Ngày 11/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp và kỷ niệm ngày Dân số thế giới (11/7) do Bộ Y tế phát động với chủ đề "Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững".
Theo đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội Thành phố; trong đó, thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu về quy mô dân số, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên đến cuối năm 2023 là 0,73%, tỷ lệ tăng dân số cơ học là 0,68%. Nhìn chung, quy mô dân số TP Hồ Chí Minh vẫn tăng chậm, tính đến cuối năm 2023 là 9.456.661 người.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Năm 2023, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 85%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 82%; cùng với đó là kiểm soát có hiệu quả tình trạng mất cân cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh được duy trì ở mức 106 đến 107 trẻ nam/100 trẻ nữ. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường. Năm 2023, tuổi thọ trung bình của người dân thành phố ở mức khá cao, đạt 76,5 tuổi, so với cả nước là 73,7 tuổi.
Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh hiện đang được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp trong cả nước. Số liệu thống kê năm 2023 cho thấy, số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở thành phố là 1,32 con.
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục dân số gia đình cho biết, do tỷ lệ sinh thấp nên Thành phố bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số. Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Công an TP Hồ Chí Minh, năm 2023, số người cao tuổi (trên 60 tuổi) của thành phố là 1.135.889 người, chiếm tỷ lệ 12,05%.
Theo Chi cục trưởng Chi cục dân số gia đình, trong điều kiện kinh tế Thành phố tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa cao, hội nhập quốc tế sâu rộng, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như: già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội... Tất cả những hệ luỵ đó nếu không được giải quyết thoả đáng sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển của Thành phố trong tương lai không xa.
Để giải quyết tình trạng mức sinh thấp của Thành phố, ngành y tế kêu gọi người dân cùng chung tay, đồng tình ủng hộ thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con”. Việc sinh đủ hai con sẽ góp phần cải thiện mức sinh của Thành phố, kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.
Ngoài ra, ngành y tế phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp năm 2023. Chiến dịch được triển khai tại 159 phường, xã, thị trấn của 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức từ ngày 7/7 đến hết ngày 31/8; trong đó tập trung khám sức khỏe trước khi kết hôn, thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh...