Nhiều thiệt hại do mưa lớn tại TP Hồ Chí Minh

Theo thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh, trận mưa lớn kỷ lục kéo dài nhiều giờ đồng hồ vào chiều tối 6/8 đã nhấn chìm hàng chục tuyến đường, gây ra nhiều thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng, tài sản và cuộc sống người dân của Thành phố Hồ Chí Minh.

Mưa lớn bắt đầu vào khoảng 17 giờ ngày 6/8 kéo dài đến khuya đã khiến rất nhiều khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh chìm trong biển nước. Chỉ sau 10 phút, hàng chục tuyến đường đã bị nước ngập, có nơi ngập sâu đến nửa mét khiến nhiều phương tiện giao thông chết máy. Dọc trên các tuyến phố, nước tràn vào nhà nhiều hộ dân hai bên đường, mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán phải dừng lại.

Chú thích ảnh
Các phương tiện vất vả băng qua dòng nước ngập trên đường Bàu Cát (Quận Tân Bình). 

Thống kê từ Trung tâm Chỉ huy Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh, cơn mưa lớn tối 6/8 đã gây ngập 38 tuyến đường, làm hư hỏng gần 1.500 xe gắn máy và hơn 100 xe ô tô do ngập nước, thiệt hại ban đầu ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Để ứng phó với tình trạng mưa ngập trên diện rộng, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố đã điều động hơn 60 lượt xe, 381 cán bộ, chiến sĩ và 70 máy bơm tham gia cứu hộ tại các điểm ngập xảy ra trên địa bàn thành phố để hỗ trợ người dân, trong đó chú trọng các điểm ngập úng tại nhà dân, tầng hầm các tòa nhà cao ốc và hầm chui; may mắn đã không xảy ra thiệt hại về người.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đây là trận mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay, với lượng mưa đo được từ 90 - 150mm, một số khu vực như Thanh Đa, Cát Lái, Nguyễn Hữu Cảnh vượt ngưỡng 200mm, xấp xỉ mức kỷ lục của trận mưa lịch sử năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của rãnh áp thấp hoạt động mạnh kết hợp với gió mùa Tây Nam cường độ cao đã gây ra trận mưa dữ dội tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ nói chung.

Do lượng mưa lớn kéo dài, tại các tuyến đường Cây Trâm (Quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (Quận 12), Võ Văn Ngân (Quận Thủ Đức), Ung Văn Khiêm (Quận Bình Thạnh), nước ngập diện rộng khiến người đi đường phải vất vả vượt qua vùng ngập. Nhiều hộ dân đã phải đắp bao cát cao gần nửa mét để chắn nước, nhưng vẫn không thể ngăn dòng nước tràn vào nhà.

Còn tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), nước ngập sâu gần 5 tiếng đồng hồ mới bắt đầu rút, có đoạn ngập sâu gần 1m khiến tất cả các chuyến xe bị xuất bến trễ; hàng chục xe máy trong bãi đỗ của bến xe bị hư hỏng do ngập nước; toàn bộ khu vực nhà chờ phải đóng cửa do nước bẩn, rác thải tràn vào khắp sàn… Sau cơn mưa, khu vực đường Đinh Bộ Lĩnh (Quận Bình Thạnh) xảy ra ách tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài hơn 1km, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Tại giao lộ Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh (Quận Gò Vấp), sau trận mưa xuất hiện một hố "tử thần" có đường kính khoảng 2m, nằm ngay ngã tư khiến giao thông qua khu vực bị cản trở; các cơ quan chức năng lập tức đã có mặt tại khu vực này để điều tiết giao thông, rào chắn khu vực, đảm bảo an toàn cho người dân. Nguyên nhân gây sụt đường là do cống sắt cũ lâu năm nằm bên dưới bị bục vỡ làm nước chảy ra ngoài, gây xói mòn đất xung quanh; lực lượng chức năng sau đó đã cho thay thế hai đoạn cống bê tông mới và san lấp, tái lập lại mặt đường ngay trong đêm để không cản trở lưu thông.

Theo Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, công suất thiết kế hệ thống thoát nước của thành phố hiện nay chỉ chịu được lượng mưa 85,36 mm cho tuyến cống cấp 1 trong 3 giờ, khoảng 140mm cho tuyến cống cấp 2 trong 1 giờ 30 phút, trong khi trận mưa ngày 6/8 vượt ngưỡng 100mm tại hầu hết các điểm ngập, một số khu vực gần 200mm đã vượt quá sức chịu đựng của hệ thống thoát nước thành phố.

Một nguyên nhân khác, theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là tình trạng tắc nghẽn, thu hẹp các miệng cống do người dân xả rác bừa bãi lâu ngày đã khiến nhiều tuyến cống bị tê liệt, không còn khả năng thoát nước. Việc này đã khiến những khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc các phường Bến Thành, Bến Nghé của Quận 1 vốn không phải là những điểm trũng, có hệ thống thoát nước được đầu tư mới nhưng trong trận mưa vừa qua vẫn bị ngập rất nặng.

Ngày 7/8, Đài khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ đưa ra cảnh báo mới về việc Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có mưa to đến rất to vào chiều tối nay. Đợt mưa diện rộng này có khả năng sẽ kéo dài đến ngày 15/8. Đài Khí tượng cũng cảnh báo các khu vực trũng, thấp và có hệ thống thoát nước hoạt động kém ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có nguy cơ ngập úng trong những ngày tới.

Tin, ảnh: Hồng Giang (TTXVN)
Nghệ An và Hà Tĩnh gồng mình trước mùa mưa bão
Nghệ An và Hà Tĩnh gồng mình trước mùa mưa bão

Mùa mưa bão, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thường bị ảnh hưởng rất nặng nề do thiên tai để lại. Vùng ven biển bị nước dâng, triều cường; vùng đồng bằng bị tác động của bão, lụt, úng; vùng miền núi bị ảnh hưởng của lũ, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Chính vì vậy, việc đầu tư, duy tu, đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống bão lụt, ngăn triều cường, sạt lở, thủy lợi, cụ thể là các tuyến đê sông, đê biển để bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất cho người dân “khúc ruột miền Trung” là điều vô cùng bức thiết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN