Thi tuyển lãnh đạo - bước đột phá trong công tác cán bộ - Bài cuối: Thu hút người tài vào bộ máy công quyền

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về phương thức bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo thông qua thi tuyển đang và sẽ được thực hiện tại các địa phương và một số bộ, ngành, TS Thang Văn Phúc (ảnh), nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khẳng định: Đây là một xu hướng tiến bộ, phù hợp với xu thế của quản trị hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

 


Trong thời gian qua, một số địa phương trong cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng... đã tổ chức thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo cấp sở. Mới đây nhất, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thông báo sẽ thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ vào tháng 4 tới đã thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận. Ông đánh giá như thế nào về phương thức bổ nhiệm này?


Hình thức thi tuyển mà các địa phương và một số bộ, ngành đang thực hiện đã có trong chủ trương giai đoạn 1 chương trình tổng thể cải cách hành chính 2001 - 2010 và tiếp tục được khẳng định trong giai đoạn 2 từ 2011 - 2020. Từ năm 2006 đến nay, hình thức này đã được thực hiện ở một số địa phương với nhiều mức độ khác nhau từ cấp phòng ở huyện và cấp phòng ở sở tại các tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... tới thi tuyển giám đốc sở như Quảng Ninh, vụ trưởng ở Bộ Tư pháp... Mới đây nhất, Bộ GTVT cũng công bố thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ.

 

Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của chính Bộ trưởng Đinh La Thăng nói riêng và Bộ GTVT nói chung. Tôi cho rằng, việc này hoàn toàn có thể thực hiện được bởi vị trí Tổng cục trưởng thực chất thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT. Thêm vào đó, đây tuy là một chức danh lãnh đạo quản lý nhưng tính chuyên môn của ngành và lĩnh vực này lại rất rõ, đòi hỏi người đứng đầu phải am hiểu và có kiến thức về giao thông đường bộ. Vì thế, Bộ có thể tuyển chọn được những người có năng lực, trình độ và hiểu biết về lĩnh vực này chứ không phải là những nhân vật chính trị hay những người quản lý chung chung. Nếu thực hiện được, đây là bước tiến lớn trong việc bổ nhiệm nhân sự có vị trí cao trong bộ máy quản lý nhà nước; đồng thời cũng là điểm vượt trội so với chủ trương là thi tuyển cán bộ cấp cục, cấp vụ (bây giờ đến cấp tổng cục).


Để xây dựng nền công vụ chính quy, hiện đại có tính chuyên nghiệp, theo tôi, việc thi tuyển này càng làm nhanh càng tốt và phải quyết tâm làm bởi việc này sẽ giúp thay đổi cơ bản chất lượng nhân sự. Chúng ta có cơ hội chọn người tài, có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ một cách khách quan mà không phải qua cơ chế cũ hay thân quen. Đây là một xu hướng tiến bộ, phù hợp với phương thức quản trị hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

 

Theo ông, khó khăn lớn nhất trong việc thi tuyển cán bộ cấp cao là gì?


Theo tôi, đã thi tuyển là phải công khai, minh bạch; trong đó, phải công khai tiêu chuẩn, vị trí, quy trình hay nói gọn lại là quy chế thi tuyển. Thứ hai là phải có thời gian công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn xã hội được biết, để mọi thành phần kể cả tư nhân nếu thấy đảm nhiệm được công việc thì đều có thể đăng ký thi tuyển. Điều này tạo ra sự bình đẳng giữa mọi thành viên tham gia. Bên cạnh đó, việc thực hiện công khai là để các tổ chức đoàn thể, nhân dân giám sát. Nếu thực hiện nghiêm túc, việc “lọt cửa” chỉ là xác suất rất nhỏ, từ đó lấy được lòng tin của người dân.


Hiện nay, chúng ta bắt đầu làm từ thấp đến cao, từ phạm vi hẹp trong một bộ, ngành; sau đó mở rộng ra toàn bộ nền công vụ, rồi toàn xã hội. Tuyển được người tài, người giỏi thì chất lượng nền công vụ sẽ tăng lên. Đó là mục tiêu của cải cách và cũng là cái đích của nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.

 

Để hút được người tài vào bộ máy công quyền, theo ông cần có những giải pháp gì?


Cơ chế nhân sự của ta mấy chục năm nay là “Đảng cử, dân bầu”, cấp ủy chuẩn bị nhân sự, rồi cấp dưới lấy phiếu thẩm định lại. Điều này có cái tốt, nhưng có những mặt chưa được như mong muốn trong việc tạo dựng một đội ngũ cán bộ có trình độ tương xứng với yêu cầu công việc. Vì thế, nếu thi tuyển rõ ràng, minh bạch thực sự, chắc chắn sẽ gây dựng được lòng tin và thu hút được những người có năng lực tham gia vào cuộc tuyển chọn cạnh tranh đó.


Tuyển được người tài không phải là mục đích cuối cùng mà cái quan trọng hơn là làm thế nào để người đó phát huy được năng lực của bản thân, cống hiến cho đất nước. Vì thế, cần có biện pháp để đồng bộ hóa cả công tác tư tưởng, tổ chức để giúp người đó thực thi tốt nhất chức trách của mình. Tính xấu của người Việt Nam vẫn là đua ganh, kèn cựa, người làm lâu năm thường chê “ngựa non háu đá” khi có người trẻ hơn mình đảm nhận chức cao hơn mình. Điều này phải thay đổi trong nhận thức, tư tưởng.

Thêm vào đó, phải có cơ chế phân công trách nhiệm, công việc rõ ràng, mạch lạc để làm cơ sở đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân hay không, chứ không phải lấy phiếu tập thể. Muốn đánh giá đúng, khách quan có nhiều cách, trong đó có thể lập hội đồng độc lập. Tham gia hội đồng là những chuyên gia, nhà khoa học, quản lý có chuyên môn, thậm chí là người nước ngoài. Làm được tất cả những điều này sẽ tạo dựng lòng tin với xã hội để dần dần có nhiều người giỏi, người tài tìm đến, tham gia vào các cơ quan công quyền để cống hiến.


Xin cảm ơn ông!


Thu Phương

Thi tuyển lãnh đạo - bước đột phá trong công tác cán bộ - Bài cuối: Thu hút người tài vào bộ máy công quyền

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về phương thức bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo thông qua thi tuyển... TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khẳng định: Đây là một xu hướng tiến bộ, phù hợp với xu thế của quản trị hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN