Men theo khe núi thôn Giao Hòa 1, xã Nhất Hòa, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), chúng tôi như lạc vào rừng quýt vàng óng. Đã từ lâu, thứ cây ăn quả đặc sản nổi tiếng trong vùng đã giúp cho hàng chục hộ dân đồng bào dân tộc Tày nơi đây thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tết này, nhiều hộ dân có mức thu nhập 70-100 triệu đồng từ trồng quýt.
Nhờ trồng cây ăn quả đặc sản mà gia đình anh Dương Hữu Nhâm đã thoát nghèo. Ảnh: Viết Tôn |
Chiếc ô tô đưa chúng tôi về Nhất Hòa trong một ngày mùa đông giá rét. Khi ngồi trong xe, ai cũng suýt xoa vì lạnh nhưng khi lạc vào vườn quýt trong chân núi của các gia đình thôn Giao Hòa 1 thì cái lạnh như tan biến. Không khí như được hâm nóng bởi tiếng nói cười vui vẻ của bà con nơi đây khi họ đang trẩy quýt về bán. Hai chiếc xe công nông đang nổ máy phành phạch vượt dốc, trên xe chất đầy quýt, quả vàng ươm.
Ông Dương Xuân Ninh, Chủ tịch UBND xã Nhất Hòa cho biết: Quýt vàng Bắc Sơn là giống cây ăn quả bản địa. Cây ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, sinh trưởng tốt trong các khe núi, thung lũng thuộc vùng núi đá. Từ hàng chục năm nay, giống quýt vàng nơi đây đã nổi tiếng bởi màu vàng của nắng, vị ngọt của núi, hương thơm của gió rừng, dường như bao tinh túy của núi rừng dồn vào, tạo cho quả quýt có một hương vị đặc biệt thơm ngon mà không một nơi nào có thể sánh được.
Nhờ được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội mà nhiều hộ đã cải tạo được vườn tạp, trồng cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao, trong đó cây quýt thực sự trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho phần lớn đồng bào các dân tộc ở Bắc Sơn.
Nhiều hộ đã sử dụng hiệu quả đồng vốn ngân hàng như gia đình anh Dương Hữu Nhâm, thôn Giao Hòa 1, ông Dương Công Chức, bà Dương Thị Sao, thôn Mỹ Ba, xã Nhất Hòa để tu bổ vườn quýt (mỗi hộ trên 200 cây), thu nhập hàng năm khoảng 70 triệu đồng/hộ/năm. Hộ ít cũng cho thu nhập từ 20-30 triệu đồng/hộ/năm, như gia đình ông Dương Công Sức, Dương Công An, Dương Công Lương, Hoàng Công Thắng, thôn Mỹ Ba; ông Long Đức Huân, Hà Văn Kiểu, Long Văn Phúc, thôn Thái Bằng, xã Nhất Hòa…
Cá biệt có hộ đầu tư trồng tới 400 cây, đạt mức thu nhập đều hàng năm từ 110-130 triệu đồng, như gia đình ông Dương Hữu Lên, dân tộc Tày, ở thôn Giao Hòa 1. Ngay cả với những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, sau mỗi vụ quýt, nhiều hộ cũng đạt mức thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng.
Toàn huyện Bắc Sơn có tổng cộng gần 1.000 ha quýt, trong đó diện tích đã cho thu hoạch quả gần 600 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 1.600 tấn. Với giá bán tại vườn hiện nay dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg, Tết này nhiều hộ đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao ở Nhất Hòa, Nhất Tiến, Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Tân Lập, Chiến Thắng, Vũ Sơn và Đồng Ý giàu lên trông thấy.
Nhưng theo đánh giá của người dân nơi đây thì hiện nay cây quýt đang ngày càng giảm cả về diện tích và phẩm cấp hàng hóa. Các loại sâu bệnh gây hại như: Sâu vẽ bùa, sâu đục thân đục cành, nhện đỏ, ruồi vàng đục quả, bệnh vàng lá… phát sinh nhiều hơn. Nguyên nhân cơ bản là do nạn khai thác rừng tràn lan trong suốt nhiều năm qua, khiến môi trường sinh thái thay đổi nghiêm trọng.
Anh Dương Hữu Nhâm, thôn Giao Hòa 1 cho biết: Các loại cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như nghiến, sến… với độ che phủ rộng lớn và tạo thảm thực vật phong phú và độ ẩm rất tốt nay đã đang ít dần; làm cho độ ẩm trong các vườn quýt giảm đi nhanh chóng. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân khác là đại đa số người trồng quýt vẫn thực hiện theo lối quảng canh lạc hậu - tức là đến mùa thì thu hoạch quả chứ chưa có sự đầu tư chăm sóc.
Lý giải thêm về việc này, anh Nguyễn Thế Quyền, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Sơn cho rằng: Do không có sự đầu tư chăm sóc nên năng suất và phẩm chất của quýt vàng Bắc Sơn chưa thể hiện hết tiềm năng vốn có của giống quýt quý này.
Để bảo tồn và phát triển giống quýt vàng, phát huy tiềm năng thế mạnh của Bắc Sơn, rất cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn trong việc tuyên truyền vận động người trồng quýt thực hiện biện pháp đầu tư chăm sóc vườn theo đúng kỹ thuật.
Đồng thời thực hiện công tác bình tuyển những cây ưu tú để qua đó có biện pháp bảo vệ nguồn gen quý và chọn tạo ra giống đầu dòng phục vụ cho công tác phát triển vùng quýt hàng hóa theo tiềm năng sẵn có của địa phương.
Được biết, thời gian qua với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu rau quả, sau một thời gian điều tra, khảo sát, tuyển chọn những cây quýt ưu tú, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức thành công Hội thi tuyển chọn giống quýt vàng Bắc Sơn.
Huyện Bắc Sơn cũng đã được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ thực hiện đề tài xây dựng thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn, Viện Bảo vệ thực vật đã tích cực phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ Lạng Sơn nghiên cứu sản xuất cây quýt giống sạch bệnh. Kết quả đến nay, vườn ươm giống cây quýt sạch bệnh tại địa phương bước đầu đã tạo được hàng nghìn cây giống sạch bệnh, cung cấp cho bà con đưa vào sản xuất.
PV