son đậm...


Sau này, khi đã thành vợ chồng, đêm nằm chị thường mân mê vành tay dày mọng có chiếc bớt son đậm ấy. Anh đùa: “Tai anh là tai nặng của. Tuổi hai mươi anh đã có một kho tài sản vô giá!”. Thấy chị chưa hiểu, anh ôm chặt chị vào lòng thủ thỉ: “Là em đấy! Em không biết hay sao?”.


So với bạn bè cùng lứa, chị xây dựng gia đình hơi sớm. Mười bảy tuổi đã đi lấy chồng và ra ở riêng ngay tháng đầu tiên.... Ngày biết chị có thai, anh sung sướng ghì chị đến nghẹt thở rồi vẽ ra tương lai của con nào là nó sẽ học giỏi, nó sẽ làm cô giáo... chị tin những lời anh nói và cái tiền đồ xán lạn ấy như vầng hào quang tỏa sáng lung linh trước mắt đôi vợ chồng trẻ.


Chiến tranh chống Mỹ ngày càng khốc liệt. Anh có tên ngay loạt đầu tình nguyện nhập ngũ. Chị khóc mà không dám cản bởi biết chồng mình đã quyết điều gì thì không có sự bàn chùn. Ngày anh lên đường, cây gạo đầu làng thắp hàng vạn ngọn đèn đỏ ối tiễn anh và đồng đội. Nhặt một bông gạo đỏ tươi dưới gốc đưa cho vợ, anh nói vui ”đúng mùa hoa gạo này sau 3 năm nữa anh sẽ về với mẹ con em!”.


Chị không ngờ và cũng không bao giờ tin giờ phút ấy là giờ phút cuối cùng cuộc đời chồng vợ của anh chị. Bé Hoa được một tuổi, chị nhận được tin anh mất tích trong một trận đánh mùa khô 1972. Sau thời gian mất hồn, chị giật mình nhận ra phải có niềm tin vào ngày trở về của chồng. Còn giọt máu của anh ấy phải để nó khôn lớn trưởng thành như bố nó hằng mong ước. Bỏ qua những ánh mắt nghi kỵ của những người luôn xoi mói với những lời lấp lửng “Không biết nó mất tích kiểu gì hay đầu hàng giặc rồi!”. Chị cắn răng dồn nén nỗi đau vào lòng và luôn tin anh trong sáng.


Rồi chị đi học trường sư phạm tỉnh với suy nghĩ đơn thuần: “ Nếu cả hai mẹ con làm cô giáo thì anh sẽ mãn nguyện gấp đôi!”. Muôn vàn khó khăn ập đến khi quyết định đi học của chị không được nhà chồng ủng hộ... Rồi khó khăn cũng qua đi để đến ngày chị cầm tấm bằng về dạy học ngay trường làng. Học sinh của chị đa số con cái nhà nông, thuần tính nhưng ít có điều kiện học. Chị buồn khi sổ điểm lớp ngày càng dày thêm những điểm kém. Là tổ trưởng chịu trách nhiệm về bộ môn Văn Sử, thấy học sinh uể oải trong giờ sử bởi sự khô khan của các sự kiện với chất lượng môn học kém, chị cảm thấy trách nhiệm đối với cả một thế hệ đang đè nặng lên đôi vai của những thầy cô giáo như chị.


Một lần đến nhà Hương - cô giáo cùng trường - nhà gần đồi pháo đài, chị tò mò theo lên thăm pháo đài và ngạc nhiên về quy mô hầm hào ở đây. Lần mò trong từng ngách hầm, chị thấy cả một thời kì oanh liệt của dân tộc như dần dần hiện ra trước mắt. Sử học chính ở đó! Theo cô bạn lên Đền Thượng thờ Đức Thánh Trần, loang loáng trước mắt chị là đạo quân uy nghi của Ngài. Sử học cũng chính là đây! Chị vụt nghĩ nếu cho học sinh đi thực tế thì chúng sẽ yêu môn học này. Chị báo cáo với ban giám hiệu và dẫn các em đi.


Cả một lớp bảy lộc ngộc há mồm lắng nghe cô giảng giải về công trình pháo đài của Pháp từ những năm trước cách mạng và sự tài tình của trinh sát ta khi đột nhập vào đấy lấy tài liệu của chúng (chị đã lên tận tuyên giáo tỉnh ủy tham khảo tài liệu thời kì này)… Sau buổi thực tế đó, các giờ học sử không còn khô khan tẻ ngắt. Lối dạy liên hệ sử quốc gia với sử địa phương có cả những nhân chứng sống và di tích lịch sử, văn hóa ấy, chị không ngờ đã được đề cao và nhiều giáo viên học theo chị. Chất lượng môn học đã được nâng đáng kể…


Một buổi tối có tiếng gõ cửa, Miên - cô học sinh thường được ca ngợi là hoa nở giữa rừng - rụt rè ngồi xuống bên chị nức nở: “ Cô ơi! Em khổ lắm! Bây giờ biết làm sao?”. Chị vụt hiểu và cay đắng nghĩ thầm lâu nay ở các nhà trường, các cô giáo không dám dạy cho học sinh những điều cần biết về giới tính. Có em trót làm đàn bà quá sớm. Thế là lại một kế hoạch đề ra về giáo dục giới tính cho học sinh khối bảy không được Ban Giám hiệu ủng hộ. Giáo viên có người ủng hộ, có người đả phá gay gắt. Chị đề nghị lên Ban Giáo dục và được chấp nhận. Cô giáo dạy Sinh vật đỏ mặt thuyết trình trước học sinh về giới tính. Bọn con trai, con gái nín thít, mặt đỏ cẫng bị cuốn hút vào bài giảng. Giờ chúng mới thực sự hiểu kĩ hơn về cơ thể mình và giới tính.


Dạo đó, ông hiệu trưởng lúc nào cũng tỏ ra lạnh lùng khắc nghiệt với chị. Trong cuộc họp ông chỉ trích chị thích chơi trội... tranh luận chán trong cuộc họp, ra về chị tấm tức. Ông lù lù hiện ra trên con đường vắng: “Tôi! Tôi chỉ muốn tốt cho em!”, rồi quờ tay vồ lấy chị. Chị chỉ kịp giơ tay tát đánh “Bốp!”. Ông bưng mặt nghiến răng: “Cô đã tự chuốc họa vào thân rồi đấy!”. Ít lâu sau, chị bị phân đi một phân hiệu cách nhà ba tiếng đi bộ. Uất ức nhưng chưa bao giờ trong chị gợn lên suy nghĩ bỏ nghề dù có phải chịu nghiệt ngã đến đâu. Có lẽ niềm tin vào chồng - một con người như anh không thể làm điều xấu - là miếng đất màu mỡ nuôi sống niềm tin yêu vào nghề nghiệp và cuộc sống này của chị.


Một buổi sáng cô em chồng xồng xộc đến nhà chị ầm ĩ:


- Chị ăn ở thế nào mà khắp nơi người ta đồn ầm lên là chị tằng tịu với ông H kia kìa!


Cô bù lu bù loa. Chị bất ngờ và hoang mang không biết nguồn tin ấy do đâu mà ra. Chắc chắn em chồng chị không bịa đặt hoàn toàn. Vậy ai là người mượn tay em để hại chị đây? Bất giác chị nghĩ đến nụ cười nhếch mép của ông hiệu trưởng khi gặp chị đi nhờ xe đạp một phụ huynh về làng.


Tai hại thay cho dư luận! Nó như một vết dầu loang không gì ngăn cản. một số đồng nghiệp nhìn chị với ánh mắt khác… Nỗi đau bởi lòng tự trọng bị xúc phạm ngang ngửa với nỗi đau mất chồng. Có lúc chị tưởng khuỵu trên bục giảng. Cũng may một số đồng nghiệp và học sinh gần gũi, động viên chị và ánh mắt trong trẻo của bé Hoa là nguồn nâng đỡ chị vực dậy và bước tiếp con đường đi của mình. Nén nỗi đau vào lòng, chị lại miệt mài trên từng trang giáo án…


Một buổi chiều mùa đông.


Ngoài ngõ nhà chị có nhiều bóng người đi vào. Có cả bóng quân phục. Đó là đoàn cán bộ thị xã và thị đội đến. Chị run rẩy:


- Các anh nói đi! Chồng tôi… rồi… phải không?


Ông Chủ tịch thị xã vẻ mặt buồn trang nghiêm:


- Anh nhà đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ mật bên nước bạn vào năm 1980. Sắp tới chúng ta làm lễ truy điệu cho anh ấy tại Ủy ban thị xã.


Chị sụp xuống. Không! Chị không tin anh đã mất. Gần hai chục năm nay chị sống nhờ vào niềm tin anh trở lại, dù anh có thân tàn ma dại. Nhiều năm học rồi, mỗi lần giảng văn bài “Đợi anh về” của nhà thơ Ximônốp cả cô và trò đều rơi nước mắt. Đồng nghiệp nhận xét chưa từng thấy ai giảng bài thơ này hay như chị. Vậy mà giờ đây anh không bao giờ về nữa dù chị đã chờ đợi đến cùng kiệt...


Tôi viết câu chuyện này khi chị vừa được nhận bằng khen về những thành tích từ khi vào nghề đến nay với phương pháp dạy học đạt hiệu quả cao. Chị kể năm 1983 chị đi học cao đẳng, rồi khi tái lập thị xã chị trở về trường cũ góp phần xây dựng lại phong trào giáo dục tại đây. Nhìn khuôn mặt đẹp của chị, tôi đoán chị chắc cũng không ít người theo đuổi. Chị cười thành thật:


- Cái quan trọng là phải tìm cho mình một tấm lòng cảm thông và tình yêu đích thực. Tình yêu đầu tiên của chị lớn quá, choán hết cuộc đời chị rồi! 


Một cô gái dễ thương đỗ xe ngoài sân với câu “Con chào mẹ! Cháu chào cô” rất to. Chị sáng bừng khuôn mặt bảo tôi: “Cháu Hoa đấy. Sau khi đỗ tốt nghiệp Đại học cháu về dạy ngay tại thị xã...”.


Nhìn hai mẹ con ríu rít bên nhau, trong tôi trào dâng một niềm vui khó tả. Tôi nhìn lên tấm ảnh chụp lại được phóng to của anh chị ngày cưới. Hai khuôn mặt thánh thiện nhìn tôi với nụ cười tràn trề hạnh phúc. Tôi nghĩ nụ cười tươi rói ấy chính là hành trang đưa chị từ một cô bé yếu ớt trở thành người phụ nữ cứng cỏi giỏi giang của ngày hôm qua và người phụ nữ hạnh phúc trên quê hương Lào Cai đong đầy gian khổ mà vẻ vang của ngày hôm nay.

 

Trần Thị Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN