Bao đời nay, người Cơ Tu ở các huyện miền núi cao Tây Giang, Ðông Giang, Nam Giang (Quảng Nam) tích lũy nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt thú rừng. Đặc biệt, họ rất giỏi đan các ngư cụ để bắt cá dưới khe suối.
Già Đinh Lương (72 tuổi), dân tộc Cơ Tu cho biết: “Mùa xuân là thời điểm bắt đầu thời vụ sản xuất nhưng chưa tập trung. Khi ấy, đàn ông vẫn còn săn bắt thú trong rừng, đàn bà làm cỏ ở rẫy cũ để trồng bắp, gieo cải... Ðến đầu tháng giêng bắt đầu phát rẫy. Từ khoảng tháng tư, tháng năm là thời gian tập trung đốt rẫy, tỉa, làm cỏ... Tháng sáu, tháng bảy, khi mùa vụ tạm xong, nước suối cạn, phụ nữ Cơ Tu rủ nhau đi bắt cá dưới sông, suối để cải thiện bữa ăn”.
Vợt xúc cá của người Cơ Tu được làm bằng vỏ cây bhơnương. |
Người Cơ Tu bắt cá bằng các cách câu (h’béh), thả lưới (lái), hứng cá (aruung)… Ngoài ra, họ còn có kinh nghiệm bắt cá rất “khoa học” gọi là vieer (vêêr, hooi). Họ thường chọn con suối có hai nhánh, dùng đá ngăn dòng chảy một nhánh để nước cạn bắt cá, sau khi bắt xong, tháo nước cho chảy và tiến hành chặn dòng con suối bên kia… Cá bắt được, phụ nữ Cơ Tu thường làm các món lam trong ống lồ ô hoặc xông khói trên giàn bếp để giành ăn dần.
Vợ chồng già Lương đi xúc cá. |
Để bắt cá, người Cơ Tu ở vùng cao (CơTu Dal) thường tự làm vợt bắt cá. Vợt có thể được làm từ vỏ cây bhơnương hoặc lá dứa. Cây bhơnương mọc hoang dã hoặc được trồng trên nương rẫy, có thân nhỏ, dẻo, cao từ 1 đến 1,5 m, đường kính khoảng 0,5 cm. Vỏ cây này có hai lớp: lớp ngoài cùng là lớp vỏ bọc màu xám xanh, lớp thứ hai gồm những sợi nhỏ và được sử dụng lấy sợi. Phụ nữ Cơ Tu chặt cây bhơnương về, dùng dao bóc bỏ lớp vỏ ngoài, còn lại lớp vỏ lụa để lấy sợi. Sợi của cây bhơnương sau khi hong khô dưới bóng râm, những lúc nông nhàn, phụ nữ Cơ Tu thường dùng tay xe những sợi nhỏ lại với nhau trên bắp vế để cho chúng thêm chắc và quấn thành bó để đan dần.
Già Đinh Lương giới thiệu cây dứa bản địa của người Cơ Tu. |
Còn vợt đan bằng là dứa, theo bà Nguyễn Thị Cảnh (65 tuổi- vợ già Lương) thì, người Cơ Tu vùng thấp (Cơ Tu Phương), thường dùng lá cây dứa (giống dứa bản địa của người Cơ Tu) để lấy sợi đan võng, lưới, làm dây câu cá… nhưng chủ yếu là đan vợt xúc cá. Muốn đan vợt, phụ nữ Cơ Tu lên nương rẫy, cắt lá dứa mang về, phơi cho heo héo, sau đó dùng dao cạo lớp ngoài ở hai mặt lá, chỉ còn lại những sợi tơ trắng. Sau đó, xe những sợi tơ trắng này trên bắp vế để thành sợi tơ lớn hơn và dài hơn cuốn lại thành gùi để dùng dần.
Bà Nguyễn Thị Cảnh vá vợt đan bằng sợi thơm đã xe. |
Trước đây, muốn bắt được nhiều cá, người Cơ Tu dùng cách đơn giản nhất là cắt lá ngải (gờ ni), dùng chân đạp nát, sau đó thả trên đầu nguồn (khe nhỏ), cá bị cay mắt chạy lung tung, bấy giờ dùng vợt để vớt. Những lúc suối cạn, cả làng rủ nhau đi bắt cá. Họ sử dụng những cái vợt đan bằng vỏ cây để bắt, vớt cá rất hiệu quả. Do đông người lội, nước đục, cá trú trong các hốc, hang đá nghe động đi ra, cá không vào vợt này cũng vào vợt khác…
Vì vậy, vợt xúc cá được đan bằng vỏ hoặc lá cây là dụng cụ không thể thiếu của người Cơ Tu.
Bài và ảnh:Tiên Sa