Lối thoát cho cuộc khủng hoảng kéo dài 14 tháng nay tại Xyri vẫn chưa ló dạng khi mà các bên vẫn bất đồng về những bước đi tiếp theo nhằm giải quyết khủng hoảng và đặc phái viên Kofi Annan đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nội chiến toàn diện.
Khói lửa bao trùm một đường phố ở thủ đô Đamát ngày 31/5. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Phe đối lập ở Xyri ngày 31/5 đã ra tối hậu thư yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad trong vòng 48 giờ phải tuân thủ kế hoạch hòa bình sáu điểm do Đặc phái viên chung Liên hợp quốc (LHQ) - Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan đưa ra nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 14 tháng nay tại nước này. Người phát ngôn của lực lượng Quân đội Tự do Xyri (SFA) tuyên bố: “Lãnh đạo SFA thông báo cho chính quyền hạn chót đến 12 giờ địa phương (9 giờ GMT, tức 16 giờ VN) ngày 1/6 phải thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, nếu không chúng tôi sẽ từ bỏ mọi cam kết và có hành động bảo vệ dân thường, các làng mạc và thành phố”. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng phe đối lập Xyri hiện rất chia rẽ và người ta không biết liệu SFA có bao nhiêu quân.
Trong khi đó, cuộc họp kín của HĐBA LHQ về Xyri kết thúc ngày 31/5 đã không đưa ra được bất kỳ quyết định cụ thể nào, đặc biệt trong vấn đề trừng phạt Đamát.
Tại cuộc họp, Đặc phái viên Annan đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng tại Xyri có thể trở thành một cuộc “nội chiến toàn diện” nếu chính quyền Đamát và phe đối lập vũ trang không tiến hành các cuộc đàm phán chính trị cụ thể. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Phó Đặc phái viên quốc tế về Xyri, ông Jean-Marie Guehenno, khẳng định các bên tại Xyri cần tiến hành đàm phán chính trị cùng với việc thực thi kế hoạch hòa bình của ông Annan mới có thể phá vỡ vòng xoáy bạo lực hiện nay và vãn hồi hòa bình thật sự tại Xyri. Ông Guehenno nhận định, điều tối quan trọng là phe đối lập vũ trang tại Xyri cần phải hạ vũ khí, đồng thời cảnh báo về khả năng các nhóm vũ trang và khủng bố bên ngoài sẽ lợi dụng tình trạng bất ổn hiện nay tại Xyri.
Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Susan Rice cảnh báo, nếu HĐBA không kịp thời gia tăng sức ép lên Xyri, Mỹ và đồng minh có thể cân nhắc “hành động” bên ngoài LHQ. Tuy nhiên, bà Rice không cho biết cụ thể “hành động” này là gì.
Về phía Nga, Đại sứ nước này tại LHQ, ông Vitaly Churkin, đã lên tiếng phản đối việc gia tăng áp lực lên Đamát thông qua các biện pháp trừng phạt của LHQ. Ông Churkin cũng cho rằng việc nhiều quốc gia trục xuất các nhà ngoại giao Xyri có thể bị hiểu nhầm là một điềm báo trước cho hành động can thiệp quân sự tại Xyri. Trước đó, Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, cho biết lập trường của Mátxcơva trong vấn đề Xyri sẽ không thay đổi bất chấp sức ép từ các nước khác.
Trung Quốc cùng ngày kêu gọi cộng đồng quốc tế dành thêm thời gian để kế hoạch hòa bình ở Xyri của Đặc phái viên Annan phát huy hiệu quả. Bắc Kinh cho rằng không thể có được giải pháp tức thời cho một cuộc khủng hoảng phức tạp như vậy.
Cũng trong ngày 31/5, lãnh đạo các nước Mỹ, Pháp, Đức và Italia đã tổ chức hội nghị trực tuyến thảo luận về sự cấp thiết phải chấm dứt tình trạng bạo lực đang leo thang tại Xyri. Nguyên thủ các nước cùng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc chính phủ Xyri phải “chấm dứt tình trạng bạo lực” cũng như “tính cấp thiết phải đạt được một quá trình chuyển giao chính trị tại quốc gia này”.
Hồng Hạnh (tổng hợp)