Hôm nay (13/11), Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 18 sẽ chính thức khai mạc ở thành phố Yokohama, Nhật Bản. Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi sau "cú sốc Lehman Brothers" nhưng sự phục hồi này vẫn chưa chắc chắn, nhất là ở các nền kinh tế lớn thuộc APEC như Mỹ và Nhật Bản. Các nhân tố gây bất ổn vẫn còn tồn tại, trong khi nguy cơ một cuộc chiến phá giá tiền tệ vẫn đang hiện hữu. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo APEC phải đưa ra các quyết sách quan trọng nhằm hỗ trợ tăng trưởng của các nền kinh tế APEC nói riêng và thế giới nói chung.
Áp lực đổi mới ngày càng tăng
Trong 21 năm tồn tại và phát triển, APEC đã trải qua nhiều cột mốc đáng nhớ. Ngày nay, APEC đã trở thành một diễn đàn liên khu vực quan trọng, kết nối nhiều nền kinh tế năng động và đóng góp cho sự phồn vinh và phát triển bền vững trong khu vực cũng như trên thế giới. Mặc dù chịu các tác động sâu sắc của toàn cầu hóa và phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 và cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính 2008, APEC vẫn đứng vững và thể hiện rõ sức sống của một khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, mặc dù chỉ chiếm 40,3% dân số nhưng APEC hiện chiếm 52,7% GDP của toàn thế giới và 44,4% kim ngạch thương mại toàn cầu (số liệu thống kê năm 2009).
An ninh tại thành phố Yokohama được siết chặt trước giờ G. Ảnh: AFP/TTXVN |
Mặc dù vậy, APEC cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Đó là sự xuất hiện của nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố quốc tế, dịch bệnh, thiên tai, an ninh năng lượng, an toàn thực phẩm… và các mặt trái của toàn cầu hóa, với sự gia tăng khoảng cách kinh tế và công nghệ giữa các nền kinh tế thành viên. Bên cạnh đó, APEC hoạt động vẫn chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được những biến động của tình hình và chưa phát huy tối đa được vị thế so với các diễn đàn và cơ chế khác trong khu vực.
Trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố và sự gia tăng của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đặt ra những thách thức mới cho khu vực, sự quan tâm của APEC đã không còn giới hạn trong hợp tác kinh tế mà đã mở rộng sang các vấn đề an ninh và chính trị của khu vực. Vì vậy, làm thế nào để tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế APEC trong các lĩnh vực này vẫn còn là một câu hỏi lớn đối với các nhà lãnh đạo APEC trong thời gian tới.
Hướng tới tầm nhìn mới
Với chủ đề "Thay đổi và Hành động", trong hai ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ tập trung thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đảm bảo tăng trưởng bền vững của khu vực và tăng cường hợp tác trong việc bảo đảm an ninh con người.
Năm 1994, tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 2 ở Bogor, Inđônêxia, lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã ra tuyên bố Bogor, xác định mục tiêu và tầm nhìn dài hạn của APEC đến năm 2020. Ông Kenji Haramatsu, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho rằng mặc dù APEC có một số hành động cụ thể để thực hiện các mục tiêu Bogor như chương trình Nghị sự Hành động Osaka năm 1995 và Lộ trình Busan năm 2005 nhưng cho đến nay, APEC vẫn chưa đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá việc hoàn thành các mục tiêu trên. Vì vậy, quá trình đánh giá đã gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, nhất là kể từ sau "cú sốc Lehman Brothers", tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo APEC sẽ thảo luận các nỗ lực hướng tới xây dựng khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Đây chắc chắn sẽ là một vấn đề hóc búa đối với các nhà lãnh đạo APEC bởi vì, hàng loạt khuôn khổ hợp tác đa phương đang tồn tại đan xen trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng với các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương.
Cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu vừa qua cho thấy APEC cần phải xây dựng một chiến lược tăng trưởng toàn diện mang tính dài hạn để hỗ trợ sự tăng trưởng cân bằng và bền vững, qua đó đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài trong khu vực. Vì vậy, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ thảo luận về chiến lược tăng trưởng kinh tế toàn diện (AGS) đầu tiên của APEC và kế hoạch hành động để thực hiện chiến lược này.
Với chương trình nghị sự trên, nhiều người hy vọng một tầm nhìn mới về sự phát triển tương lai của APEC sẽ được hình thành sau hội nghị này dựa trên "ba thành tố chính" gồm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực thông qua FTAAP, đảm bảo tăng trưởng bền vững trong khu vực thông qua AGS và tăng cường an ninh con người.
Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)/TTXVN