Hoạt động này diễn ra theo lộ trình làm việc đã được thống nhất giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, chuẩn bị cho việc Việt Nam đăng ký vào cấp độ 2 thuộc Hệ thống sẵn sàng năng lực (PCRS) của Liên hợp quốc nhằm cử lực lượng cấp đơn vị tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (dự kiến trong lĩnh vực Quân y và Công binh).
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Tại buổi làm việc, Đại tá Hoàng Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, việc Việt Nam tham gia vào hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nhằm hiện thực hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế cũng như góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín về đất nước, con người và lực lượng vũ trang Việt Nam.
Theo Đại tá Hoàng Kim Phụng, chủ trương tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam nhận được rất nhiều quan tâm của lãnh đạo các cấp, các cơ quan, ban, ngành; thể hiện tinh thần xuyên suốt và thống nhất giữa các bộ, ngành.
Mục tiêu triển khai lực lượng của Việt Nam trong thời gian tới là tiếp quản thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Anh tại thành phố Bentiu (Nam Sudan), thuộc Phái bộ Gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan trong quý II/ 2018 và triển khai đơn vị Công binh tới một Phái bộ Liên hợp quốc phù hợp.
Hiện tại, các lực lượng trên đều đang trong giai đoạn chuẩn bị, huấn luyện chuyên môn, huấn luyện tiền triển khai, sẵn sàng nhận nhiệm vụ thực hiện Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ngay khi có yêu cầu của Liên hợp quốc.
Đoàn Khảo sát Đánh giá Liên hợp quốc đánh giá cao chủ trương và chính sách tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam, đặc biệt là chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh, đây là một yếu tố hết sức quan trọng và quyết định trong việc triển khai lực lượng tham gia Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc lâu dài.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Bianca Selway cho rằng, năng lực chuyên môn và công tác chuẩn bị lực lượng của Việt Nam cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, để triển khai thành công, Việt Nam cần chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo ngoại ngữ, sự hiểu biết và nắm vững về phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của các cán bộ, sĩ quan trong biên chế lực lượng.