Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2014 trên toàn cầu có hơn 2 tỷ người đã từng nhiễm vi rút viêm gan B và khoảng 130 – 150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 1 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan vi rút (chiếm khoảng 2,7% tổng số các trường hợp tử vong). Vi rút viêm gan B và C là nguyên ngân gây ung thư gan hàng đầu. Ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C.
Cục Y tế dự phòng cho biết: Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan của một nhóm dân cư từ 8 – 25% đối với vi rút viêm gan B và khoảng 2,5 – 4,1% với vi rút viêm gan C; đồng thời cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan A, D, E trong số các bệnh nhân viêm gan nhập viện. Trong số những người hiến máu lần đầu ở tuổi 18 – 60 tuổi, tỷ lệ người khỏe mạnh mang vi rút viêm gan B thay đổi theo từng địa phương, vùng, miền và dao động từ 15 – 25%. Tình hình nhiễm vi rút viêm gan B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tại Việt Nam cũng có tỷ lệ từ 10 – 20%. Đây là yếu tố quan trọng gây nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ em qua lây truyền mẹ con trong quá trình chuyển dạ đẻ; đồng thời cũng là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn tính ở trẻ em. Theo kết quả của các nghiên cứu trong nước và quốc tế, 90% số trẻ nhiễm vi rút viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành viêm gan B mạn tính. Viêm gan mạn tính là một vấn đề y tế nghiêm trọng ở Việt Nam và ung thư gan là một nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư.
Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của viêm gan vi rút. Nhiễm vi rút viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng; những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan. Có 5 loại viêm gan vi rút; trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể (tương tự với đường lây truyền HIV); viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự; viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân hoặc miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh. Trong 5 loại vi rút viêm gan, vi rút viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất.
Chưa có vắc xin dự phòng cho viêm gan C
Cục Y tế dự phòng khẳng định: Hiện nay chưa có vắc xin dự phòng viêm gan C nhưng đã có một số phác đồ điều trị mang lại hiệu quả đáng kể trong việc ức chế và loại trừ vi rút. Tuy nhiên, các chủng vi rút viêm gan C có mức độ đáp ứng khác nhau với các liệu pháp điều trị. Các phác đồ mới đây nhất sử dụng thuốc kháng vi rút thế hệ mới có thể điều trị thành công khoảng 70 – 90%. Các thuốc thế hệ mới có tác dụng trực tiếp lên vi rút là những thuốc có hiệu quả cao và có tác dụng với hầu hết các phân nhóm và ít độc hơn. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các thuốc này vẫn còn rất thấp do chi phí điều trị hiện còn cao. Mặt khác, việc không tuân thủ đầy đủ phác đồ có thể làm giảm hiệu quả của việc điều trị.
Thạc sỹ Vũ Ngọc Long, Cục Y tế dự phòng cho biết: Hiện nay công tác giám sát viêm gan vi rút tại nước ta được lồng ghép vào hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia và số liệu báo cáo chủ yếu dựa vào kết quả chẩn đoán lâm sàng, không quản lý đến từng ca bệnh. Việc thu thập số liệu về bệnh viêm gan vi rút ở nước ta theo hệ thống giám sát thường quy chỉ phản ánh được số bệnh nhân viêm gan do vi rút đến nhập viện mà không phân loại được theo chủng vi rút gây viêm gan. Vì thế, số liệu này chỉ ghi nhận được số người mắc viên gan tại bệnh viện mà không phản ánh được số hiện nhiễm hoặc đã từng nhiễm tại cộng đồng đối với từng loại vi rút viêm gan để từ đó xác định các hoạt động ưu tiên trong dự phòng viêm gan vi rút.
Hiện nay, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn hoạt động xét nghiệm chẩn đoán, theo dõi điều trị, sàng lọc trong truyền máu, giám sát điều tra tại cộng đồng. Trình độ và năng lực xét nghiệm vi rút viêm gan cũng rất khác nhau giữa các tuyến cũng như trong cùng tuyến từ trung ương cho đến tỉnh, huyện. Các phòng xét nghiệm của các bệnh viện tuyến huyện chủ yếu xét nghiệm được một số chỉ số về chức năng gan và thực hiện một số xét nghiệm về viêm gan vi rút bằng sinh phẩm nhanh, trong đó hầu hết các phòng xét nghiệm tuyến tỉnh, trung ương có thể thực hiện được các xét nghiệm huyết thanh học sử dụng kỹ thuật ELISA. Việc thực hiện các kỹ thuật sinh học phân tử về vi rút viêm gan còn hạn chế, mới ở một số đơn vị tuyến trung ương. Công tác đảm bảo chất lượng xét nghiệm về viêm gan chưa được triển khai đồng bộ. Hệ thống ngoại kiểm và nội kiểm để đánh giá và cải thiện chất lượng xét nghiệm viêm gan vi rút cũng chưa được thiết lập. Việc thực hiện dự phòng phổ cập chưa được quan tâm đúng mức cũng như chưa được kiểm tra đều đặn.
Bên cạnh đó, hiện nay, thông tin giáo dục truyền thông về bệnh viêm gan vi rút chủ được lồng ghép vào hoạt động tiêm chủng mở rộng nên các nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào công tác phòng chống bệnh viêm gan vi rút B và tiêm vắc xin viêm gan B phòng bệnh cho trẻ em.
Tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ dự phòng
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết: Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm do nhiều chủng vi rút viêm gan gây nên, trong đó bệnh viêm gan vi rút B và viêm gan vi rút C thường tiến triển thành các thể nặng như viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan và dẫn đến tử vong. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015 – 2019 với mục tiêu giảm lây truyền vi rút viêm gan và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan vi rút.
Theo đó, Kế hoạch tập trung vào các hoạt động như: Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của người dân, cán bộ y tế, chính quyền các cấp, các tổ chức trong nước và quốc tế đối với công tác phòng chống bệnh viêm gan vi rút; tăng cường công tác dự phòng lây nhiễm vi rút viêm gan, đặc biệt là viêm gan vi rút B và viêm gan vi rút C; dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Đồng thời, nâng cao năng lực hệ thống giám sát và thu thập số liệu để cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng chính sách và can thiệp nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút viêm gan trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế...
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh viêm gan vi rút B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vắc xin sớm và đúng qui định. Vắc xin viêm gan B được bắt đầu đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997 tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2003, vắc xin này được triển khai trên toàn quốc cho trẻ dưới 1 tuổi với tỷ lệ bao phủ đạt trên 90%. Việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu được bắt đầu triển khai từ năm 2006. Tỷ lệ này mặc dù đã đạt tới 74% vào năm 2012 nhưng đã giảm xuống còn 56% vào năm 2013 do tâm lý của cha mẹ cũng như cán bộ y tế lo sợ về tai biến của vắc xin mặc dù tai biến xảy ra trong năm 2013 không liên quan đến vắc xin... Đồng thời, Việt Nam cũng triển khai chiến lược phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con thông qua tiêm vắc xin cho trẻ trong 24 giờ sau sinh và hoàn thành đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B theo lịch tiêm chủng. Ngoài ra, việc xét nghiệm vi rút viêm gan B cho phụ nữ trước sinh đã được triển khai tại nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: Tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B. Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao nên tiêm vắc xin trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo đúng lịch tiêm chủng.