Ở trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) năm nào cũng có tình trạng học sinh tự ý bỏ học để .... lập gia đình. Theo cô Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Hợp, trong năm học 2014 - 2015, trường có 19 trường hợp học sinh dân tộc Ba Na nghỉ học, trong đó 3 trường hợp nghỉ học để lập gia đình. Trong học kỳ I năm học 2015 - 2016 vừa qua ở trường cũng có thêm 2 trường hợp nghỉ học để lập gia đình. Số học sinh nghỉ học để lập gia đình chủ yếu là học sinh lớp 11, 12, nhưng cũng có vài trường hợp là các nữ sinh khối lớp 7, 8, 9.
Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào Ba Na tại Bình Định. Ảnh: baobinhdinh.com.vn |
Theo Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Vĩnh Thạnh Đặng Thị Ngọc Kiều, nhận thức của đồng bào dân tộc miền núi đối với việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình còn nhiều hạn chế. Số vụ tảo hôn trên địa bàn huyện liên tục tăng trong những năm gần đây, năm 2011 có 7 trường hợp thì năm 2015 đã có 16 trường hợp tảo hôn được ghi nhận. Ngoài ra còn những trường hợp tại vùng sâu, vùng xa tự ý đến sống với nhau mà không tổ chức cưới, cơ quan chức năng rất khó có con số thống kê chính xác.
Không chỉ ở huyện Vĩnh Thạnh, huyện miền núi Vân Canh cũng là điểm nóng của tình trạng tảo hôn. Năm 2015, toàn huyện có 52 trường hợp tảo hôn (năm 2011, toàn huyện có 26 trường hợp). Đáng chú ý, trong 21 trường hợp tảo hôn xảy ra ở xã Canh Hiệp, có 2 em gái chỉ mới 15 tuổi và 2 em mới 14 tuổi. “Số em gái chiếm đến 75% tổng số trường hợp tảo hôn. Đây là tỉ lệ rất cao so với nam giới, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, đặc biệt là về sức khỏe của mẹ và trẻ khi các em sinh con sớm”- Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Vân Canh Trần Thị Ngọc Như cho biết.
Trước thực trạng tảo hôn ngày càng nhức nhối, UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh. Đề án gồm các hoạt động chính: Khảo sát, đánh giá thực trạng và kết quả thực hiện đề án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong hôn nhân và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền; xây dựng, triển khai, nhân rộng mô hình điểm đối với địa bàn vùng dân tộc thiểu số có tỉ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức tham gia thực hiện đề án; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội.
Để đề án trên đạt được kết quả tốt, cần sự ủng hộ, phối hợp của người dân, nhất là trong cộng đồng người Ba Na. Đó là nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa Ba Na Yang Danh, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. Ông Yang Danh cho biết: Người Ba Na ít khi nhắc nhở mà để cho con tự do quyết định trong mọi việc. Do đó, muốn ngăn chặn tảo hôn, trước hết phải tuyên truyền, tác động cho gia đình, phụ huynh có ý thức về thực hiện luật Hôn nhân và Gia đình. Để việc tuyên truyền thật tốt, phải nhờ các già làng, người uy tín trong cộng đồng dân tộc Ba Na khuyên bảo con cháu xóa bỏ tình trạng tảo hôn.