Ngày 26/5 vừa qua, người dân châu Âu đã được chứng kiến một thực tế hoàn toàn mới: Trên khắp châu lục này, do làn sóng bất mãn của cử tri, các đảng vốn có lập trường phản đối Liên minh châu Âu (EU), trong đó hầu hết là các đảng cực hữu, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Tại một số quốc gia thành viên của EU, trong đó có Anh và Pháp, những đảng này sẽ chiếm đa số trong EP. Đáng chú ý là những đảng có tư tưởng phát xít kiểu mới như “Bình minh Vàng” ở Hy Lạp hay Jobbik ở Hungary cũng đã giành được những thắng lợi bất ngờ, đúng 70 năm sau khi hệ tư tưởng tiền thân của những đảng này đã gây ra cuộc thảm sát tại Lục địa già.
Ứng viên Jean - Claude Juncker của Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu trong buổi họp báo sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử EP được công bố tại Brussels, Bỉ, ngày 25/5. Ảnh: AFP-TTXVN |
Thông điệp bài EU của những đảng này thật sự là một thảm họa đối với giới chính trị gia. Khi các nhân vật cực đoan ngồi vào những chiếc ghế quyền lực, họ sẽ cản trở những nỗ lực nhằm đưa nền kinh tế châu Âu thoát khỏi tình trạng ảm đạm. Vốn được thành lập với tôn chỉ vì sự hòa giải và đoàn kết trong châu lục song nền tảng này sẽ bị lung lay khi EU bị chi phối bởi lực lượng này.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang rất bất ngờ, như thể vừa trải qua một thảm họa thiên nhiên. Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói kết quả của cuộc bầu cử là "một trận động đất". Trong cuộc bầu cử này, đảng Mặt trận Quốc gia của Pháp đã giành chiến thắng trước đảng Xã hội cầm quyền và đảng cánh hữu Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP) với 25% số phiếu bầu.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến EU rơi vào tình trạng này?
Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu cho rằng những thông điệp đơn giản và mang tính mị dân của các đảng cực đoan thu hút sự ủng hộ của cử tri là kết quả của cuộc khủng hoảng kinh tế. Trên thực tế, mô hình chính trị tại châu Âu từ sau Thế chiến thứ hai đã cho thấy xu hướng quay trở về với sự an toàn về chính trị trong những thời điểm khó khăn. Trong lịch sử, hay ít nhất là kể từ khi kết thúc chiến tranh, hầu hết cử tri châu Âu đều nhận thức được rằng sự phục hồi kinh tế đòi hỏi sự ổn định về chính trị chứ không phải là sự thù địch và chia rẽ trong giới chính trị gia. Những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay là sự chán nản của người dân các quốc gia thành viên EU đối với giới chính trị gia vì họ đã không giải quyết được những lo ngại thường nhật của dân thường.
Có rất nhiều vấn đề hiện nay đang gây lo ngại cho cử tri châu Âu. Trong số đó có khủng hoảng kinh tế, sự phân hóa cũng như mối đe dọa về việc đánh mất bản sắc của quốc gia và nền văn hóa do thiếu vắng những chính sách nhất quán đối với những vấn đề như người nhập cư hay sự hòa nhập của các nhóm thiểu số. Họ nhìn thấy mô hình đa văn hóa của châu Âu đang ngày càng xuống cấp, cùng với đó là sự lên ngôi của những cộng đồng bó hẹp trong các thành thị.
Do không giải quyết được những lo ngại của người dân, đặc biệt là nhóm thiểu số mà đúng ra phải được bảo vệ, giới chính trị gia châu Âu đã để mất sự ủng hộ của cử tri vào tay các thế lực theo trường phái dân túy. Các nhà lãnh đạo châu Âu không thể nào tiếp tục né tránh những vấn đề "nhạy cảm" nữa và buộc phải bỏ mặc lãnh thổ cho những phần tử cực đoan và kích động sự thù hằn trong dân chúng.
Cuộc bầu cử vừa rồi là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn châu Âu. Đúng ra trong 7 thập kỷ hội nhập sâu rộng trong châu Âu và không có chiến tranh vừa rồi, châu lục này phải duy trì được một xã hội hòa bình, ổn định. Tuy nhiên, việc bỏ qua những lo ngại của người dân đã không đảm bảo được một xã hội ổn định tiếp tục tồn tại. Các nhà lãnh đạo phải là những người đi đầu và họ phải vận động được, cuốn hút được cử tri, nhưng họ đã không làm được như thế. Và kết quả là tất cả châu Âu sẽ đều phải trả giá khi mà họ tìm cách né tránh những trách nhiệm cơ bản của mình.
Phạm Phú Phúc (Theo “Project Syndicate”)