Theo chân cán bộ tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thái Bình đến những điểm giao dịch, trực tiếp trò chuyện với những người làm công tác tín dụng ở cơ sở, chúng tôi mới thấy được sự đam mê công việc của họ. Mặc dù, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng họ luôn tự hào về những việc mình đã và đang làm. Họ thực sự đã trở thành cầu nối, giúp đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đến đúng đối tượng và phát huy được hiệu quả ở Thái Bình.
Một buổi sinh hoạt định kì của các tổ trưởng Tổ TK&VV xã Việt Thuận với cán bộ NHCSXH huyện Vũ Thư. |
Bà Nguyễn Thị Tính, Giám đốc NHCSXH huyện Vũ Thư, một trong những phòng giao dịch thực hiện tốt vấn đề giải ngân, theo dõi tình hình sử dụng vốn, đôn đốc thu nợ, thu lãi chia sẻ: “Sau gần 10 năm ra đời, Phòng giao dịch chưa có một trường hợp nào nợ quá hạn khó đòi, hoặc không đòi được. Đa số các hộ vay vốn có ý thức trả lãi, gốc rất tốt. Nếu không có sự nhiệt tình, tinh thần làm việc có trách nhiệm của những tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), chúng tôi khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Họ là cánh tay nối dài của ngân hàng”.
Mặc dù NHCSXH tỉnh Thái Bình hoạt động trên địa bàn một tỉnh đồng bằng, điều kiện đi lại thuận lợi, nhưng lại có dân số đông, mật độ dân cư cao, số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn, bình quân một huyện có gần 40 xã, có huyện lên tới gần 50 xã...
Vì vậy, việc triển khai các chương trình tín dụng theo chủ trương “trực tiếp, tại chỗ, gần dân, sát dân” đặt ra cho NHCSXH tỉnh Thái Bình những yêu cầu và đòi hỏi lớn trong việc bố trí nguồn nhân lực cũng như việc hình thành bộ máy quản lý và mạng lưới giao dịch theo đúng yêu cầu đặt ra.
Nếu trước đây, muốn vay vốn, người dân các huyện, xã ở Thái Bình phải lên tận ngân hàng để làm thủ tục, nhiều người ở xa đi lại rất mất thời gian, lại không hiểu rõ thủ tục vay vốn nên gây ra tâm lý ngại ngần.
Nay có những điểm giao dịch ngay tại xã, có thời gian làm việc cụ thể được báo trước đã giúp người dân trong xã chủ động sắp xếp thời gian làm việc với ngân hàng. Đến ngày trả lãi, giải ngân, bà con chỉ cần đến làm việc tại các điểm giao dịch nên mọi thứ đều rất thuận lợi, nhanh chóng.
Buổi giao dịch giống như một buổi họp giao ban. Tại đây, cán bộ ngân hàng phổ biến những vấn đề mới tới địa phương, các Tổ TK&VV phản ánh lại những thông tin tại địa phương đến ngân hàng. Nhờ vậy, người dân càng thêm tin yêu và gắn bó với NHCSXH.
Công tác giải ngân nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH được thuận lợi, dễ dàng phải kể đến vai trò tổ trưởng các Tổ TK&VV, những cán bộ hội địa phương đã được thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về hạch toán sử dụng vốn vay; tư vấn sản xuất kinh doanh, tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn. Các tổ trưởng Tổ TK&VV chính là những người trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của người dân, trực tiếp thu lãi, gốc và động viên người dân sử dụng đồng vốn có hiệu quả.
Mặc dù đã 60 tuổi, nhưng bác Nguyễn Thị Hoa, tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Thuận An, xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, vẫn rất nhiệt tình với công việc của mình. Là một cán bộ Hội phụ nữ thôn, nhưng hơn 10 năm gắn bó với công việc cũng là những năm tháng bà được gặp gỡ, chia sẻ, gần gũi với người nghèo, giúp đỡ, tạo điều kiện để người dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn. Đến nay, nguồn vốn do bà quản lý đã lên đến 631 triệu đồng với 48 hộ khách hàng.
Mỗi người dân, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng điều bà trăn trở nhất là làm thế nào để khi được nhận vốn, người dân biết cách làm cho đồng vốn sinh lời để vừa trả được gốc và lãi cho ngân hàng, vừa cải thiện cuộc sống gia đình. Bác Hoa rất vui khi có nhiều hộ ăn nên làm ra, thoát nghèo nhờ đồng vốn của NHCSXH.
Chị Hồ Thị Xuân, thành viên Tổ TK&VV của bà Hoa phấn khởi nói: “Được bà Hoa giúp làm thủ tục vay vốn, rồi bày cho cách làm ăn, giờ gia đình tôi đã thoát nghèo rồi. Không chỉ gia đình tôi, nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo. Nếu không được vay vốn ưu đãi, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có nhà để ở”.
Ông Lưu Thế Bình, Chủ tịch UBND xã Việt Thuận cho biết: “Xã đang nhận ủy thác hơn 8 tỷ đồng từ NHCSXH tỉnh Thái Bình. Hiện xã có 16 Tổ TK&VV. Nhờ đồng vốn ưu đãi, hàng chục hộ dân đã thoát nghèo, số hộ khá và giàu liên tục tăng”.
Bên cạnh việc hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, NHCSXH huyện Vũ Thư còn vận động các Tổ TK&VV khi đã phát triển khá về kinh tế thì tiến hành gửi tiết kiệm, góp phần tạo thêm nguồn vốn vay, từng bước hình thành thói quen tiết kiệm cho người nghèo, giảm bớt khó khăn khi trả nợ.
Theo bà Nguyễn Thị Tính, Giám đốc NHCSXH huyện Vũ Thư, tổng dư nợ cho vay đến nay đạt hơn 232 tỷ đồng, trong đó: cho vay hộ nghèo là gần 70 tỷ đồng, học sinh sinh viên 129 tỷ đồng, số còn lại là cho vay theo các chương trình khác. Để đồng vốn đến sớm với người dân và đúng đối tượng cần vay, NHCSXH huyện đã thành lập 438 Tổ TK&VV theo nguyên tắc tự nguyện, đoàn kết tương trợ và giúp đỡ nhau.
Nghe những người làm công tác tín dụng ở cơ sở tâm sự một cách chân thành mới thấy được ý nghĩa to lớn mà nguồn vốn chính sách của Nhà nước đem lại. Cuộc sống được nâng lên, an sinh xã hội được bảo đảm và mô hình Tổ TK&VV còn giúp bà con gần gũi nhau, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.
Bài và ảnh: Lê Sơn