Bắt đầu vào mùa mưa, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị gia tăng nhanh chóng. Trung bình mỗi tuần thành phố tiếp nhận hơn 200 ca mắc sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, tình hình bệnh dịch tay chân miệng cũng đang có chiều hướng gia tăng.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong tuần qua thành phố đã ghi nhận thêm 246 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) phải nhập viện điều trị. Hiện có 56 phường, xã xuất hiện 2 ca bệnh (tăng 10 phường, xã), trong đó huyện Bình Chánh và quận Bình Tân đang trở thành điểm nóng của SXH khi nhiều phường, xã có từ 5 - 9 ca bệnh. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 6 đến nay có 397 ca mắc SXH đến khám và điều trị, trung bình mỗi ngày có 10 - 14 ca nhập viện. Hiện tại khoa Nhiễm của bệnh viện có 37 bệnh nhi đang nằm điều trị. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay toàn thành phố có hơn 3.500 ca mắc SXH, giảm 9% so với cùng kỳ, trong đó có 4 ca tử vong.
Bác sỹ Võ Minh Quang - Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, cho biết: Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân mắc SXH. Hiện có khoảng gần 100 bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày đã dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện.
Số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng. |
Bên cạnh đó bác sỹ Đỗ Châu Việt, khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi Đồng 2) cũng nhìn nhận: Bắt đầu vào mùa mưa, số bệnh nhi nhập viện do SXH cũng bắt đầu gia tăng. Mặc dù số ca bệnh vẫn không nhiều so với cùng kỳ nhưng số ca nặng thì lại gia tăng, chiếm khoảng 15 - 20% (năm trước số ca nặng chỉ chiếm 10%). Bác sỹ Việt khuyến cáo, hiện SXH chưa có thuốc đặc trị, đa số là truyền nước cho trẻ. Tuy nhiên, người nhà cũng không nên tự ý đến các cơ sở tư nhân truyền nước cho trẻ mà trẻ phải được truyền nước theo đúng chỉ định của bác sỹ. Khi trẻ có các dấu hiệu ói mửa, đau bụng, đi tiểu ít, mồ hôi ra nhiều, sốt thì phải mang trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Trước tình hình SXH diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ quận, huyện phòng chống dịch. Đồng thời đề nghị quận, huyện tăng cường công tác truyền thông trong các trường học, khu nhà trọ, xử lý triệt để những ca bệnh và ổ dịch, tăng cường diệt loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi…
Trong khi bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng thì bệnh dịch tay chân miệng (TCM) cũng chưa có dấu hiệu giảm, điều này gây ra gánh nặng cho ngành y tế thành phố, cùng một lúc phải đối phó với hai loại bệnh dịch nguy hiểm. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, tổng số ca mắc bệnh TCM nhập viện điều trị từ đầu năm đến nay có khoảng 3.600 ca; tăng 1,4 lần so với cùng kỳ, trong đó có 5 ca tử vong. Tại khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi Đồng 2 có từ 60 - 70 bệnh nhi mắc TCM đang nằm điều trị nội trú trong đó có nhiều ca nặng. Từ đầu tháng 6 đến nay bệnh viện đã khám cho 3.144 ca, trong đó có 377 ca phải nhập viện, trung bình mỗi ngày có 18 - 20 ca nhập viện điều trị.
Trước tình hình bệnh dịch tăng cao, thành phố đã thành lập 6 đoàn kiểm tra công tác phòng chống SXH, TCM để khảo sát thực tiễn tình hình dịch bệnh nhằm đưa ra giải pháp khả thi nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh trên 24 quận, huyện và tổ chức họp ban chỉ đạo phòng chống dịch định kỳ vào chiều thứ tư hàng tuần.
Theo báo cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, tình hình bệnh dịch SXH và TCM tại các tỉnh khu vực phía Nam đang có dấu hiệu gia tăng. Tính từ đầu năm các tỉnh phía Nam đã có 21.215 ca SXH, tử vong 11 ca. Như vậy, số mắc SXH tăng 20% so với cùng kỳ năm 2011 (17.651 ca), số tử vong giảm. Các tỉnh có số mắc cao là TP Hồ Chí Minh 226 ca/tuần, Sóc Trăng 207 ca/tuần… Tổng số ca mắc bệnh TCM từ đầu năm đến nay cũng tăng 144,56% so với cùng kỳ 2011 (8.362 ca), số tử vong giảm 13,79% so với cùng kỳ 2011 (29 ca). Các tỉnh có số mắc cao nhất TCM là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và An Giang.
Bài và ảnh: Đan Phương