Đúng như đã nhiều lần tuyên bố, ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức dùng quyền lực của người đứng đầu cơ quan hành pháp để phủ quyết dự luật xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu từ Canada tới các nhà máy lọc dầu ở các bang miền nam nước Mỹ. Lãnh đạo đa số tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (trước) và các nghị sĩ đảng Cộng hòa sau khi Hạ viện thông qua dự luật xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây là lần thứ ba ông Obama sử dụng quyền lực hiến định này để bác bỏ các văn bản pháp luật đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua. Việc làm này cũng báo hiệu mối quan hệ căng thẳng hơn giữa Nhà Trắng và Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát trong năm 2015.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của Tổng thống Obama gửi lên Thượng viện nêu rõ ông đã rất nghiêm túc khi cân nhắc sử dụng quyền của tổng thống để phủ quyết dự luật Keystone XL và “cũng nghiêm túc chịu trách nhiệm về việc làm này với người dân Mỹ”. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Obama sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ dự luật của Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm quyền lãnh đạo cả Thượng viện lẫn Hạ viện sau cuộc bầu cử cơ quan lập pháp giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11 năm ngoái.
Các nghị sỹ của đảng Cộng hòa đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích hành động của Tổng thống Obama, đồng thời cho biết sẽ tìm cách phủ quyết lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phe Cộng hòa khó có thể vận động thêm được 4 phiếu tại Thượng viện và 11 phiếu tại Hạ viện để đủ 2/3 số phiếu ủng hộ bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Obama.
Dự án xây dựng tuyến đường ống Keystone XL từ Canada xuyên qua lãnh thổ nước Mỹ được khởi xướng cách đây hơn 6 năm với tổng vốn đầu tư hơn 8 tỷ USD. Tuyến đường ống Keystone XL do tập đoàn TransCanada Corp của Canada và tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất này có tổng chiều dài 3.462km chạy qua 6 bang của Mỹ, dự kiến được xây dựng theo hai giai đoạn và khi hoàn tất có thể vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu ở Canada tới các nhà máy lọc dầu ở các bang bờ biển phía nam nước Mỹ.
Dự án này được các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa và các tập đoàn dầu khí ủng hộ trong khi các nghị sỹ của đảng Dân chủ và các nhóm hoạt động về môi trường ở cả Mỹ và Canada phản đối vì lo ngại sẽ phá hủy môi trường và hệ sinh thái những nơi nó chạy qua.
TTXVN/Tin tức