Ước mơ mang luật về bản

Người dân ở địa phương em còn ít hiểu biết về pháp luật và đôi khi hiểu sai nữa. Vì thế bà con thường bị kẻ xấu lợi dụng để tiếp tay cho chúng. Em quyết tâm thi vào Đại học Luật là mong muốn sau này có điều kiện trở về quê hương hướng dẫn và phổ biến pháp luật tới đồng bào”, đó là chia sẻ của Mã Thị Gấm (ảnh), dân tộc Tày, sinh viên Đại học Luật Hà Nội.

Mã Thị Gấm sinh ra và lớn lên ở một bản nằm lưng chừng núi, thuộc xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha Gấm trước đây từng là cán bộ quân y và ông nội là lão thành cách mạng. Vì vậy, ngay từ nhỏ, những câu chuyện kể về những tấm gương tham gia cách mạng của các bậc cha chú trong nhà đã ảnh hưởng sâu sắc tới em, thúc giục và động viên Gấm nuôi dưỡng niềm đam mê với các môn học khối C, đặc biệt là môn Lịch sử. Bắt đầu từ năm lớp 10, Gấm đã chọn vào lớp chuyên Sử của Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc. Với lòng đam mê sẵn có, nên năm lớp 10 và 11 em liên tiếp đạt hai giải ba môn Lịch sử toàn tỉnh. Và tới năm lớp 12, đạt giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử.

 

Giải thích về lý do chọn học luật chứ không tiếp tục học môn Lịch sử, Gấm cho biết: “Tuy môn Lịch sử là niềm đam mê của em, nhưng em nhận thấy người dân ở địa phương mình còn ít hiểu biết về pháp luật và đôi khi hiểu sai nữa. Vì thế, bà con thường bị kẻ xấu lợi dụng tiếp tay cho chúng. Em quyết tâm học luật là mong muốn sau này có điều kiện trở về quê hương hướng dẫn và phổ biến pháp luật tới đồng bào”. Kỳ thi đại học năm 2013, Gấm đăng ký thi vào Đại học Luật Hà Nội và trúng tuyển với số điểm rất cao là 27 điểm. Gấm chia sẻ phương pháp học của em chỉ đơn giản là học kỹ và nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa.

 

Khi được hỏi lên Hà Nội học xa nhà như vậy có buồn không, Gấm gật đầu rồi lại lắc đầu. Hỏi ra mới biết, từ lúc bắt đầu lên cấp II, do thành tích học tập xuất sắc nên em được tuyển thẳng vào Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc của tỉnh Thái Nguyên. Có được cơ hội ấy không phải dễ dàng bởi vùng đất em sinh ra nằm trong vùng rốn lũ của hồ Ba Bể. Mỗi năm đến mùa lũ thì mọi thành quả canh tác của bà con phần lớn đều bị mất trắng. Kinh tế khó khăn đã kéo tụt phong trào học tập của địa phương em. Nhìn thấy cảnh các bạn cùng trang lứa không có điều kiện học tiếp mà phải rời quê đi làm công nhân, cuộc sống rất bấp bênh, thế là cô bé dân tộc Tày năm ấy mới 11 tuổi, đã thuyết phục gia đình cho em tiếp tục theo học, rồi bước thấp bước cao đi 5 tiếng xe khách từ Bắc Kạn lên thành phố Thái Nguyên. Trong suốt 7 năm, từ bậc học cơ sở lên phổ thông trung học, chỉ có dịp lễ, Tết, Gấm mới có cơ hội về thăm nhà, vì vậy sống xa nhà đối với em đã thành quen. Bây giờ lên Hà Nội học, đồng nghĩa với việc em xa nhà thêm 2 tiếng xe khách nữa.


Vì những thành tích học tập, rèn luyện này, Mã Thị Gấm đã được biểu dương trong “Lễ biểu dương học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đỗ thủ khoa, điểm cao đại học, cao đẳng năm 2013” do Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Quỹ học bổng Vừ A Dính... đồng tổ chức vào giữa tháng 11 vừa qua. Lần đầu tiên được tham dự buổi lễ long trọng và cảm nhận được sự quan tâm của các vị lãnh đạo Nhà nước đối với những học sinh, sinh viên miền núi, dân tộc, Mã Thị Gấm cảm thấy như được tiếp thêm động lực vào mong muốn đem sức trẻ của mình đi xây dựng quê hương đất nước.


Bài và ảnh: Diệu Linh

1
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN