Cầu Bản được xây dựng vào năm 2009, từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ. Cầu có chiều dài 20m, rộng 5m, nối tuyến đường duy nhất của các thôn Yên Lập 1, Yên Lập 2 và Yên Lập 3, xã Yên Phú. Tuy nhiên, sau trận lũ quét vào tháng 4/2016, cây cầu này đã bị gãy trụ giữa, mặt cầu gãy làm đôi khiến việc đi lại của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Cầu Bản bị gãy đổ đã hơn một năm đến nay vẫn chưa được khắc phục. |
Ông Đặng Văn Chín, thôn Yên Lập 3, xã Yên Phú cho biết, từ khi cầu Bản bị gẫy, người dân phải đi qua suối rất nguy hiểm nhất là khi có mưa lũ. Ngoài ra, nông sản, hàng hóa do người dân ở đây làm ra thường xuyên bị thương lái ép giá, phải bán với giá rẻ, thậm chí là rất khó bán, ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cô giáo Vũ Thị Tú, Phụ trách điểm trường Mầm non thôn Yên Lập 3, xã Yên Phú cho biết, điểm trường Mầm non thôn Yên Lập 3 hiện có 38 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Không có cầu để đi lại, việc đến trường dạy học của các cô giáo trong điểm trường gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, vào những ngày mưa, nhiều gia đình không dám cho con đến trường vì nước suối dâng cao không an toàn.
Thôn Yên Lập 3 là thôn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của xã Yên Phú. Hiện thôn có với 64 hộ, 345 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, số hộ nghèo chiếm 80%. Kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi.
Bà Lê Thị Thu Trang, cán bộ Địa chính - Thủy lợi xã Yên Phú cho hay, ngay sau khi cây cầu bị gãy, xã đã báo cáo lên huyện nhưng do khó khăn về kinh phí đầu tư, đến nay việc sửa chữa, xây dựng cầu mới chưa biết khi nào sẽ được thực hiện. Chính quyền và nhân dân xã Yên Phú rất mong các cấp chính quyền địa phương và các bộ, ban ngành Trung ương xem xét sớm đầu tư, sửa chữa cầu Bản để tạo thuận cho việc đi lại của người dân nơi đây, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.