Đến nay, Quan Hóa đã trồng phục tráng được gần 2.100 ha rừng luồng, nâng tổng diện tích rừng luồng trên địa bàn lên 27.000 ha, khối lượng luồng sau khi trồng phục tráng đã tăng nhiều hơn trước, măng trồng to hơn 2 lần so với lúc chưa thực hiện đề án. Hiện cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao nhờ phát triển kinh tế rừng luồng.
Để triển khai đề án, trong giai đoạn 2016-2018, UBND huyện Quan Hóa đã hỗ trợ 1.300 hộ dân tiền mua phân bón, mỗi hộ khi trồng 1 ha rừng sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các xã hỗ trợ người dân chuyển giao tiến bộ khoa học vào trồng luồng, không khai thác luồng mùa măng mọc, việc bón phân và vun gốc trồng luồng phải thực hiện đúng kĩ thuật. Huyện cũng phối hợp các đơn vị trong tỉnh mở lớp tập huấn kiến thức cho người dân về trồng thâm canh cây luồng.
Nhờ thực hiện có hiệu quả đề án, cây luồng sau khi được trồng phục tráng có tán lá xanh hơn, tỷ lệ ra măng nhiều hơn so với trước đây với 2 măng/bụi, luồng tuổi 1 năm to hơn so với lúc chưa trồng phục tráng 2 - 3 cm/cây. Hiện đã có nhiều người dân vươn lên thoát nghèo nhờ trồng cây luồng.
Tại xã Nam Xuân, giai đoạn 2016-2018, xã được đề án trồng thâm canh, phục tráng rừng luồng hỗ trợ 50 tấn phân bón/60 ha rừng luồng. Sau khi tiếp nhận phân bón, xã đã cấp cho 90 hộ dân trồng luồng. Đến năm 2019, xã tiếp tục được đề án hỗ trợ 44,6 tấn phân để hỗ trợ cho 175 hộ dân đang trồng 116 ha rừng luồng. nhờ đó, nhiều người dân đã phát triển kinh tế rừng và vươn lên thoát nghèo.
Anh Lò Văn Rừng, bản Khuông, xã Nam Xuân cho biết, năm 2016, anh được đề án phục tráng rừng luồng hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật và 2 triệu đồng để mua phân bón trồng phục tráng rừng luồng. Sau đó, thực hiện mô hình trang trại tổng hợp, trồng luồng kết hợp chăn nuôi, trồng lúa.
Nhờ kiên trì chịu khó, kinh tế gia đình anh đã dần đi vào ổn định. Hiện trang trại của anh đã được mở rộng lên 7 ha; trong đó, có 4 ha rừng luồng, 2 ha trồng lát, keo, nuôi 40 con lợn, trồng 1 ha lúa, thu nhập bình quân gia đình anh đạt 100 triệu đồng/năm.
Ông Ngân Văn Sùng, trú tại bản Khuông, xã Nam Xuân cho hay, trước đây ông trồng và thai thác rừng luồng theo phương thức sản xuất cũ để bán cho các tiểu thương nên hiệu quả kinh tế không cao. Đến năm 2016, ông được đề án phục tráng rừng luồng hỗ trợ 2 triệu đồng mua phân bón cho 1 ha rừng luồng và được cán bộ nông nghiệp xã hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất.
Sau đó, ông xây dựng mô hình trồng rừng, bằng sự kiên trì và dày công chăm sóc, tới nay diện tích rừng của gia đình ông đã được mở rộng lên 4 ha; trong đó có 3 ha luồng, 1 ha cây keo; ông còn nuôi thêm 4 con bò, 3 con trâu. Thu nhập bình quân của gia đình ông đạt 60 triệu đồng/năm.
Theo ông Ngân Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, nhờ thực hiện tốt đề án trồng thâm canh, phục tráng rừng luồng, nhiều người dân đã thoát nghèo. Hiện số hộ nghèo tính đến năm 2019 của xã chỉ còn 69 hộ, hộ cận nghèo còn 235 hộ. Tới đây, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trồng luồng, xem cây luồng là cây chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Mặc dù đề án trồng thâm canh, phục tráng rừng luồng đạt nhiều thành công, nhưng vẫn gặp khó khăn do việc bón phân ít được người dân quan tâm, một số biện pháp kĩ thuật mới chưa được coi trọng. Công tác chỉ đạo của một số xã chưa quyết liệt, trong khi trồng thâm canh rừng luồng phải thực hiện ở nhiều địa hình khác nhau nên khó khăn cho việc vận chuyển phân bón.
Ông Đỗ Phi Hùng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Quan Hóa cho biết, giai đoạn 2016-2018, huyện được cấp hơn 4 tỷ đồng để thực hiện đề án trồng thâm canh, phục tráng rừng luồng. Nhờ thực hiện tốt đề án nên chất lượng rừng luồng ngày càng nâng cao, hiện diện tích rừng luồng được trồng nhiều nhất ở xã Thiên Phủ với 2.000 ha, xã Nam Động có 1.900 ha.
Để tiếp tục phát triển rừng luồng, thời gian tới huyện Quan Hóa sẽ chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch trồng thâm canh, phục tráng rừng luồng và thực hiện tốt chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Huyện cũng phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ trồng thêm 600 ha rừng và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.