Trong quá trình hội nhập và phát triển, nhiều giá trị văn hóa cổ truyền được bảo tồn và phát huy, đồng thời cũng có một hệ giá trị văn hóa mới được tạo dựng nên, có mặt tích cực song vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức. Đây là nội dung thảo luận chính tại Hội thảo khoa học “Hệ giá trị văn hoá Việt Nam trong đổi mới, hội nhập”. Hội thảo diễn ra ngày 29/5 tại Hà Nội, do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VH, TT & DL), Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật tổ chức với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hoá.
Theo ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH, TT & DL, về mặt lý thuyết, hệ thống giá trị văn hóa cơ bản có tính ổn định, song thực tế nó cũng có những thay đổi nhất định ở từng thời kỳ để phù hợp với bối cảnh mới. Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, biểu hiện sinh động, rõ nét nhất trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam là tính nhân văn. Con người sống trong tình thương, chia sẻ, che chở lẫn nhau, hy sinh lợi ích cá nhân vì Tổ quốc, dân tộc. Chính điều này đã làm nên sức mạnh, góp phần đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước. Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau đã tác động mạnh mẽ đến việc tiếp thu, lược bỏ, hình thành giá trị văn hóa, thậm chí làm đảo lộn các giá trị văn hóa trên mọi lĩnh vực. Sự hội nhập toàn diện, quá nhanh chóng với bên ngoài đã tạo nên những cú sốc văn hóa, dẫn đến việc xuất hiện hành vi lệch chuẩn trong đời sống xã hội, có tác động tiêu cực tới quan niệm, cách suy nghĩ và lối sống của con người Việt Nam. Nhiều hệ giá trị truyền thống không còn phù hợp với bối cảnh của thời đại đang dần bị đào thải, mất đi hoặc có những biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ. “Việc tìm ra Hệ giá trị văn hóa Việt Nam; cấu trúc, phân loại hệ giá trị văn hóa; sự chuyển đổi giá trị trong văn hóa Việt Nam, Bảo tồn hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong phát triển xã hội; những giải pháp để phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam..., là rất cần thiết, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã có thay đổi đáng kể trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Nguyên nhân dẫn đến những biến đổi này chủ yếu do xu hướng toàn cầu hóa lan rộng, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, đăc biệt là công nghệ thông tin khiến cho việc tiếp cận thông tin nhanh chóng, đa chiều, tác động đến nhận thức, đánh giá khác nhau của mỗi cá nhân và xã hội. Sự hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường, khoảng cách phân hóa xã hội ngày càng rõ nét, rồi các thay đổi trong kinh tế, đời sống, xã hội đã nhanh chóng làm cho hệ giá trị văn hóa biến đổi theo... Do đó cần tiến hành nghiên cứu đầy đủ, toàn diện để chủ động khuyến khích cái mới, cái tốt, cái phù hợp phát triển; hạn chế những cái cũ, lạc hậu, ngoại lai không phù hợp với thẩm mỹ, giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.
Cho rằng hội nhập là tất yếu, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam khẳng định, bảo tồn và phát huy hệ giá trị văn hoá phải đặt trong quá trình giao lưu, hội nhập và tiếp biến văn hoá với 2 xu hướng tiếp nhận và loại trừ. Ta học được cái hay của bạn, nhưng cũng phải xem ta có gì để chứng tỏ, để khoe với bạn hay không...
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, sự chuyển đổi các giá trị ở nước ta đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn liền với các thể chế về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước đang trong quá trình vận động phát triển. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, đất nước không thể phát triển được nếu như kinh tế không phục vụ cho sự phát triển và nâng cao đời sống văn hóa, ngược lại, văn hóa không phát triển được tiềm năng, nếu như người ta không biết sử dụng văn hóa như một bộ phận cấu thành của sự phát triển kinh tế. Sự tách rời giữa kinh tế với văn hóa, đạo đức xã hội, chính là nguyên nhân làm tăng những biểu hiện tiêu cực của quá trình chuyển đổi các giá trị văn hóa hiện nay.
PGS.TS Lê Thanh Bình, Học viện Ngoại giao cho rằng, việc Xây dựng hệ giá trị văn hóa mới là việc làm cần thiết, mang tính thời sự. Theo ông Bình, có thể xây dựng một bộ tiêu chí của hệ giá trị vừa kế thừa được các tiêu chí trước đây, vừa phù hợp điều kiện đất nước hôm nay và phù hợp với xu thế của thế giới, thời đại. Đó là bộ tiêu chí hệ giá trị văn hóa phổ quát chung cho toàn xã hội, mọi người cần hướng đến và thực hiện theo. Việc nghiên cứu để xây dựng tiêu chí hệ giá trị văn hóa Việt Nam cần được thúc đẩy mạnh mẽ. Sau khi được cơ quan chức năng thống nhất, ban hành rồi phải có biện pháp quảng bá trong, ngoài nước để mọi người Việt Nam hưởng ứng, thực hiện. Phải coi đây là việc làm của mọi ban ngành, của cả hệ thống chính trị, làm sao để dần dần, mọi thành viên xã hội noi theo, coi là tiêu chí đánh giá đúng sai, thiện ác, hay dở, tốt kém của mỗi cá nhân và thấm sâu thành nhận thức thành tư duy, hành động tự giác của các công dân. Nếu làm đúng, bài bản và lâu dài thì quá trình này sẽ có tác dụng góp phần cho việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, chính sách Nhà nước và tạo sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy nền văn hóa Việt Nam phát triển lành mạnh.
Bài và ảnh: Phương Hà