Truyền dạy cồng chiêng trong cộng đồng

Từ nhiều năm nay, tỉnh Gia Lai đã quan tâm đến các hoạt động truyền dạy cồng chiêng trong cộng đồng dân tộc thiểu số, nhất là sau khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.


Năm 2010, tỉnh Gia Lai đã mở một lớp chỉnh chiêng - tạc tượng nhà mồ do các nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ trẻ người Bahnar và J'rai. Kết thúc khóa học, các học viên có thể tự chỉnh được loại chiêng Aráp (chiêng cổ) ở những mức độ âm thanh chuẩn khác nhau. Từ đó, phong trào truyền dạy di sản văn hóa cồng chiêng đã lan rộng đến các huyện, trường học trong tỉnh. Huyện Đăk Đoa mở 2 lớp truyền dạy cồng chiêng trong thời gian 1 tháng tại 2 xã Glar và Hà Bầu, cho các đối tượng là thanh, thiếu niên người Bahnah và J'rai.


Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Gia Lai từng bước đưa bộ môn cồng chiêng vào giảng dạy trong chương trình đào tạo dành cho các lớp nghệ thuật như: âm nhạc, múa, nhạc cụ và là môn tự chọn đối với các lớp nghiệp vụ về quản lý văn hóa, văn hóa du lịch. Ngoài ra, nhà trường còn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về truyền dạy cồng chiêng. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mang Yang đưa bộ môn công chiêng vào dạy ngoại khóa cho các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 và hình thành đội cồng chiêng chuyên nghiệp của nhà trường. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng với các buôn làng dân tộc trên địa bàn; tham dự giải liên hoan cấp huyện, cấp tỉnh đều đạt thành tích cao. Một số trường tiểu học ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Mang Yang, Đăk Đoa... cũng từng bước đưa bộ môn cồng chiêng vào dạy ngoại khóa cho học sinh.


Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN