Chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102 của Chính phủ cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, đã góp phần giải quyết về an ninh lương thực và nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân; tạo điều kiện cho hộ nghèo có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.
Bà con tập kết ngô để bán cho thương lái. |
Bài 1: Hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo
Theo Quyết định 102/2009/QĐ - TTg, ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn, nhằm mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng giống cây, con tiếp cận với sản xuất hàng hóa, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ một số mặt hàng thiết yếu... Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách hỗ trợ hộ nghèo này đang có những vấn đề cần được quan tâm.
Chính sách đã đi vào cuộc sống
Theo UBDT, trong hơn 3 năm thực hiện Quyết định 102 ở 57 tỉnh trên cả nước, chương trình đã hỗ trợ cho 17.956.048 người, với hơn 1.599 tỷ đồng đạt 90,7% kế hoạch vốn giao. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt đã thực hiện là hơn 987 tỷ đồng, chiếm 61,7% và kinh phí hỗ trợ theo hình thức cấp bằng hiện vật là 612 tỷ đồng, chiếm 38,3% tổng kinh phí thực hiện.
Các hộ nghèo đã sử dụng tiền hỗ trợ để mua sắm những vật dụng cần thiết cho đời sống, hoặc những dụng cụ lao động, vật tư để phục vụ cho sản xuất. Đặc biệt, tại một số tỉnh, các hộ nghèo đã cùng nhau góp vốn để thành lập tổ sản xuất (tại tỉnh Kiên Giang đã thành lập tổ trồng nấm rơm). Các địa phương tổ chức họp dân lấy ý kiến về chọn mặt hàng hỗ trợ. Căn cứ vào nhu cầu của người dân có tỉnh đã chọn một số mặt hàng ngoài quy định như: Phân bón (Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Đắk lắk, Bình Phước), thuốc bảo vệ thực vật (Bình Phước) và một số mặt hàng khác. Việc hỗ trợ này góp phần cùng với các chính sách khác của Nhà nước giải quyết những vấn đề khó khăn trong đời sống, tạo điều kiện phát triển sản xuất, tạo thêm động lực cho hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo.
Nhưng mức hỗ trợ thấp
Ông Hoàng Quý, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, cho biết: Trong những năm qua, cả nước nói chung và vùng dân tộc và miền núi nói riêng, chịu sự tác động tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế thế giới và lạm phát trong nước. Giá cả những tư liệu tiêu dùng và sản xuất hiện nay đã tăng lên so với năm 2009 khoảng 70%. Vì vậy, định mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/năm đối với người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực II, xã biên giới, xã bãi ngang, hải đảo; 100.000 đồng/người/năm đối với người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực III như hiện nay là rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và không đủ để tạo ra những tác động mong muốn như mục tiêu chính sách đề ra là hỗ trợ đời sống của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn. Vì vậy, cần nâng mức hỗ trợ lên 300.000 đồng/người/năm mới phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay.
Qua quá trình thực hiện quyết định, cũng đã nảy sinh một số vấn đề như chênh lệch mức hỗ trợ giữa các hộ trên địa bàn giáp ranh hai khu vực II và III, hoặc các dân tộc khác nhau ở hai khu vực, trong khi vì thực trạng nghèo đói của các hộ này không quá chênh lệch nhau. Do vậy, nên điều chỉnh lại việc quy định đối tượng thụ hưởng theo hướng là các hộ nghèo sinh sống tại khu vực II và III đều được hưởng mức hỗ trợ như nhau.
Liên quan đến danh mục hỗ trợ, ông Hoàng Trung Năng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái trăn trở, theo quy định tại Quyết định 102/2009/QĐ-TTg, giới hạn hỗ trợ trong bốn mặt hàng là giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc thú y, muối i ốt. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân, nhiều địa phương đã lựa chọn hình thức hỗ trợ hiện vật cho người dân như nguyên liệu, vật tư và các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, nhu cầu được hỗ trợ bằng hiện vật ở mỗi địa phương, mỗi vùng miền khác nhau. Do vậy, việc quy định cứng bốn mặt hàng theo Quyết định đôi lúc còn gây lúng túng cho địa phương khi triển khai thực hiện.
Trong giai đoạn 2010 - 2012, các địa phương đã thực hiện nhiều nội dung như: Tổ chức thực hiện chính sách, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá chính sách, nhưng do chưa có kinh phí quản lý nên gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện địa bàn vùng dân tộc và miền núi rộng, địa hình chia cắt, việc đi lại kiểm tra, rà soát, cập nhật đối tượng thụ hưởng, việc hướng dẫn đồng bào lập sinh kế còn nhiều khó khăn nên công tác tổ chức thực hiện chính sách gặp nhiều bất cập. Việc đánh giá tác động của chính sách đối với đời sống của người dân sau khi được nhận hỗ trợ chưa thực sự được quan tâm.
Để khắc phục những khó khăn, bất cập này, Ủy ban Dân tộc đã đề nghị bố trí kinh phí quản lý hàng năm từ nguồn ngân sách địa phương bằng 2% so với tổng mức kinh phí được phân bổ để đơn vị điều hành cấp tỉnh, huyện và xã tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đạt hiệu quả tốt hơn. |
Bài và ảnh: Trọng Thủy
Bài cuối: Cây xóa đói