Xây dựng kênh truyền hình Quốc hội

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 18, sáng 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về việc xây dựng kênh truyền hình Quốc hội.


Thực hiện Nghị quyết 27 của Quốc hội, trong thời gian qua, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng Đề án cụ thể về Kênh truyền hình Quốc hội. Việc xây dựng Kênh truyền hình Quốc hội có thể tiến hành theo hai phương án. Phương án 1: Xây dựng Kênh truyền hình Quốc hội tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và phương án 2: Xây dựng Kênh truyền hình Quốc hội tại Văn phòng Quốc hội. Mỗi phương án đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Theo phương án 1 xây dựng Kênh truyền hình Quốc hội tại Đài Tiếng nói Việt Nam, VOV sẽ là cơ quan chủ quản của Kênh truyền hình Quốc hội, Văn phòng Quốc hội là cơ quan phối hợp để vận hành Kênh. Phương án 2 xây dựng Kênh truyền hình Quốc hội tại Văn phòng Quốc hội thì Văn phòng Quốc hội là cơ quan chủ quản của Kênh.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích, thảo luận những thuận lợi và khó khăn của mỗi phương án trên cơ sở hoàn cảnh thực tế của nước ta. Qua đó nhất trí với phương án 1 - giao cho VOV là cơ quan chủ quản của Kênh truyền hình Quốc hội nhằm tận dụng các thuận lợi sẵn có.


Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các bên liên quan trong thực hiện Đề án về Kênh truyền hình Quốc hội chuẩn bị thật chu đáo, triển khai khẩn trương, đảm bảo chất lượng của chương trình khi phát sóng; tổ chức thông tin thật tốt để phản ánh được các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân...


Trong ngày làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Quỳnh Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN