Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp Hà Nội năm 2008, Trần Sỹ Trung về công tác tại Trung tâm Điều tra quy hoạch Nông - Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang), vậy mà khi có dự án 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã, anh Trung đã không ngần ngại từ bỏ công việc gần gia đình, đúng chuyên ngành, đăng ký tham gia.
Phó Chủ tịch Trần Sỹ Trung hướng dẫn đồng bào xử lý rác thải. |
Tháng 6/2012, rời xa quê hương để nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch xã khó khăn Quế Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang). Làm Phó Chủ tịch xã có tới 70% dân số là người dân tộc Tày, Nùng, lại phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, thấy những làn điệu soonghao nơi đây đang dần bị mai một, anh Trung đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền thành lập Câu lạc bộ hát soonghao tại thôn Ghè, vừa phục vụ hoạt động văn hóa văn nghệ những ngày lễ Tết, vừa tạo ra môi trường sinh hoạt và lưu giữ văn hóa cộng đồng của địa phương. Anh còn trực tiếp tham gia thực hiện nếp sống văn minh nơi vùng cao, vận động người dân, tuyên truyền việc giảm thiểu hủ tục rườm rà trên hệ thống loa phát thanh. Nhờ sự kiên trì và quyết liệt của anh, các phong tục ma chay, cưới hỏi, làm cỗ linh đình, để người chết trong nhà lâu ngày, đã giảm dần.
Năm 2014, anh Trung được phân công làm Phó Chủ tịch xã phụ trách lĩnh vực kinh tế. Anh xác định phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang tính bền vững, phù hợp với đặc điểm của địa phương thì người dân mới có thể thoát nghèo được. Qua tìm hiểu, anh Trung biết được giống thỏ Newzealand dễ nuôi, cho năng suất cao, đã từng được triển khai nuôi ở Sơn Động, nhưng thất bại do đầu ra không ổn định. Qua tìm hiểu, biết ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh) có công ty Nippionzki của Nhật Bản thu mua loại thỏ này, anh Trung không quản đường sá xa xôi, đến tìm hiểu và nhờ tư vấn. Nghe ý định của anh, lãnh đạo công ty khẳng định, công ty sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Về xã anh bắt đầu vận động bà con, xây dựng kế hoạch, cùng bà con làm chuồng trại và đề án “Phát triển chăn nuôi thỏ quy mô hộ gia đình tại xã Quế Sơn” ra đời. Ban đầu chỉ có 3 hộ gia đình tham gia đề án, dần dần thấy được lợi ích, đến nay toàn xã Quế sơn đã có 37 hộ gia đình tham gia chăn nuôi thỏ với tổng đàn trên 2.000 con, cho thu nhập từ 1,7 - 3 triệu đồng/tháng.
Phó Chủ tịch Trần Sỹ Trung kiểm tra sự sinh trưởng của cây trà hoa giống. |
Để tìm được giống cây phù hợp với mảnh đất Quế Sơn, nhiều đêm vắt óc suy nghĩ, anh Trung đã chợt nhớ đến đề tài nghiên cứu khoa học cùng thực hiện với thầy giáo trong thời sinh viên về cây trà hoa vàng ở Sơn Động. Đây là loại cây chỉ sống trong rừng, có triển vọng trong lĩnh vực cây cảnh và dược liệu nên được thương lái thu mua với giá rất cao. Anh lặn lội vào xã Phúc Thắng, Thạch Sơn, đi bộ gần 10 km đường rừng để tìm giống cây này. Nhờ sự kiên trì trong nghiên cứu kĩ thuật, khéo léo trong vận động và quyết tâm cao, từ số ít cây giống ban đầu, anh Trung đã nhân ra 800 cây chè giống và trồng thử nghiệm tại 5 hộ dân. Đến nay, số cây trồng thử nghiệm đã cho thu hoạch, hoa chè được thương lái đến tận nơi thu mua với giá trung bình 1-1,2 triệu đồng/kg.
Với những nỗ lực của mình, 3 năm liên tiếp, Trần Sỹ Trung được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm và đề tài “Nghiên cứu nhân giống và trồng thử nghiệm cây dược liệu bản địa trà hoa vàng Sơn Động dưới tán rừng sản xuất, vườn cây ăn quả tại huyện Sơn Động, Bắc Giang” được đánh giá có khả năng nhân rộng.