Ngày 19/11/2013, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc đã diễn ra tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), thu hút đông đảo du khách tham gia.
Ngày 19/11, triển lãm “Văn hóa truyền thống và trang phục các dân tộc Việt Nam”, một trong những hoạt động văn hóa mang nhiều ý nghĩa trong tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”, đã khai mạc. Triển lãm do Ban Quản lý Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang và nhà thiết kế thời trang Lan Hương (thành phố Hà Nội) thực hiện.
Lễ hội Căn Mường tại khu làng dân tộc Lự. Thanh Hà - TTXVN |
42 bộ trang phục, 50 sản phẩm dệt, thêu truyền thống và 200 tài liệu hiện vật văn hóa Khmer và các dân tộc Việt Nam được trưng bày trong triển lãm đã phản ánh sâu sắc tiến trình phát triển của văn hóa, trang phục từ xưa đến nay, cũng như quá trình xây dựng quần thể chùa Khmer. Theo bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, các hiện vật được trưng bày tại triển lãm lần này nhằm giúp người xem hiểu thêm được những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, về sự sáng tạo và bản sắc văn hóa của dân tộc qua các thời đại.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”, ngày 20/11/2013, tại Làng Văn hoá, du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ khai mạc không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ, chợ vùng cao phía Bắc, tái hiện nghi lễ mừng nhà mới và lễ hội Arieuping của dân tộc Tà Ôi (tỉnh Quảng Trị), nghi lễ Tết Xíp Xí của dân tộc Thái (tỉnh Sơn La). |
Triển lãm “Cánh diều Di sản” - hoạt động mở đầu chuỗi chương trình “Diều trong đời sống văn hóa Việt” đã chính thức khai mạc. Triển lãm giới thiệu những tài liệu, hiện vật tiêu biểu, những cánh diều của các vùng miền trong nước và một số nước trong khu vực. Qua đó giới thiệu nét đẹp văn hóa chơi diều đậm chất dân gian truyền thống, thể hiện óc sáng tạo, sự tinh tế và ước vọng cao đẹp của con người Việt Nam.
Cùng với triển lãm này, chương trình “Diều trong đời sống văn hóa Việt” sẽ diễn ra từ 19 - 23/11. Theo đó, nếu điều kiện thời tiết cho phép, từ 9 giờ đến 17 giờ và từ 19 giờ đến 20 giờ ngày 20/11, sẽ có chương trình tổng hợp mang tên “Chung một bầu trời” do các nghệ nhân đến từ 12 câu lạc bộ thuộc 10 tỉnh, thành phố trong cả nước biểu diễn. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người xem làm quen với cách làm, cách trang trí và cách chơi diều, du khách sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn và tham gia vào các trò chơi bổ ích, lý thú khác liên quan đến văn hóa chơi diều.
Ông Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam nói: “Những người chơi diều, làm diều mong muốn gửi tới cộng đồng thông điệp, hãy nhìn nhận và đánh giá văn hóa chơi diều như một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc, rất cần được bảo vệ và phát huy giá trị”.
Bên cạnh đó, ngày 19/11, cũng tái hiện lễ hội Căm Mường (còn gọi là lễ cấm bản), một trong những lễ hội đặc sắc, tiêu biểu và mang đậm bản sắc nhất của đồng bào dân tộc Lự (tỉnh Lai Châu) và trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên của các dân tộc tỉnh J rai (tỉnh Gia Lai).
Theo ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc tái hiện những lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa của đông đảo bà con, du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, khi tham gia các hoạt động này, du khách sẽ có cơ hội được tham gia trực tiếp, trải nghiệm cùng với các nghệ nhân, vừa tạo sự gắn kết của tình đồng bào, vừa tạo sự sống động cho các không gian văn hóa, để Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự là một “bảo tàng sống” của kho tàng văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em.
Phương Hà