Sáng chủ nhật, Ân mở gmail, buzz một câu: “Buồn là tâm trạng của tôi lúc này” rồi chờ đợi.
Mười trên mười tám người trong danh sách bạn bè đang “sáng đèn” nhưng chỉ có ba người đáp lại. Một viết: “Lại ca cẩm, yên đi cho bạn bè nhờ. Cả tuần cày như trâu bò. Cuối tuần cứ xả hơi đi. Buồn đếch gì?”. Hai viết: “ Chia sẻ. Chia sẻ”. Là sao? Có biết chuyện gì mà chia với sẻ? Khách sáo hết chỗ nói. Đểu giả hết chỗ nói. Đang rầu thúi ruột thì Thắng buzz lại: “Nếu rảnh đi cà phê với tao. Đừng ngồi nhà gặm nhấm nỗi buồn”. “O.K. mười lăm phút có mặt ở quán cà phê cóc chú Phúc?”.
“O.K”. Vẫn chỉ có nó là bạn thực sự khi mình cần đến. Ân nghĩ…
Hai đứa ào đến gần như cùng lúc. Quán cà phê cóc này nằm ở một góc nhỏ trong một công viên nhỏ còn sót lại của thị xã. Quán nhỏ nhưng cà phê ngon. Cà phê ngon nên nhiều người đến uống. Nhiều người đến uống thì có một số người tài năng, tính nết khác người. Khác người nên có người mê vợ chú Phúc. Mê cô nàng lúng liếng ngoài ba mươi với thân hình bốc lửa, chín đằm thắm luôn! “Chín đằm thắm” là cái cóc khô gì mà thằng Thắng có lần nghĩ ra và gán cho chị chủ quán. Nhưng cứ nhìn người lại nghĩ đến ba chữ thằng Thắng đặt tên lại thấy đúng.
Vợ chú Phúc bỏ đi. Vì ở với chú một đời không thể có nhà lầu, xe hơi. Nhưng bỏ đi một bước là chị lên bà chủ. Chú Phúc vẫn bán quán cà phê nuôi thằng cu con đang tuổi mầm non. Sáng, chú bán một chặp xong bỏ quán cho khách coi rồi đưa thằng nhóc đi học. Về chú pha pha bán bán cho đến chiều lại đi đón con. Có lần Ân hỏi chú có buồn không, có nhớ vợ không, chú cười tỉnh như ruồi: “Duyên phận cả. Gắn kết với nhau được hồi nào hay hồi nấy. Ai kêu tao cũng ham hố. Ngoài năm mươi đi cưới vợ ngoài ba mươi. Giờ tao có thằng cu con này, lời quá rồi mày…”.
Ân ngồi nhìn phố xá. Tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt. Người ta xây nhà ầm ào. Là một kỹ sư xây dựng nhưng Ân đôi khi phát hoảng với tốc độ xây nhà quá nhanh. Anh thì đã ra trường mấy năm vẫn chưa xây được nhà. Hết lo chuyện nhà mình ở quê lại lo cho ba mẹ người yêu bệnh triền miên. Anh vừa lo vừa an ủi: “Em yên tâm. Mình còn trẻ, lo cho các cụ xong đến lượt mình vẫn chưa muộn”.
Thắng hỏi ngay khi mới kéo cái ghế nhỏ và ngồi xuống: “Gì vậy mày. Ít thấy mày than thở. Nay buzz một câu nghe não nề quá!”. Ân nói: “Là chuyện của Hiên. Hồi hôm Hiên lạ lắm. Uống say ghé nhà tao nói lung tung. Nhưng nghe lại rất có lý!”.
Và Ân kể, như trút nỗi lòng với bạn. Ba đứa mình chơi với nhau từ hồi còn học cấp ba ở quê nên mày biết tính Hiên rồi còn gì. Rất ít nói. Hiền lành nhu mì vậy mà hồi hôm Hiên đến phòng tao, say, mùi bia nồng nặc. Nàng đòi nói chuyện. Từng chuyện từng chuyện một được nàng nói rất chỉn chu, mạch lạc. Nàng nói con gái suy cho cùng cũng là thứ lấy tiền chu cấp từ con trai! Có hai loại phụ nữ. Lấy tiền biết ngượng và không biết ngượng. Thế thôi. Với người biết ngượng, họ tự làm lấy mọi điều, tự khẳng định mình này nọ bằng cách học hành, bằng cách gồng mình lên. Nhưng đến một lúc nào đó cũng thấy mình mỏi mệt. Quá mỏi mệt. Thấy mình sao không phải là kiểu lấy tiền không biết ngượng như những người con gái kia cho nhẹ nợ. Cho khỏe thân. Vì quanh quẩn, phụ nữ cũng chỉ làm chừng đó chuyện; công việc (nếu có), bếp núc, làm tình, nuôi con… Thắng cắt ngang lời Ân: “Hiên mà mất nết vậy à? Con nhỏ này, mày để tao cho nó một trận”.
Chưa hết, Ân khoát tay, Hiên còn nói nhiều nữa. Nàng nói nàng làm việc điên cuồng cho mấy dự án bất động sản của công ty. Dịch thuật mờ cả mắt. Chạy lo giấy tờ pháp lý rạc cả cẳng. Phiên dịch rã cả họng, vậy mà đến tháng nhận lương được gần chục triệu đồng. Số tiền này nàng lo nhà trọ, xăng xe, gửi về quê cho ba mẹ rồi ăn uống nên tháng nào cũng cuống cuồng lo bị âm. Thế mà hôm qua, nàng có chuyện bất ngờ phải cần gặp sếp nên đến quán hớt tóc thanh nữ gần khu công nghiệp. Quán máy lạnh. Nhạc du dương. Một em váy ngắn cực ngắn chỉ ngồi lấy… ráy tai cho sếp. Cô nàng nói mấy câu tiếng Hoa ngọng nghịu. Xong, sếp bo cho em này năm trăm ngàn. Một tờ tiền mới cứng. Thế là Hiên nhà ta đỏ mặt vì giận. Bởi thấy nó có hao công tổn sức để học hành, để đi làm gì đâu. Nàng tức tối bỏ về. Chiều lão sếp gọi lên phòng, không những không thấy xấu hổ với cô trợ lý mà còn gạ gẫm: “Cỡ chân dài đầu ngắn như nó, anh cho nhiêu đó. Còn em mà… lấy ráy tai anh, anh cho tiền triệu ấy chứ. Em mà lấy anh, cả một núi của cải ấy chứ. Lấy anh nhé! Anh làm ở đây năm mươi năm lận mà”. Hiên bỏ về giữa buổi chiều, uống say và đến nhà trọ của tao, như tao nói lúc nãy.
Còn thuốc chữa. Thắng an ủi bạn. Ít nhất là Hiên rất thành thực. Hiên nói hết với mày mọi chuyện như thế là tốt quá rồi. Thôi bỏ, kêu Hiên bỏ việc gấp. Tao với mày chạy xin chỗ khác cho nó.
Xin việc gì? Hiên nói chưa xong mà. Mày cứ từ từ nghe tao nói hết đã. Hiên khóc, khóc nhiều lắm. Hiên nói ngoài quê gọi vào bảo mẹ Hiên phải nhập viện mổ tim gấp. Ba cô ấy vẫn chạy thận. Phải có mấy trăm triệu bạc chưa biết làm sao. Nhà thì như cái mền rách. Thứ gì bán được bán hết rồi. Đúng là họa vô đơn chí, bệnh nan y cứ tìm đến người nghèo. Nhưng cú điện thoại đánh gục Hiên lại là của mẹ tao. Mẹ cũng nghe tin mẹ Hiên bệnh nặng nên gọi điện nói, con ơi “tha” cho thằng Ân. Nó là thằng chăn trâu cắt cỏ để đi học. Ngày thường chăn trâu bọn trẻ thả diều nô đùa còn con trai bác lận theo sách vở mà học. Con cùng xóm con biết cả còn gì? Nó học bài ngoài đồng vì đêm về còn ngâm gạo, xay bột. Sáng sớm làm bún tươi cho bác đi chợ bán phụ nuôi bầy em. Giờ nó học hành xong tiếp tục gánh thêm gánh nặng bên nhà con, bác thương nó quá…
Vậy đó, mày thấy thảm hại chưa? Tao buồn cho Hiên nhưng cũng không thể giận mẹ. Mẹ nào không thương con đứt ruột khi con mình cày mãi, làm mãi cứ chật vật chẳng dư đồng cắc nào?
Rồi Hiên quyết sao? Mày dài dòng quá. Tao là thằng bạn nối khố với mày và Hiên. Cùng xa quê đi học, cùng nghèo khó có nhau cần gì phải kể lôi thôi. Ân buồn buồn: “Hiên nói vì yêu tao, vì tự trọng với mẹ tao, Hiên sẽ chia tay. Có khi như vậy lại hay hơn, khỏi làm gánh nặng cho tao. Mà bản thân Hiên cũng mệt mỏi quá rồi.
Cô ấy không chịu nổi ngày nào cũng phải làm cật lực mà vẫn không đủ tiền để cứu mẹ. Cô ấy mong một đám cưới với tay giám đốc sẽ là giải thoát cho tất cả những khúc mắc này”.
Và mày đầu hàng? Không còn cách nào khác để giữ người yêu lại cho mình? Thắng hỏi và Ân cay đắng: “Đau lắm chứ mày. Bán cả tao để có tiền giúp Hiên tao cũng làm. Nhưng ai mua? Bạn bè đứa có tiền thì không nhiệt tình. Đứa nhiệt tình như mày thì không có tiền. Tao bảo sẽ cố, sẽ có cách nhưng Hiên nói, không còn cách nào khác. Hình như cô ấy cũng đã quyết mọi chuyện rồi”…
Ngày cưới Hiên, Ân không dự. Nó vẫn chỉ buzz một câu: “Buồn là tâm trạng của tôi lúc này!”.
Ba tháng sau Ân nói với Thắng: “Tao mới gặp Hiên mày ạ. Trên xe buýt. Nàng phờ phạc lắm. Gặp tao, nàng quay mặt đi nơi khác. Cứ như tao không phải là người quen. Cứ như chúng tao không có mấy năm yêu thương nhau mặn nồng”.
Sáu tháng sau Ân nói với Thắng: “Tao lại gặp Hiên mày ạ. Hình như nàng sắp có em bé. Vẫn là trên xe buýt. Hình như đi làm về. Cái thằng cha đó sao không cho Hiên đi chung xe mà bắt nàng phải đi xe buýt? Tao mà gặp chắc đập cho lão một trận quá!”…
Một hôm Thắng hớt hải chạy đến nhà trọ báo tin cho Ân. Vợ chú Phúc về rồi, mày ạ. Tao mới ghé uống cà phê gặp nè. Mặt mày bầm tím. Áo quần bị xé tan nát. Tóc bên dài bên ngắn te tua. Chú Phúc và thằng con trai cầm trứng luộc, lăn lăn trên mấy chỗ bầm tím đó. Chị ấy khóc. Chà, chắc là bị đánh ghen. Hết bầm tím lại “chín đằm thắm” ngay ấy mà.
Vợ chú Phúc về mà mày hối hả làm tao tưởng Hiên trở về. Giá mà Hiên của tao trở về nhỉ? Bầm dập cũng được, ê chề cũng được. Chừng nào chưa tìm được Hiên thì … “Buồn là tâm trạng của tôi lúc này chứ gì? Mày tháo cái buzz này đi cho tao nhờ. Về thì Hiên đã về rồi. Mà người tự trọng như Hiên có chịu quay về không?”.
Ân vẫn để câu nhắn dù bạn bè có chửi thế nào. Bởi anh mong, một ngày nào đó... Hiên sẽ đọc.
Trần Quỳnh Như