Trọng trách trên vai “người khổng lồ”

Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) do Chủ tịch Shinzo Abe, nhân vật có quan điểm cứng rắn, lãnh đạo cùng với đồng minh là đảng Công minh (NKP) đã giành chiến thắng ngoạn mục với 325 ghế trong tổng số 480 ghế tại Hạ viện. Chỉ riêng LDP đã giành được 294 ghế, chiếm quá bán tại Hạ viện, vượt xa 58 ghế của liên minh của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền.


Với chiến thắng đầy thuyết phục, LDP đã khôi phục lại uy tín của mình trước cử tri và trở lại nắm quyền sau 3 năm vắng bóng. Chiến thắng này đã chứng minh thực tế LDP vẫn luôn là “người khổng lồ” cả về uy tín lẫn kinh nghiệm trên chính trường Nhật Bản.


Gánh nặng kinh tế và nỗi lo năng lượng


Đã giành được chiến thắng nhưng nụ cười vẫn ít xuất hiện trên gương mặt Chủ tịch LDP Shinzo Abe, bất chấp tiếng tung hô ăn mừng chiến thắng vang lên từ các văn phòng tranh cử. Vị thủ tướng tương lai nhận xét một cách thận trọng rằng LDP “giành được nhiều ghế không có nghĩa là đã giành được 100% niềm tin của người dân”. Quả thật, ban lãnh đạo LDP chưa thể thở phào nhẹ nhõm vì đây mới chỉ là sự bắt đầu cho chặng đường đầy khó khăn với hàng loạt vấn đề như căng thẳng ngoại giao với các nước láng giềng trong khu vực và trọng trách vực dậy nền kinh tế Nhật Bản đang chìm ngập trong khó khăn.


Ông Shinzo Abe và LDP đang đối mặt với nhiều thách thức.
Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong đợt vận động tranh cử vừa qua, ông Abe đã đề ra một chương trình nghị sự đồ sộ với những giải pháp táo bạo và quyết liệt. LDP đặt nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là giải quyết tình trạng giảm phát và vấn đề đồng yên tăng giá.


Ông Abe, vốn là người có quan điểm phát triển điện hạt nhân, cho rằng việc sản xuất điện nguyên tử đã cho phép Nhật Bản có nguồn năng lượng ổn định và phù hợp để phát triển kinh tế. Theo giới quan sát, tân chính phủ do LDP lãnh đạo nhiều khả năng sẽ xem xét lại chiến lược năng lượng mới được soạn thảo gần đây, theo đó Nhật Bản sẽ từ bỏ hoàn toàn điện hạt nhân vào thập niên 2030.


Về kinh tế, LDP cam kết sẽ buộc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) phải có những biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm đối phó với tình trạng giảm phát hiện nay với mục tiêu tăng trưởng kinh tế danh nghĩa trên 3%. Biện pháp chính mà LDP tính đến là xem xét sửa đổi luật ngân hàng Nhật Bản nhằm tạo cơ chế tăng cường hợp tác giữa chính phủ và BOJ.


Tuy nhiên, suy thoái kinh tế toàn cầu, “vách đá tài chính” của Mỹ, khủng hoảng nợ công châu Âu và các căng thẳng Nhật - Trung và Nhật - Hàn đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Nhật Bản. Ngoài ra, công cuộc tái thiết khu vực đông bắc bị tàn phá nặng nề bởi động đất, sóng thần cũng là nhiệm vụ đầy khó khăn đối với chính quyền mới.


Rào cản trong chính sách đối ngoại


Về đối ngoại, LDP chủ trương tăng cường khả năng phòng vệ của Nhật Bản với nòng cốt là củng cố liên minh Nhật - Mỹ, hòn đá tảng cho an ninh khu vực. Tuy nhiên, chính quyền LDP sẽ phải xử lý khéo léo vấn đề tái bố trí căn cứ không quân Futenma sao cho không làm “mếch lòng” Oasinhtơn như những gì mà chính quyền tiền nhiệm do DPJ lãnh đạo từng vấp phải.


Ngoài ra, ông Abe cũng tỏ ý rằng LDP sẽ có quan điểm cương quyết hơn đối với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Đặc biệt, LDP muốn xây dựng đạo luật cơ bản về an ninh quốc gia, mở đường cho quyền phòng vệ tập thể nhằm tăng cường quan hệ với các nước đồng minh, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước liên quan để đối phó với chương trình hạt nhân và vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản của CHDCND Triều Tiên.


Trong cương lĩnh về đối ngoại, Chủ tịch LDP Shinzo Abe cũng khẳng định, chính phủ mới sẽ cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga là những quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.


Tuy nhiên, với những chiến lược đề ra trong cương lĩnh, dường như LDP đang vấp phải mâu thuẫn cơ bản trong đường lối đối ngoại khu vực giữa một bên là quan điểm có phần cứng rắn trong các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ bằng chính sách tăng cường khả năng phòng vệ, với một bên là cải thiện quan hệ với các nước liên quan trong tranh chấp lãnh thổ nhằm đạt mục tiêu khôi phục nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.


Bất tín DPJ vì đã không thực hiện được những lời hứa khi tranh cử và năng lực điều hành đất nước yếu kém trong 3 năm qua, cử tri Nhật Bản lại tin tưởng đặt trọng trách lên vai “người khổng lồ” LDP và dành cho ông Abe thêm một cơ hội phục hưng đất nước sau những biến cố lớn lao. Với bề dày thành tích 54 năm gần như liên tục trên cương vị đảng cầm quyền, LDP được tin tưởng rằng có thể đưa đất nước Nhật Bản vượt qua những khó khăn bộn bề dẫu con đường trước mắt không trải toàn hoa hồng.



Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN