Cam kết của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình hồi đầu năm về điều chỉnh hạ lãi suất, ổn định tỷ giá năm 2012 đã được thực hiện. Nút thắt về vốn cho doanh nghiệp đã khơi thông, tỷ giá ổn định, nợ xấu dần được xử lý... Kết quả này được ghi nhận trong cuộc họp báo đánh giá điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 và định hướng năm 2013 tổ chức tại NHNN, chiều 27/12.* Chỉ hạ lãi suất khi kiểm soát được lạm phát
Năm 2012, NHNN đã 5 lần điều chỉnh các mốc lãi suất cơ bản. Ảnh TTXVN. |
Năm 2012, NHNN đã 5 lần điều chỉnh các mốc lãi suất cơ bản với lộ trình giảm nhanh hơn dự kiến, để cuối năm đưa trần lãi suất huy động ngắn hạn về mức 8%/năm và trần cho vay các lĩnh vực ưu tiên về 12%/năm. Bức tranh lãi suất đã được cải thiện theo hướng tích cực, theo đó, lãi suất huy động giảm từ 3 – 6%, lãi suất cho vay giảm từ 5 – 9% so với cuối năm 2011 và đã trở về mức lãi suất cuối năm 2007. Động thái này đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về chi phí vay vốn và khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhờ thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, các chỉ tiêu tăng trưởng ở mức hợp lý. Tổng phương tiện thanh toán cả năm tăng khoảng 20%, tín dụng tăng xấp xỉ 7%, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp 6,81%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức 5,03%.
Đáng chú ý, tín dụng tăng trưởng thấp nhưng cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Đến ngày 20/12, tín dụng tăng 6,45% so với cuối năm 2011, trong đó, tín dụng bằng VND tăng 8,92%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 3,51%.
Tín dụng đối với xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm so với năm trước. Hiện dư nợ cho vay bằng VND có mức lãi suất trên 15%/năm chiếm tỷ trọng 18,7%, giảm so với mức 65% trước ngày 15/7 (thời hạn giảm trần lãi suất cho vay).
Đến tháng 9, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động xem xét, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay với tổng số 252.159 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nợ xấu của các TCDT sau khi tăng mạnh vào những tháng đầu năm đã dần được khống chế và từng bước xử lý.
“Bắt bệnh” thị trường tiền tệ những năm qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận xét: Cốt lõi của bất ổn là mất cân đối tích lũy trong nước và đầu tư “lệch”. Việt Nam chưa thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài để bù đắp thiếu hụt. Nếu chỉ phát hành tiền thì chỉ phục vụ mục tiêu trước mắt nhưng sẽ đẩy lạm phát tăng cao.
Để thoát vướng mắc này, Việt Nam cần thu hút nhiều các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài nhưng phải đúng và trúng, ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh hoặc công nghệ cao chứ không phải là các dự án bất động sản.
Đã đến lúc phải tạo trào lưu và khuôn khổ pháp lý mới thu hút FDI vào Việt Nam một cách có trọng tâm, trọng điểm. Để đạt được điều này, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn phải đặt lên hàng đầu – làm nền tảng để phát triển và tái cấu trúc nền kinh tế... Bởi vậy, điều hành lãi suất của NHNN trong năm 2013 vẫn bám sát mục tiêu này.
Năm 2013, NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD để đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả. NHNN yêu cầu các TCTD tập trung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là 5 nhóm ưu tiên: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, NHNN không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích; tiếp tục cho phép các TCTD tự quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với nhu cầu vốn để thanh toán ra nước ngoài... Tuy nhiên, trước kỳ vọng NHNN tiếp tục hạ lãi suất, Thống đốc khẳng định phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố và chỉ hạ lãi suất khi kiểm soát được lạm phát.
* Đẩy lùi “đô la hóa”Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối (NHNN) Nguyễn Quang Huy cho biết: Doanh số giao dịch trên thị trường ngoại tệ tăng mạnh, thanh khoản ngoại tệ trên thị trường cải thiện rõ rệt so với những năm trước. Nhu cầu mua, bán ngoại tệ hợp lý và hợp pháp của các doanh nghiệp cũng như người dân được hệ thống TCTD đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân đã giảm đáng kể. Xu hướng dịch chuyển tiền gửi ngoại tệ sang tiền gửi tiền đồng liên tục được duy trì trong cả năm.
Đến cuối năm 2012, tiền gửi ngoại tệ của dân cư giảm hơn 13% so với cuối năm 2011 trong khi tiền gửi bằng VND của dân cư tăng 36%. Như vậy, tình trạng đô la hóa được đẩy lùi một bước, thị trường ngoại tệ tự do gần như không còn hoạt động công khai.
Thành công trong công tác điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ phải kể đến cam kết mạnh mẽ về ổn định tỷ giá của Thống đốc NHNN hồi đầu năm. Cam kết này thể hiện sự quyết tâm của cơ quan điều hành nhằm ổn định tâm lý thị trường, đáp ứng kỳ vọng của người dân, đồng thời nâng cao uy tín của NHNN trong điều hành thị trường.
Cùng đó, chính sách tiền tệ được điều hành chặt chẽ, linh hoạt theo hướng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô đã góp phần ổn định giá trị đồng Việt Nam , kiểm soát kỳ vọng lạm phát hỗ trợ bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối. Chính sách lãi suất được điều hành phù hợp với diễn biến lạm phát đã tạo chênh lệch lợi tức hợp lý, thiên về nắm giữ tiền đồng thay vì ngoại tệ như trước đây, giảm dần quan hệ cho vay – huy động ngoại tệ sang mua – bán ngoại tệ. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thị trường ngoại tệ và vàng đã được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả tích cực.
Nhìn lại năm 2012, thặng dư cán cân thanh toán đã ở mức kỷ lục, dự trữ ngoại hối nhà nước gia tăng nhanh chóng, ổn định tâm lý cho các bên tham gia thị trường về khả năng can thiệp thị trường ngoại hối của NHNN khi cần thiết.