Xóa nghèo bền vững bằng giải pháp tín dụng ưu đãi

Có một “khoảng trống” trong việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước để xóa đói giảm nghèo là các hộ cận nghèo đang chưa được vay vốn sản xuất, trong khi mức chênh lệch với hộ nghèo chỉ là 1.000 đồng/người/tháng. Vậy giải pháp nào để lấp đầy “khoảng trống” trên?

 

Hiệu quả và băn khoăn từ thực tế


Sau gần 10 năm thành lập, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) đã đạt được những kết quả to lớn, được chính quyền và nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc miền núi đánh giá cao. Tính đến 31/5/2012, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH đạt 107.262 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 34%, với gần 6,9 triệu khách hàng còn dư nợ, tăng hơn 4 triệu khách hàng so với thời điểm nhận bàn giao.

 

Ông Đinh Ngọc, dân tộc Ba Na ở làng Pa Pết, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai được vay 10 triệu đồng của NHCSXH để trồng hồ tiêu, cà phê, nay đã thoát nghèo với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

 

Dư nợ bình quân từ 2,5 triệu đồng/hộ (năm 2003) đã tăng 8,9 triệu đồng (thời điểm tháng 5/2012), với hơn 11,4 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn. NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng hợp lý, huy động được sức mạnh tổng hợp của chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể tham gia, thực hiện công khai dân chủ, giao dịch tại xã tạo thuận lợi cho người dân... Tác động của chất lượng tín dụng cũng ngày càng lớn (2,5 triệu hộ thoát nghèo; tạo việc làm mới cho gần 2,5 triệu lao động; 2,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng 3,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh...) góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội ở các địa phương.


Hiệu quả là vậy, nhưng nhiều địa phương cũng băn khoăn trước việc hỗ trợ tín dụng cho các hộ vừa mới thoát nghèo để giúp họ thoát nghèo bền vững. Bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Long An nhận xét, có nhiều hộ vừa mới thoát nghèo, nếu rút ngay chính sách thì họ không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng thương mại. Bởi vậy cần có chính sách cho họ tiếp tục vay với lãi suất cao hơn hộ nghèo nhưng vẫn có ưu đãi. Cùng quan điểm trên, bà Trương Thị Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu (Tây Ninh) cho biết: Mỗi năm huyện đều chọn 1 xã điểm để đẩy mạnh thi đua xóa đói giảm nghèo và hiệu quả từ phong trào này phần lớn từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Vì vậy huyện cũng đề nghị mở rộng đối tượng cho vay là hộ cận nghèo để xóa nghèo bền vững. Còn ở cấp cơ sở, ông Mai Thành Năm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh (một huyện trong Chương trình 30a của tỉnh Bình Định) cũng băn khoăn, mức chênh lệch hộ nghèo và cận nghèo ít nên khi bình chọn để xét cho vay ưu đãi cũng rất khó khăn, gây tâm lý so bì giữa người được và người không.

 

Giúp hộ cận nghèo vươn lên


Trên thực tế, xác định tín dụng ưu đãi là một giải pháp giảm nghèo cơ bản và bền vững, một số địa phương đã có chủ trương hỗ trợ cho hộ cận nghèo vay vốn. Quỹ cho vay giải quyết việc làm của tỉnh Hà Nam cho vay cả đối tượng cận nghèo tương tự như với hộ nghèo. Chương trình xuất khẩu lao động của tỉnh Lâm Đồng cho đối tượng chính sách vay với lãi suất bằng 1/2 các đối tượng khác, trong đó cấp bù lãi suất cho hộ cận nghèo từ nguồn ngân sách tỉnh.

 

Còn ông Lê Văn Chí, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai cho biết: Những hộ vừa thoát nghèo rất cần vốn để duy trì sản xuất kinh doanh nên chi nhánh đã tranh thủ tối đa nguồn vốn từ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để “tiếp sức” hộ cận nghèo... Tuy vậy, những giải pháp trên giúp hộ cận nghèo vẫn chỉ mang tính đơn lẻ ở một vài chương trình chứ chưa được triển khai như một đối tượng chính thức của nguồn vốn tín dụng ưu đãi.


Ngày 10/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 852/QĐ - TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững. Trong đó, mục tiêu tổng quát được xác định là: Phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.


Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015: Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống. Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6 triệu đồng/người/năm) trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng. Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.

Nghị quyết số 26/2012/QH13 của Quốc hội về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng đã xác định: Tăng thêm nguồn vốn cho NHCSXH để tăng mức cho vay, nhất là cho chăn nuôi gia súc, gia cầm; mở rộng đối tượng hộ cận nghèo được vay vốn của NHCSXH, phát triển thêm các ngành nghề ở nông thôn...


Chủ trương lớn đã có, việc triển khai trên thực tế cần khẩn trương để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Mới đây, khi trả lời phỏng vấn của Báo Tin tức, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết: NHCSXH đã có đề án về việc phục vụ đối tượng hộ cận nghèo theo hướng mức cho vay, thủ tục như hộ nghèo, nhưng lãi suất xấp xỉ hoặc ngang bằng lãi suất thị trường. Với cách này, ngân sách Nhà nước sẽ không bị ảnh hưởng vì không phải cấp bù lãi suất, chi phí NHCSXH tăng không đáng kể, điều quan trọng là hộ cận nghèo được tiếp cận vốn vay và hưởng ưu đãi về cách thức phục vụ.


Bài và ảnh: Ngọc Tú

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN