Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
(Vũ Đình Liên)
Mới bảnh mắt, người ta đã ới nhau: “Còn một ngày nay thôi đấy. Cứ rề rà rồi gác việc đến sang năm!”. Phải, hôm nay đã là ba mươi Tết, qua một đêm sẽ là...sang năm! Cái sang năm xa lắc xa lơ trong ký ức, cái sang năm chầm chậm ngày nào giờ đang rõ dần, nhanh dần trong mắt, trong tai và cả trong tâm trí Thuận. Mẹ anh càu nhàu: “Một tháng ba mươi ngày, không ở nhà lấy một ngày. Hôm nay còn bộ lư đèn làm sao chà bóng cho kịp”. Ừ nhỉ, cái bộ lư đèn bằng đồng đặt trên tủ thờ từ khi Thuận mới đi lẫm chẫm đã nhìn thấy nó, qua bao nhiêu năm vẫn đứng lặng lẽ chứng kiến mọi thăng trầm trong gia đình. Bộ lư có từ thời ông nội. Hồi đó cả nhà còn phải lo toan đủ thứ chuyện, không ai nghĩ gì về một món “xa xỉ” nào khác không thiết thực với đời sống hàng ngày. Thiếu mấy thứ đó cũng chẳng sao, cái ăn cái mặc mới gớm, cái bệnh cái nạn lại càng gớm vô cùng.
Dạo ấy ông nội Thuận bị bệnh cũng khá nặng, người cứ lọm khọm, vàng vọt chẳng cách nào chữa dứt. Mẹ phải bán hai con heo tạ, gác việc lo Tết để ông đi chạy bệnh. Đi từ sáng tới chiều, thấy ông mang về bộ lư đồng do anh xe thồ đèo, trông hớn hở ra mặt. Cho đến giờ, Thuận vẫn nhớ như in cái “sự kiện” nhỏ nhoi mà vô cùng quan trọng đó của gia đình, cho dù sau này trong đời Thuận có nhiều chuyện “to tát” hơn nhưng chưa chắc đã quan trọng bằng. Lúc bấy giờ là cháu út, Thuận cứ chạy lăng xăng tíu tít cả lên:
- Cái gì vậy ông nội? Cái gì đẹp quá hè!
Ông nội cười chúm chím, vuốt chòm râu lơ thơ rồi âu yếm nhìn cháu:
- À, bộ lư đó con. Cái này để trên bàn thờ tổ tiên ông bà cho ấm cúng, một đời nội mới sắm được đó. Con biết nó được làm bằng gì không? Bằng vỏ đạn đó.-Ông lẩm bẩm như nói một mình. Nghĩ cũng hay thiệt, hồi xưa mình góp lư đồng đúc đạn, bây giờ lại lấy vỏ đạn làm lư đồng!
Thấy đôi mắt thơ ngây của Thuận tròn xoe chẳng hiểu chuyện gì, nội ôm cháu vào lòng như cố truyền niềm vui của mình sang:
- Ngày xưa chống Pháp, Chính phủ phát động tuần lễ vàng và tuần lễ đồng. Nhà mình nghèo chỉ có mỗi bộ lư, ông thuyết phục mãi, bà cố con mới chịu cho góp vào kháng chiến. Nội hứa hòa bình sẽ sắm lại để thờ phụng ông bà. Nhưng rồi lại tiếp tới chiến tranh, cha con phải ra trận rồi không về. Nội chưa có dịp thực hiện lời hứa với bà cố. Bây giờ sắp theo bà rồi, may gặp một đồng đội cũ làm nghề này, vậy là nội mua luôn. Cháu biết không, trong làng chẳng mấy nhà có bộ này đâu. Dành dụm mãi ông mới sắm được đó. Sau này con lớn, con có cái mà thắp nhang cho ông, hỉ?
Từ nãy giờ mẹ Thuận như lặng đi, nghe đến đây không kìm nổi nữa, chen vào góp lời, không ra trách móc cũng chẳng ra tán đồng, cái thứ tiếng nói bị kẹt giữa đêm và ngày, giữa kìm nén và bùng nổ:
- Con không hiểu cha nghĩ làm sao lại lấy tiền chạy thuốc đi mua ba cái thứ này. Cha không tiếc thân mình thì cũng nghĩ tới tụi con một chút chớ. Lúc này chưa sắm được thì lúc khác, cái sức khỏe là quan trọng hơn hết…
Ông nội lại thong thả vê một điếu thuốc (cái này ông không bỏ được!), tay run run bật mãi, cái máy lửa cũ kỹ mới khẹt khẹt một chút vào tim gòn đã có mòi khô dầu:
- Tao không biểu tụi bay lo. Tao mua cái này, chết có đem theo được đâu mà tụi bay cự. Nó còn đấy tụi bay không ưng thì bán lại, nhưng tao còn sống được ngày nào để tao ngó qua một chút, tao thờ ông bà. Bệnh không còn chữa được thì phí tiền làm chi cho mệt.
Nói xong, ông bước lại tủ thờ, dọn dẹp để đặt bộ lư lên. Dù sao việc cũng đã rồi, mẹ bỏ xuống bếp, chuẩn bị bữa chiều, vừa làm vừa lẩm bẩm: “Khổ quá, có ai tiếc gì với cha đâu. Nhưng bệnh còn nước còn tát chớ, ai làm vậy bao giờ!”.
Cái tủ thờ bám đầy bụi giờ được quan tâm đặc biệt, sao cho xứng với báu vật mà nội đem về. Tủ này cũng đã lỗi thời, nhưng mẹ Thuận bảo phải đổi mấy chục giạ lúa mới có được. Nó được làm bởi một anh thợ vụng trong họ. Anh này không có đạo đức nghề nghiệp gì ráo, cứ quan trọng hóa vấn đề lên để đòi thêm tiền, kết cuộc là giao lại chiếc tủ rất giản đơn, không chạm trổ gì cả. “Để cho dễ lau chùi, cái mà các người gọi là đẹp chỉ rườm rà bụi đóng mà thôi!”-Anh ta biện bác. “Thôi, cho qua” - Cha Thuận về phép tặc lưỡi - “Chẳng lẽ trả tủ đi lại tiền để nó hẹn đến mồng thất, rồi cuối cùng tủ chẳng có tiền cũng không?”. Thế là cái tủ ung dung ngự ở giữa nhà, nơi trang trọng nhất của gia đình. Lúc đó ông nội chẳng bình luận gì về cái tủ, chỉ vu vơ: “Còn thiếu có bộ lư!”.
Tưởng ông nói có vậy rồi thôi, không ngờ cái khát vọng ấy nó cứ canh cánh trong lòng ông mà không ai hay. Ý tưởng dù hay dù dở, hễ có nung nấu ắt có thực hiện khi gặp dịp. Thế nên nội đã chẳng ngần ngại khi dùng tiền chạy bệnh đưa bộ lư về- cái mà lúc đó dân làng còn cho là “xa xỉ”-mặc cho cha mẹ Thuận có phiền lòng vì sử dụng tiền sai mục đích, như cách nói của cánh ngân hàng ngày nay. Và bây giờ bộ đèn - lư đồng đã ngự trên tủ thờ trông khá… hoành tráng, thỏa lòng ao ước ấp ủ bấy lâu của nội. Mẹ Thuận đã dọn cơm lên, nhưng ông không ăn, hình như không còn thấy đói là gì, không biết vì giận mẹ hay vì vui với bộ lư đồng. Thuận cũng không ăn mà mon men theo nội. Ông đưa tay rờ rẫm từng bộ phận món đồ, nét mặt như giãn ra, thư thái. Bộ đồ đồng không chỗ nào còn ám bụi, vậy mà nội cứ săm soi rồi lau hoài. Hình như được chăm sóc, thậm chí nhọc công về một vật gì mình thích, con người lại thấy sung sướng hơn là được nghỉ ngơi (như sau này Thuận sắm được chiếc xe máy đầu tiên, tối ngày cứ săm soi lau chùi mãi). Thế nên nội lau hoài, lau hoài… Bộ đèn - lư như còn bóng hơn cả lúc mới mua, nếu ai nhìn gần có thể thấy rõ mắt mình từ trong ấy đang chớp chớp nhìn ra, đen láy.
*
* *
Nội mất
Thật tình mà nói, ở tuổi nội, nhiều người cũng đã về với đất, đã tự nhủ như vậy mà sao Thuận vẫn thấy xốn lòng. Cũng là điều dễ hiểu bởi ngày còn bé Thuận thường hay quấn quít bên ông.
Những cái Tết tuổi thơ Thuận trôi qua êm đềm như cuộc sống làng quê. Mẹ và các chị thường chạy việc tối ngày. Nhà chỉ còn hai ông cháu lo dọn dẹp, sắp xếp lại mọi thứ để đón Tết. Cũng chẳng có gì nhiều, chỉ rong cái hàng rào tre, quét mấy chòm mạng nhện, nhổ mấy bụi cỏ bên hàng vạn thọ trước thềm, vậy mà sao cảnh nhà như mới hẳn ra, sáng sủa hẳn lên. Tết rồi đấy, nội bảo. Ờ, nghĩ cũng lạ, chỉ bớt cái này thêm cái kia cho khác với thường ngày đã là Tết. Kỳ diệu mà đơn giản làm sao.
- À, chưa thiệt là Tết đâu, còn một việc nữa!- Đang lom khom dọn cỏ nội bỗng nhớ ra.
- Gì vậy nội?
- Bộ đèn - lư. Ông cháu mình còn phải chà bóng nữa chớ!
Thuận biết, chẳng phải đợi đến lúc ấy nội mới nhớ ra, mà từ mấy hôm trước, ông đã đi gom lá thơm, lá me, khế chua… đập dập ngâm nước với bộ đồ đồng để chúng kịp “nhả” lớp bụi thời gian của một năm trời, rồi sau đó hai ông cháu mới dùng tro bếp kỳ cọ cho đến bóng lộn mới thôi. Công việc này không mấy nặng nề nhưng chóng mỏi tay đối với Thuận, thành ra thuở nhỏ trong các khâu chuẩn bị Tết, Thuận chán nhất là cái khoản chà đèn. Trong bộ đồ đồng ấy, công việc mà Thuận vừa thấy nhọc lại vừa thích làm là kỳ cọ con kỳ - lân. Sau này đi học, có “thuyết” cho rằng đó là con sư tử, và múa lân dịp rằm Trung thu lại được nhà trường gọi là múa sư tử! Thuận thắc mắc, sư tử làm gì phun lửa được như lời ông nội bảo. Với lại trong tứ linh, long và lân là hai loại thuộc về truyền thuyết kia mà? Thôi, ai muốn kéo lân về làm sư tử thì kệ họ, riêng Thuận chẳng muốn theo. Kỳ lân thổi lửa pho pho, ông nội hay nói câu này lắm, cũng như hễ là rồng thì phải biết phun nước làm mưa vậy. Thuận tin điều ấy bằng tất cả sự hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ. Vậy nên công việc chà đèn có đôi phần thú vị khi Thuận gọi đó là “tắm lân”. Từ cái vành tai, kẽ mắt, chiếc đuôi đến bộ vó của lân, Thuận say mê chà xát tỉ mẩn đến sạch bóng. Hai mái đầu một già một trẻ chụm lại kỳ cọ từng kẽ lư, từng vòng đèn mất cả buổi mới xong việc. Khi bày lên tủ thờ, màu đồng của bộ lư đèn tỏa ra một thứ ánh sáng vừa ấm cúng vừa trang nghiêm, làm cho gian nhà trở nên “bề thế” hơn, tạo ra cảm giác có không khí của ngày Tết. Quả như lời ông nói, Tết vẫn chưa phải là Tết khi bộ lư đèn chưa chà xong.
*
* *
- A, cậu út đây rồi, mẹ bảo cậu đưa bộ lư cho tụi cháu mang đi chà máy luôn thể.
Hai đứa cháu nhìn Thuận chờ đợi. Ngần ngừ giây lát, anh lắc đầu:
-Thôi, bữa nay rảnh, để cậu chà tay.
Lũ cháu tròn mắt nhìn anh, không hiểu. Nhưng nhiều việc bận bịu rộn ràng của mùa xuân đang đến đã giục chân chúng chạy đi.
Thằng con trai mới lên ba bi bô theo anh, lại có vẻ thích thú với cái mớ ngổn ngang đồng thau này. Nó lấy que gõ keng keng lên thành đèn, lên nắp lư rồi cười sằng sặc. Bộ này không có “chức năng” của chuông khánh, vậy mà âm thanh của nó cũng vui tai ra phết, nhưng phải là thằng nhóc lẫm chẫm gõ vào mới rộn ràng giục giã, mới gọi lòng người (nếu tuổi như Thuận mà ngồi gõ thì chẳng ra làm sao!). Nhưng bây giờ tiếng đồng kêu của thằng cu đã lay Thuận về với những ngày bên nội. Lúc ấy anh ngồi chồm hỗm, đôi tay đầy tro và lá dập xanh lè, vẫn không quên gõ vào thành đèn khi bên trong bên ngoài thau nước: keng…keng…cạch! Khuôn mặt nhăn nheo của nội bị xẹt đầy nước ngâm! Mẹ Thuận đang theo chảo rim gừng trong bếp, nhìn ra quát: “Cái thằng! Mày phá ông nội quá vậy? Hỗn!”. Thuận lo lắng nhìn nội. Không ngờ ông lại cười dễ dãi, lắc đầu, nói như để cho mẹ Thuận nghe: “Không sao, có phá mới có lớn chớ!”. Nội ít nói, mà nói câu nào Thuận thấy cũng hạp bụng mình cả, thiệt là mát ruột. Nghĩ đến đó, Thuận bỗng mỉm cười với thằng con trai. Nó tưởng anh khích lệ lại càng gõ dồn. Không sao, những vật bấy lâu im lìm cũng nên giúp chúng reo vui với đời một chút. Cũng như bộ lư đèn, mọi vật vô tri giờ bỗng như có hồn trước không khí Tết. Chúng như bừng thức sau chuỗi ngày bị quên lãng, có đó mà không ai để ý tới vì còn bận nhiều việc phải làm. Giờ đây mỗi thứ đều kêu gọi, mời mọc mùa xuân theo cách của mình, nhắc nhở người ta quan tâm tới chúng.
*
* *
Những năm sau này, Thuận vẫn duy trì việc chà đèn thủ công bằng thuốc tẩy. Nhắc lại chuyện đánh bóng bằng lá cây, bạn bè Thuận giễu: “Ông quê bỏ mẹ, chỉ cần mươi ngàn, thuê máy nó cạo cho một loáng là bóng rạnh”. Thuận chỉ cười, không cãi lại. Chúng nó nói đâu có gì sai, cũng hợp với quy luật phát triển cả mà. Nhưng cái lạ là Thuận thấy mình cũng không sai, không sai nhưng không cắt nghĩa được cho chúng hiểu. À phải rồi, mỗi năm một lần, khi ngồi cặm cụi với bộ đèn lư đón Tết, bóng dáng ông nội như vẫn ngồi bên Thuận, lặng lẽ cùng Thuận gột rửa lớp bụi thời gian phủ trên mặt đồng, tìm lại mùa xuân, tìm lại bóng hình bà cố, bóng hình cha Thuận, và bây giờ là bóng hình ông nội… Mà điều này thì mấy ai hiểu. Chỉ có mùa xuân hiểu cho lòng Thuận là ấm áp lắm rồi.
Huỳnh Quốc